Nhà máy vẫn phải phát điện cầm chừng
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, hiện các nhà máy thủy điện khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vẫn phải điều tiết nước đảm bảo dòng chảy tối thiểu, phát điện cầm chừng để đảm bảo an toàn tổ máy khi vận hành, nâng cao mực nước phát điện.
Hiện một số hồ xấp xỉ mực nước chết (Thác Bà, Bản Vẽ, Đồng Nai 3) trong khi một số hồ vẫn ở mực nước thấp (Thác Mơ, Hủa Na). Do lượng nước về hồ thủy điện không lớn nên một số thủy điện phát điện cầm chừng với lưu lượng, công suất thấp như: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Hủa Na, Thác Mơ, Đồng Nai 3.
Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, khu vực Bắc Bộ đã bước vào mùa lũ, tuy nhiên lưu lượng về các hồ chứa thấp, mực nước hồ tăng chậm nên các nhà máy thủy điện vẫn phải phát điện cầm chừng. Theo thống kê, tại khu vực Bắc Bộ, do lưu lượng nước về hồ ổn định, mực nước nhiều hồ thủy điện đã vượt mực nước chết (chỉ còn hồ Thác Bà xấp xỉ mực nước chết.
Cụ thể, mực nước hồ Lai Châu cao hơn 17,3 m so với mực nước chết; hồ Sơn La cao hơn mực nước chết 4,3 m; hồ Hòa Bình cao hơn 22,6 m so với mực nước chết; hồ Tuyên Quang vượt mực nước chết 6,8 m trong khi hồ Bản Chát vượt mực nước chết hơn 7,9 m.
Các hồ thủy điện thuộc khu vực Bắc Trung Bộ như Trung Sơn (vượt mực nước chết 4,5 m). Các hồ thủy điện Bản Vẽ, Hủa Na, Bình Điền, Hương Điền cũng đều thoát mực nước chết và cao hơn mực nước chết từ 2 - 7 m. Khu vực Đông Nam Bộ cũng ghi nhận hồ Thác Mơ và hồ Trị An đều đã vượt mực nước chết. Khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng ghi nhận nhiều hồ thủy điện có lượng nước về gia tăng và đã thoát mực nước chết.
Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, số liệu cập nhật sáng 21/6 của Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho thấy, cùng với nắng nóng trở lại ở nhiều địa phương, phụ tải toàn hệ thống điện ngày 20/6 đạt 856,6 triệu kWh. Trong đó miền Bắc ước khoảng 405,6 triệu kWh, miền Trung khoảng 79,5 triệu kWh, miền Nam khoảng 370,9 triệu kWh. Đáng chú ý, lượng điện tiêu thụ tăng khá mạnh với công suất đỉnh hệ thống điện (Pmax) vào lúc 14h đạt 41.407,1 MW. Công suất đỉnh ở miền Nam đạt 18.417,8 MW, ở miền Bắc đạt 18.871,5 MW và ở miền Trung đạt 4.086,7 MW.
Đề xuất nhiều ưu đãi cho điện mặt trời mái nhà tự dùng
Ngày 20/6, Bộ Công Thương cho biết đã xây dựng dự thảo và có báo cáo đề xuất gửi Thủ tướng xem xét phê duyệt cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất, khi đầu tư phát triển, sử dụng điện mặt trời mái nhà, các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... Cơ chế này cũng không giới hạn về quy mô công suất lắp đặt. Tuy nhiên, hệ thống phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường và phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành.
Dự thảo cũng nêu rõ, để thực hiện các cơ chế khuyến khích trên, các bộ ngành và địa phương có nghiên cứu, hướng dẫn để đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí.
Các cơ chế khuyến khích được Bộ Công Thương đề xuất nhằm từng bước thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đặt mục tiêu đến 2030 có 50% các tòa nhà công sở, 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu (tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).