Theo đó, khi nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng bìu sưng to, đau dữ dội. Chẩn đoán hình ảnh cho thấy tinh hoàn đã hoại tử, không thể cứu chữa.
Cách đây một thời gian, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế tiếp nhận nam thanh niên 21 tuổi, vào viện vì đau tức vùng bẹn bìu trái. Bệnh khởi phát trước lúc nhập viện khoảng 1 giờ với đau đột ngột dữ dội vùng bẹn bìu trái. Đau càng lúc càng tăng kèm nôn 2 lần, không bí trung đại tiện, không rối loạn tiểu tiện.
Nam thanh niên cho biết trước đó chưa mắc bệnh gì đặc biệt, chưa có lần nào đau tương tự như lần này, không bị chấn thương vùng bẹn bìu trước đố, trước lúc bị đau khoảng 12 giờ, bệnh nhân có chơi thể thao. Bệnh nhân được chẩn đoán xoắn thừng tinh trái. 4 giờ sau khi khởi phát bệnh, bệnh nhân được mổ cấp cứu tháo xoắn, cố định hai tinh hoàn.
Tương tự, bé trai Đỗ Quốc H (6 tuổi, trú tại Văn Lâm, Hưng Yên) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong tình trạng sưng đau vùng bẹn bìu trái. Qua siêu âm, các bác sĩ phát hiện bé bị xoắn tinh hoàn. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật để tháo xoắn tinh hoàn nhưng bên tinh hoàn trái đã hoại tử tím đen không còn khả năng bảo tồn nên phải cắt bỏ một bên tinh hoàn cho bé.
Theo các BS, xoắn tinh hoàn là bệnh lý do tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Nếu kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh.
Vì vậy, xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để lâu hơn, tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Khi tinh hoàn quay làm xoắn thừng tinh và giảm lưu lượng máu. Nếu tinh hoàn xoay nhiều lần, lưu lượng máu đến nó có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn, gây hoại tử, biến chứng rất nhanh chóng. Nam giới bị xoắn tinh hoàn có đặc điểm di truyền và thường ảnh hưởng đến cả 2 tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi bị chấn thương bìu; hoạt động thể chất và khi ngủ.
Các yếu tố nguy cơ bị xoắn tinh hoàn
Tuổi: thường gặp nhất ở nam giới từ 10 - 25 tuổi.
Tiền sử bị xoắn tinh hoàn: nếu bệnh nhân đã từng bị xoắn tinh hoàn nhưng các triệu chứng đã thuyên giảm không cần điều trị vẫn có khả năng mắc bệnh trở lại.
Thời tiết: xoắn tinh hoàn thường xuất hiện khi thời tiết lạnh, chẳng hạn bạn đi nghỉ mát ở vùng núi cao có nhiệt độ lạnh.
Bất thường bẩm sinh: bất thường quả lắc chuông (Bell clapper deformity) dẫn đến trục dài của tinh hoàn nằm ngang thay vì theo trục thẳng của cơ thể, khiến tinh hoàn xoay trên thừng tinh, gây tắc tĩnh mạch và tụ máu, với hệ quả là thiếu máu động mạch và hoại tử tinh hoàn.