Nhiều doanh nghiệp lớn Việt Nam chú ý đến Pakistan

TPO - Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bắt đầu chú ý và triển khai những dự án đầu tư lớn vào Pakistan, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pakistan” diễn ra sáng 8/11 tại Hà Nội. (Ảnh: NL)

TS Phạm Cao Cường - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, cho biết như vậy trong bài phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pakistan”, diễn ra sáng 8/11 tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam Samina Mehtab cho biết, trong nhiệm kỳ của mình, bà đang nỗ lực tạo động lực cần thiết cho quan hệ song phương. Đại sứ Pakistan cho biết mục tiêu cao nhất của bà là xúc tiến trao đổi cấp cao thường xuyên giữa hai nước, để sẽ có một chuyến thăm cấp cao trong tương lai gần. Đại sứ Mehta cho biết hai bên đang tập trung thúc đẩy các lĩnh vực thương mại, đầu tư, công nghệ thông tin và du lịch.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, tình đoàn kết, hữu nghị và quan hệ hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Pakistan tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới. Bà Hằng nhắc lại lời cảm ơn Pakistan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

TS Phạm Cao Cường cho biết, với sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam-Pakistan đã gặt hái được những thành quả rất đáng phấn khởi.

Kể từ tháng 1/2014, thương mại song phương giữa hai nước đã tăng từ 331 triệu USD lên 644 triệu USD vào năm 2016, tăng trung bình gần 32%. Năm 2021, dù các nước chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID – 19 gây ra nhưng kim ngạch vẫn đạt 794 triệu USD, cao nhất trong lịch sử hợp tác thương mại giữa hai nước.

Trong những năm gần đây là nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã bắt đầu chú ý và triển khai những dự án đầu tư lớn vào Pakistan, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, hai nước đã bàn nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về nông, lâm nghiệp, thủy sản, giao thông vận tải, sản xuất thiết bị điện, lắp ráp ôtô, du lịch, xây dựng, công nghệ thông tin....

Ngoài hợp tác song phương, hai nước còn tích cực đẩy mạnh sự hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức đa phương trong và ngoài khu vực.

Tuy nhiên, theo TS Cường, vẫn phải nhìn nhận một thực tế khách quan là cho đến nay, giữa hai nước chưa có nội dung hợp tác cụ thể trong nhiều lĩnh vực quan trọng như an ninh quân sự, tài nguyên và môi trường, biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản... Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và thị trường của hai nước

Thế giới hiện nay đối mặt nhiều bất ổn do sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các siêu cường, dịch bệnh, chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố. Bối cảnh đó mở ra một chương mới cho mối quan hệ song phương Việt Nam – Pakistan, mang lại cả cơ hội và thách thức không chỉ cho Việt Nam mà cả khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

TS Cường cho rằng trong chương tiếp theo của quan hệ Việt Nam – Pakistan, hai nước cần tiếp tục sát cánh cùng nhau để giải quyết một loạt thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường hợp tác đầu tư để xây dựng một chuỗi cung ứng mới trong khu vực, đáp ứng những nhu cầu về thương mại, du lịch đang ngày càng cấp thiết.