Theo Bộ NN&PTNT, năm 2020, Bộ và các địa phương chỉ đạo cơ cấu lại vùng chăn nuôi theo hướng chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang quy mô lớn, theo chuỗi.
Trong giai đoạn dịch tả lợn châu Phi căng thẳng, đặc biệt là thời điểm diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Tập đoàn Masan là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đảm bảo nguồn cung thịt an toàn thông qua chuỗi đầu tư khép kín theo mô hình 3F “từ trang trại đến bàn ăn” của mình.
Cùng với tổ hợp chế biến thịt mát đưa vào hoạt động cuối năm 2018 tại Hà Nam, Masan cũng khánh thành tổ hợp chế biến thịt MEATDeli Sài Gòn trị giá 1.800 tỷ đồng tại Long An.
Ông Phạm Trung Lâm, Tổng Giám đốc Masan MEATLife cho biết, ở giai đoạn 1, tổ hợp cung cấp thịt mát với sản lượng 140.000 tấn/năm và thịt chế biến từ thịt mát như giò lụa, giò thủ, chà bông và các sản phẩm khác với sản lượng 15.000 tấn/năm.
Ở giai đoạn 2, tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến lên 25.000 tấn /năm, đồng thời, ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như: bột huyết, huyết tương, collagen, bột thịt xương… với quy mô 14.000 tấn/năm.
Thịt mát MEATDeli đáp ứng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN 12429:2018) về Thịt mát do Bộ NN&PTNT đề xuất và Bộ KH&CN công bố. Thịt mát MEATDeli áp dụng hệ thống kiểm soát “3 tuyến kiểm dịch” theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đảm bảo an toàn cho miếng thịt khi đến tay người sử dụng.
Còn tại Tập đoàn Mavin- một trong những doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất cả nước, nhờ áp dụng chăn nuôi theo chuỗi khép kín và ứng dụng công nghệ cao với quy trình kiểm soát an toàn sinh học chặt chẽ, đã giúp đơn vị này ngăn ngừa được dịch tả lợn châu Phi tại các hệ thống trang trại của tập đoàn.
Mavin hạn chế tối đa tiếp xúc giữa con người và vật nuôi bằng việc tự động hóa nhiều khâu quan trọng trong chăn nuôi: Sử dụng hệ thống xe bồn vận chuyển cám, đổ thẳng vào silo chứa tại trang trại. Lắp đặt hệ thống truyền tải cám, máng ăn hiện đại, khi cho lợn ăn, công nhân chỉ cấn nhấn nút, cám sẽ đổ thẳng vào các máng ăn tự động.
Bên cạnh thực hiện đầy đủ chương trình vaccine, tại các trang trại Mavin, quy trình kiểm soát an toàn sinh học được thực hiện chặt chẽ và nghiêm ngặt ngay cả khi không có dịch. Không chỉ chủ động kiểm soát quy trình chăn nuôi, Mavin cũng chủ động hoàn toàn về nguồn thức ăn cho vật nuôi nhờ sở hữu 5 nhà máy thức ăn chăn nuôi hiện đại trên toàn quốc, đảm bảo nguồn nguyên liệu an toàn, sản xuất an toàn và vận chuyển an toàn…
Bên cạnh chăn nuôi sạch và an toàn, Mavin cũng đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về kiểm dịch động vật và truy xuất nguồn gốc. Tại khâu giết mổ và chế biến thịt lợn, Mavin áp dụng công nghệ giết mổ an toàn theo tiêu chuẩn châu Âu, hạn chế tối đa quá trình nhiễm khuẩn sản phẩm do tác động từ bên ngoài.
Nhờ chủ động chăn nuôi và chế biến theo một chuỗi khép kín, các sản phẩm thịt của Mavin không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện Mavin sở hữu 30.000 lợn nái và cung cấp ra thị trường hơn 500.000 con lợn thịt mỗi năm, là một trong công ty có tổng đàn cao nhất tại Việt Nam.
Một đơn vị khác là Tập đoàn Hoà Phát, sau khoảng 5 năm bước chân vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay Hòa Phát đã có những thành công nhất định.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, việc xây dựng liên kết chuỗi như 3F (food, farm, feed) là một trong những yếu tố quyết định đến tính hiệu quả.
Hòa Phát hiện đã phát triển được 2 lĩnh vực là thức ăn và trang trại. Về yếu tố thứ 3 là mảng “food”, Tập đoàn đã có những kế hoạch và sẽ tổ chức thực hiện triển khai ngay khi những điều kiện được đảm bảo.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Hòa Phát, kế hoạch phát triển đàn chăn nuôi lợn của Tập đoàn sẽ tập trung vào vấn đề con giống. “Chúng tôi đã chuẩn bị một nguồn giống tự chủ theo hình tháp, tức là từ con giống cụ kị, ông bà rồi bố mẹ và lợn thịt. Từ đó không bị động và phụ thuộc trong việc phát triển đàn.”
“Theo lộ trình đã được xây dựng ban đầu của Tập đoàn Hòa Phát, trong 5 năm tới, chúng tôi sẽ cố gắng phát triển sản lượng đàn 25.000 đầu nái tương đương 750.000 con lợn thịt một năm”, bà Vân cho hay.
Theo Bộ NN&PTNT, cùng với sự tác động của nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ được nâng cao năng lực, một số tập đoàn kinh tế lớn đã quan tâm đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp.
Năm 2020, có 17 dự án với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng được khởi công, khánh thành, đi vào hoạt động, tăng 4 dự án và khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Số lượng nhà máy/cơ sở chế biến nông lâm thuỷ lớn khởi công mới, đi vào hoạt động 5 năm 2016 - 2020 là 67 nhà máy/cơ sở với tổng mức đầu tư khoảng 2,58 tỷ USD, trong đó có nhiều nhà máy chế biến trong chuỗi thịt lợn, gia cầm…
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, với ngành hàng thịt lợn khâu chăn nuôi rất tốt, nhưng chỉ có 25% có cơ sở giết mổ ở mức trung bình đến tiên tiến, phân phối thị trường hầu hết vẫn là truyền thống. Do vậy, việc ra đời thêm nhà máy chế biến thịt hiện đại như của Tập đoàn Masan sẽ góp phần giải quyết được những tồn tại, khiếm khuyết, tiềm ẩn trong chuỗi sản xuất, vì khâu chế biến còn rất kém, nếu làm tốt chuỗi giá trị gia tăng sẽ còn nhiều và bền vững.