Nhiều mặt bằng kinh doanh đắc địa tại Hà Nội đóng cửa: 1.001 lý do ngừng hoạt động

TP - Gần đây, khu vực trung tâm Hà Nội có hàng loạt mặt bằng kinh doanh đắc địa được trả, treo biển cho thuê. Rất nhiều lý do được chính những người trả mặt bằng đưa ra...
Mặt bằng kinh doanh lớn đang tìm khách thuê tại Phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Theo khảo sát của phóng viên Tiền Phong, tại những con phố nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội như Đại Cồ Việt, Phố Huế, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Mai Hắc Đế…, nhiều mặt bằng kinh doanh hiện bỏ trống, treo biển cho thuê. Từ quán cà phê, quán ăn tới cửa hàng thời trang, điện thoại…, nhiều cơ sở kinh doanh đã đóng cửa, trả lại mặt bằng cho chủ nhà. Có những cơ sở buộc phải đóng cửa sau nhiều năm kinh doanh, nhưng cũng có những cơ sở chỉ vừa kinh doanh được 2-3 tháng đã phải trả mặt bằng.

Chị Trần Khánh Linh, chủ một quán nước ép hoa quả và đồ ăn cho học sinh vừa trả mặt bằng trên phố Hai Bà Trưng, cho biết, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế hậu COVID-19 là nguyên nhân chính khiến cửa hàng của chị phải đóng cửa. “Sau đại dịch, tình hình kinh doanh của cửa hàng khá khó khăn. Học sinh vừa nghỉ hè, phụ huynh không đưa đón con đi học nữa nên lại càng vắng khách hơn. Mình gồng được qua hai mùa hè, nhưng đến năm nay thì không gồng nổi nữa”, chị Linh nói. Chị dự định sẽ mở lại cửa hàng ở khu vực có giá thuê nhà thấp hơn tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai…

Anh Nguyễn Đức Minh, chủ một cửa hàng sửa chữa điện thoại trên phố Hai Bà Trưng cũng vừa trả mặt bằng chỉ sau 3 tháng kinh doanh. Anh giải thích vì khu vực này đã có nhiều cửa hàng của các thương hiệu lớn, giá thuê lại cao, nên anh chủ động “rút” sớm để tìm khu vực phù hợp hơn. Theo anh Minh, việc mua bán qua các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển cũng là một nguyên nhân khiến anh phải chào thua.

Anh Nguyễn Tiến Phát, chủ một cửa hàng bánh trên đường Phố Huế, chia sẻ, khách hàng bây giờ, đặc biệt là thế hệ gen Z phần lớn đều đặt hàng online qua các ứng dụng như Shopee, GrabFood,… ít khi đến mua trực tiếp tại cửa hàng. Mùa hè, xu hướng này lại càng phát triển mạnh hơn vì thời tiết nắng mưa thất thường khiến người ta ngại ra đường. “Nhiều khi tôi cũng nghĩ rằng thà tiết kiệm vài chục triệu đồng tiền thuê nhà mỗi tháng để đầu tư vào chi phí chạy quảng cáo, hoạt động trên các sàn thương mại điện tử, thuê nhân viên trả lời khách và chốt đơn online… Thế có khi lại hay hơn”, anh Phát tâm sự.

Bên cạnh đó, khá nhiều thẩm mỹ viện và phòng khám tư nhân cũng phải đóng cửa, tại các địa chỉ số 75 Bà Triệu, số 328 và 352 Phố Huế, số 79 Mai Hắc Đế…

Theo những người đang kinh doanh xung quanh các cơ sở trên, bên cạnh khó khăn về kinh tế, không đáp ứng đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng là một trong những lý do phòng khám này rời đi. “Gần đây Hà Nội xảy ra nhiều vụ cháy lớn, nên người ta kiểm tra PCCC ở các thẩm mỹ viện và phòng khám khá chặt. Nếu không đáp ứng quy định thì sẽ bị đóng cửa, mà không hoạt động thường xuyên thì làm sao trụ lại được ở những khu đắt đỏ này”, chị Lê Thị Thắm, chủ một cơ sở kinh doanh trên phố Bà Triệu, nói.

Theo báo cáo của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 43 năm 2022, tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 chưa được như kỳ vọng bởi nhiều nguyên nhân như chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra… Nhiều chính sách không đạt mục tiêu đề ra, như gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm giải ngân rất thấp, chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động chỉ đạt 56% kế hoạch…

Phần lớn chủ muốn thuê mặt bằng nhỏ

Một chủ nhà đang tìm người thuê mặt bằng ở phố Hai Bà Trưng chia sẻ, phần lớn chủ cửa hàng bây giờ chỉ muốn thuê mặt bằng nhỏ, có giá trong khoảng 10 - 20 triệu đồng. Nếu thuê mặt bằng rộng ở các vị trí “vàng” tại quận Hoàn Kiếm hoặc Hai Bà Trưng, họ sẽ rất khó gánh khoản tiền thuê nhà có thể lên tới gần trăm triệu đồng mỗi tháng. Một chủ nhà khác ở Phố Huế đang ra giá 75 triệu đồng/tháng cho ngôi nhà 3 tầng với tổng diện tích 270m2 cũng nói điều tương tự. “Giá thuê nhà ở khu vực trung tâm rất cao, trong thời buổi kinh tế khó khăn, không phải ai cũng đáp ứng được. Bây giờ chỉ làm đủ ăn được thôi, chứ chưa làm giàu được đâu”, người này nói.

Bên cạnh đó, một số chủ nhà chưa cho ai thuê mặt bằng vì họ “kén” mặt hàng kinh doanh. Trên đường Đại Cồ Việt có nhiều mặt bằng đang bỏ trống dù thường xuyên có người hỏi thuê. “Tôi chưa cho ai thuê vì họ đều muốn mở nhà hàng, quán nhậu, mà kinh doanh loại dịch vụ này rất ồn ào, nhếch nhác nhà cửa, lại có nguy cơ cháy nổ. Nhưng tôi không quá lo lắng. Đây là khu vực trung tâm nên lúc nào cũng có người liên hệ”, ông Đào Lê Hùng, một chủ nhà trên đường Đại Cồ Việt nói. Ông Hùng cho biết, cũng có một số chủ nhà muốn ngừng cho thuê vì lý do gia đình, như muốn để dành ngôi nhà đó cho bố mẹ, ông bà ở.