Nhiều dự án FDI 'xông đất' năm Nhâm Dần 2022

TPO - Đầu năm mới Nhâm Dần 2022, nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhà đầu tư được cấp phép. Sự tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI cho thấy niềm tin của nhà đầu tư với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, tháng 1/2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI, gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp) đạt trên 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt trên 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo đó, cả nước có 103 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, 71 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư và 206 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Một số dự án đầu tư lớn “xông đất” năm Nhâm Dần 2022 gồm: Dự án thương mại và dịch vụ GE Việt Nam (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 216,9 triệu USD tại Bắc Ninh. Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (JNTC - Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 163 triệu USD tại Phú Thọ. Dự án Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Trung Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 260 triệu USD tại Nghệ An.

“Nối tiếp đà phục hồi từ cuối năm 2021 sau tác động của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp FDI đã ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI trong tháng 1/2022 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần đều tăng so với cùng kỳ cả về số lượt dự án điều chỉnh, cũng như tổng vốn đầu tư tăng thêm và giá trị vốn góp. Vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm so với cùng kỳ do không có nhiều dự án quy mô lớn song số lượng dự án đầu tư mới lại tăng mạnh (gấp gần 2,2 lần cùng kỳ), cho thấy niềm tin của doanh nghiệp FDI đối với môi trường đầu tư của Việt Nam”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Đã có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong tháng 1 năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 666 triệu USD, chiếm 31,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 481 triệu USD, chiếm 22,9% tổng vốn đầu tư, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 451 triệu USD, chiếm gần 21,5% tổng vốn đầu tư, giảm 27% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan,…

Nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhất trong tháng 01/2021 (chiếm 19,4% số dự án mới, 26,8% số lượt điều chỉnh và 35,4% số lượt GVMCP).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 15 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 1,2 tỷ USD, chiếm 58,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 472 triệu USD, chiếm gần 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hành chính và dịch vụ hỗ trợ; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 221 triệu USD và 52,5 triệu USD.

Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 29,1%, 22,3% và 15,5% tổng số dự án.

Tính lũy kế đến 1/2022, cả nước có 34.642 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 415,6 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt trên 253,2 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.