Giải bài toán thiếu điện: Sớm gỡ rào cản cơ chế

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay chính là nhiều năm qua, cả nước không có thêm nguồn thuỷ điện hay nhiệt điện lớn nào được bổ sung. Để giải bài toán thiếu điện, phải sớm gỡ rào cản cơ chế, dám chịu trách nhiệm và gỡ nút thắt về nguồn, về đầu tư.

Thủy điện Hòa Bình hết nước sẽ là thảm họa!

Tại tọa đàm “Giải quyết bài toán thiếu điện cách nào?”, do Câu lạc bộ Cafeso tổ chức ngày 9/6, ông Nguyễn Quốc Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) cho biết, từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn. Sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng như các nước khác trên thế giới, việc thiếu điện ở Việt Nam liên quan rất lớn đến tình trạng El Nino.

Giải bài toán thiếu điện: Sớm gỡ rào cản cơ chế ảnh 1

Thủy điện Sơn La - Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, đang đối mặt tình trạng “chết khát” giữa mùa nắng nóng. Ảnh: Chí Tuệ

Hàng loạt hồ thủy điện khác khu vực miền Bắc cũng đang ở mực nước chết. Cùng với suy giảm nguồn phát từ các thủy điện các nhà máy nhiệt điện cũng gặp nhiều sự cố do phải vận hành tối đa công suất trong thời gian dài. Để đảm bảo cung ứng điện, EVN đã huy động tất cả các nguồn điện trên toàn quốc, kể cả các nguồn điện chạy dầu ở mức trên 5.000 đồng/kWh.

Giải bài toán thiếu điện: Sớm gỡ rào cản cơ chế ảnh 2

“Chúng ta cần tạo cơ chế tốt nhất cho các chủ đầu tư. Các cơ chế hiện nay quá rối rắm. Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi trao đổi với tôi đều cho rằng không nhìn thấy cơ hội đầu tư năng lượng tái tạo nữa. Chừng nào việc đầu tư không được đảm bảo sinh lời, không có rủi ro pháp lý, chừng đó các nhà đầu tư mới bỏ tiền vào đầu tư”.

Ông Hà Đăng Sơn

Đáng chú ý, theo ông Trung, việc nhập khẩu điện hiện nay cũng không hề dễ dàng khi việc bán điện từ Trung Quốc và Lào đều gặp khó khăn. Ngay ở Trung Quốc cũng đang đối mặt tình trạng thiếu điện và phải tiết giảm công suất. “Nếu không tiết kiệm, không có giải pháp sớm thì khi nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình hết nước, về mực nước chết, chúng ta sẽ bị mất nguồn điện lên tới 1.920 MW. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn cho việc cấp điện không chỉ ở miền Bắc mà cả ở quy mô quốc gia”, ông Trung cảnh báo.

Phó Tổng giám đốc EVN ông Võ Quang Lâm cho hay, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm ở khu vực miền Bắc rất nhanh, với mức 13% đưa miền Bắc trở thành nơi tăng trưởng sử dụng điện lớn nhất cả nước. Tăng trưởng sử dụng điện tăng vọt nhưng không có nguồn điện mới được triển khai đang đặt ra vấn đề lớn với an ninh năng lượng.

Ông Nguyễn Hữu Khải, Trưởng phòng kinh doanh mua bán điện của Công ty Mua bán điện thuộc EVN cho biết, điện nhập khẩu từ Trung Quốc về chỉ khoảng 4 triệu kWh/ngày, nhập từ Lào về hơn 7 triệu kWh/ngày. Điện nhập khẩu chiếm rất thấp, khoảng 1,3% trên tổng lượng điện tiêu thụ gần 900 triệu kWh/ngày. Việc nhập khẩu điện được thực hiện từ năm 2005 đến nay và vẫn đang được thực hiện. Tuy những ngày qua, lượng điện Trung Quốc bán cho Việt Nam cũng suy giảm nhiều.

Giải bài toán thiếu điện: Sớm gỡ rào cản cơ chế ảnh 3

“Phải dồn sức cho ngắn hạn giải quyết thiếu điện sớm nhất. Những chủ đầu tư như EVN, TKV, PVN phải đẩy nhanh tiến độ, thủ tục. Tập trung làm, rồi sau đó mới tính đến bước thứ hai là cân bằng điện gió, ngoài khơi các thứ... Ngay cả với Quy hoạch điện VIII hiện nay, nếu thấy sai thì cần viết lại, sửa lại. Cách tiếp cận phải như vậy”.

Ông Nguyễn Đình Cung

Về giải pháp cung ứng điện, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, hiện có 3 nhà máy nhiệt điện đang gặp sự cố và tập đoàn dồn hết sức cùng các đơn vị cố gắng khắc phục sớm nhất, kỳ vọng đến tháng 7 sẽ có thêm nguồn điện hơn 1.000 MW nhiệt điện than được đưa vào vận hành.

Cần sự quyết liệt từ cấp cao

Giải bài toán thiếu điện: Sớm gỡ rào cản cơ chế ảnh 4

Công nhân ngành điện ở Văn Lãng (Lạng Sơn) thay thế công tơ điện

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư cho biết, để giải bài toán thiếu điện, trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì. Phải khẳng định thiếu điện hiện nay là do hạn hán, nắng nóng. Đây là yếu tố do “ông Trời” quyết định chứ không phải do con người.

“Công suất đặt thì lớn nhưng chúng ta không có dự phòng và đang phải vận hành hệ thống điện theo kiểu giật gấu, vá vai. Đường truyền tải điện cũng là vấn đề. Hiện không thể truyền tải nhiều điện từ miền Nam, miền Trung ra cứu miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải. Vì vậy phải xác định việc thiếu điện sẽ còn kéo dài thời gian tới. Thiếu điện, chỉ nhìn vào EVN là không đúng”, ông Cung nói.

Ông Cung cũng cho rằng, việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, thiếu điện đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, thật quyết liệt từ các cấp cao nhất câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Cùng với việc thiếu điện, cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển.

Mổ xẻ việc thiếu điện hiện nay, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng Xanh cho biết, Việt Nam đang trong một giai đoạn rất khó khăn để lựa chọn trong những năm tới sẽ chọn phương án nào để đầu tư và phân bổ nguồn điện ở các vùng.

“Việt Nam đang phải làm một quy hoạch điện quá xa nên không sát với thực tế. Theo quy định của Luật Quy hoạch phải sau 10 năm mới có sự điều chỉnh. Nếu theo Luật Quy hoạch, chỉ có 4 điều được quy định liên quan đến quy hoạch điện và không có bất kỳ hướng dẫn nào đi kèm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hướng dẫn các bộ liên quan đến việc triển khai các quy định về quy hoạch với ngành điện. Tôi chưa nhìn thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở đâu”, ông Sơn nói.

Một giải pháp chống thiếu điện, theo TS Nguyễn Đình Cung, phải làm sao để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết. Như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành sớm, càng sớm càng tốt.

Ông Cung cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong giải bài toán thiếu điện chính là nếu tiếp tục để EVN lỗ như hiện nay, duy trì mức giá bán điện thấp hơn giá mua thì ngân sách phải bù lỗ. Phải sòng phẳng như vậy. Nếu không nhìn đúng bản chất, không sòng phẳng thì sẽ không giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, mọi quyết định lúc này không nằm trong thẩm quyền của EVN nếu không muốn nói là đã vượt xa thẩm quyền và trách nhiệm của EVN.

MỚI - NÓNG