Nhiều ngân hàng giấu nợ xấu

TP - Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu hiện khoảng 202.000 tỷ đồng, tập trung ở một số lĩnh vực về sản xuất, công nghiệp, xây dựng do chịu tác động lớn bởi thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng.
Việc các NHTM giấu nợ xấu, còn nhằm làm đẹp sổ sách, tăng lợi nhuận trên sổ sách. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Ngân hàng Nhà nước lên tiếng về ‘độ vênh’ nợ xấu
> Nợ xấu ở Cần Thơ sao đẹp thế

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa.

Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng (TCTD), nợ xấu tính đến 31-3- 2012 là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi con số nợ xấu mà NHNN công bố tới 8,6%. Con số khác nhau do nhiều ngân hàng thương mại giấu nợ xấu, nhằm giảm trích lập dự phòng rủi ro. 

Tại cuộc họp báo chiều 12-7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Quyền Chánh thanh tra cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN, cho biết: “Ngay cả các nước cũng không có chuẩn quốc tế về phân loại nợ và dự phòng rủi ro, mà chỉ đưa ra nguyên tắc về giảm giá trị tài sản theo giá trị dự phòng và các quốc gia cùng thực hiện nguyên tắc đó. Nên con số nợ xấu khác nhau do cách tính toán theo định tính và định lượng”.

Ông lý giải thế nào về hai con số nợ xấu khác xa nhau cùng đưa ra một thời điểm (mức 4,47% và gần 8,6%), con số nào chính xác?

Con số 4,47% là con số do các TCTD báo cáo qua hệ thống thống kê. Tuy nhiên, theo hệ thống giám sát của NHNN, mức nợ xấu từ 8-10%. Cụ thể hơn đến 31- 3-2012, là 8,6%.

Tại sao có con số chênh lệch trên, cái này có mấy lý do: Nguyên nhân đầu tiên xét theo tiêu chí định tính. Cùng là định tính nhưng sự đánh giá có thể khác nhau như về tuổi nợ.

Có nơi quy ước quá hạn trả nợ từ 90 ngày trở lên thuộc nợ nhóm 3, có nơi lại tính từ 90-180 ngày. Cùng một bảng cân đối, giữa các ngân hàng cũng có những đánh giá khác nhau.

Nguyên nhân thứ hai, thực tế tại các TCTD có một bộ phận không nhỏ cố ý vi phạm quy định trích lập dự phòng (giấu nợ xấu, nhằm giảm số tiền phải trích lập dự phòng rủi ro - PV), nhằm giảm chi phí dự phòng, làm chênh lệch báo cáo tài chính lớn hơn.

Riêng về con số nợ xấu của ngân hàng mà nước ngoài công bố (theo Flich là trên 13%) thì phải hết sức thận trọng, bởi thường cách làm của họ không phải thông qua tất cả các ngân hàng mà chỉ ở một vài ngân hàng rồi dùng phương pháp suy luận.

Nếu cứ nợ quá hạn là xếp vào nợ xấu, thì Việt Nam phải sát 13%. Thế nhưng, có phải cứ nợ quá hạn là nợ xấu không? Theo chúng tôi, tuổi nợ chỉ là tiêu chí tối thiểu để xét nợ xấu.

Trong số nợ xấu, tỷ lệ lớn tập trung vào lĩnh vực nào? Dư nợ cho vay BĐS, chứng khoán hiện ra sao, thưa ông?

Trong số nợ xấu 117.000 tỷ đồng mà TCTD báo cáo, thì nợ được phân vào nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), nhưng không có nghĩa chắc chắn mất vốn, chiếm khoảng 40%.

Nhưng hết sức lưu ý, nợ nhóm 5 được trích lập dự phòng rủi ro, và cũng có tài sản bảo đảm tương đối cao.

Còn theo số liệu của NHNN, nợ xấu hiện khoảng 202.000 tỷ đồng, trong đó tập trung ở một số lĩnh vực về sản xuất, công nghiệp, xây dựng do chịu tác động lớn bởi thị trường BĐS đóng băng.

Dư nợ cho vay BĐS đến cuối tháng 5 khoảng 197.000 tỷ đồng, chiếm 13% trong tổng số dư nợ toàn nền kinh tế 2,6 triệu ngàn tỷ đồng. Nợ xấu từ cho vay BĐS theo tính toán khoảng 12.000 tỷ, chiếm 6,5% dư nợ cho vay BĐS. Cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán, đến 31-5, dư nợ chỉ còn khoảng 12.000 tỷ, trong đó nợ xấu khoảng 485 tỷ đồng.

Việc các NHTM giấu nợ xấu, còn nhằm làm đẹp sổ sách, tăng lợi nhuận trên sổ sách.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Vậy thời gian tới NHNN sẽ xử lý nợ xấu ra sao?

Một trong biện pháp căn cơ là đẩy mạnh xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm. Việc bảo đảm phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro rất quan trọng, giúp TCTD hoạt động an toàn, bảo đảm vốn cho nền kinh tế.

Tháng 8 tới, NHNN sẽ ban hành văn bản về trích lập dự phòng rủi ro, quy định về cho vay; thanh tra giám sát. Vai trò trong cảnh báo sớm rủi ro về đầu tư tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng chưa thực sự hiệu quả, chúng tôi sẽ đẩy mạnh vấn đề này.

Về giải pháp lâu dài NHNN sẽ thực hiện một loạt các đề án như: TCTD bán nợ cho công ty mua bán nợ của Bộ Tài chính; Chính phủ mua lại các dự án BĐS phục vụ an sinh xã hội, nhà ở, văn phòng cho các cơ quan công vụ…

Nói chung, để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đòi hỏi việc xử lý nợ xấu phải gắn với tái cơ cấu hệ thống tài chính của các doanh nghiệp nhà nước.

Hiện có trên 100 TCTD, nên cơ quan thanh tra giám sát không thể thanh tra đồng loạt, phát hiện xử lý những vi phạm này dù đi thanh tra thực tế lúc nào cũng “bắt” được lỗi.

Tuy nhiên, qua hoạt động giám sát từ xa, qua hệ thống thông tin khách hàng, cơ quan này đã xác định, ghi nhận chất lượng thực tế và buộc các TCTD phải thừa nhận, thực hiện.

Còn việc lập công ty mua bán nợ xấu thuộc NHNN với số vốn 100.000 tỷ đồng thì sao?

Việc thành lập công ty mua bán nợ mới dừng ở đề án nghiên cứu, NHNN chưa báo cáo chính thức với Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, cần con số 100.000 tỷ đồng để xử lý nợ xấu, theo tôi không cần đến con số tiền mặt đó.

Bởi nếu thành lập công ty này, chúng tôi sẽ phải sử dụng nhiều công cụ tài chính. Giá trị khoản nợ xấu danh nghĩa có thể lên đến 100.000 tỷ, nhưng khi chúng tôi mua bán lại, thì giá mua phải dựa trên giá chiết khấu – dựa trên khoản dự phòng rủi do đã được trích lập.

Không thể yên tâm

NHNN khẳng định tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam dù tính theo con số 4,47% hay 8,6% nói trên thì vẫn thấp hơn một số nước trong khu vực tại thời điểm Chính phủ xử lý.

Con số này tại Hàn Quốc là 17% (tháng 3-1998), Thái Lan 47,7% (tháng 5-1999); Maylaysia 11,4% (tháng 9-1998), Indonesia trên 50% (1999).

Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Nợ xấu của Việt Nam thực chất vẫn là một ẩn số. Ngay cả con số 8,6% mà NHNN công bố cũng là ẩn số.

Chỉ tính riêng con số này so với thông lệ quốc tế đã là rất cao, còn nếu so với nền kinh tế của chúng ta hiện nay còn cao hơn nữa. Nên việc so sánh nợ xấu của Việt Nam tại thời điểm xử lý với các nước trong khu vực, để thấy chúng ta vẫn an toàn là khập khiễng. Bởi sức khoẻ nền kinh tế của chúng ta cũng khác với các nước khác, chưa kể giai đoạn này nhiều doanh nghiệp của ta rất yếu.

Theo Báo giấy