Nhiều bí mật Nhà nước bị lộ trên mạng xã hội

TPO - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, mạng xã hội trở thành không gian truyền bá thông tin xấu độc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân. Hiện tượng lọt, lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng.

Tại Tọa đàm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vì một môi trường mạng lành mạnh tại Việt Nam sáng nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết,  số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số, theo báo cáo mới nhất của tổ chức We are Social), trong đó lượng người dùng mạng xã hội qua điện thoại di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng internet và mạng xã hội trong một ngày của người sử dụng Việt Nam tương ứng 7 giờ và 2,5 giờ, khá cao so với khu vực và thế giới. Faceook và Youtube là những trang được sử dụng nhiều nhất với tỷ lệ 61% và 59%.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội phát triển với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối nhanh thông tin khiến cho hành vi nói xấu, bôi nhọ hay tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội phổ biến như Facebook, Youtube. Rất nhiều thông tin nói xấu, bôi nhọ, phỉ báng gây tổn hại nghiêm trọng uy tín, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, gây tổn hại về kinh tế, thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, hiện tượng để lọt, để lộ thông tin bí mật của Nhà nước ngày càng gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng tiêu cực đến quốc phòng an ninh, gây mất trật tự xã hội.

Thực tế các hành vi này vẫn tồn tại trong cuộc sống dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, nhờ các tính năng thông minh của mạng xã hội mà tình trạng này trở lên phố biển hơn. Theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội cho thấy, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam thể hiện tập trung ở việc nói xấu, phỉ báng (61,7%), vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%), kỳ thị dân tộc (37,01), kỳ thị giới tính (29,3), kỳ thị khuyết tật (21,76%), kỳ thị tôn giáo (15,09%).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các hành vi này đã được điều chỉnh ở nhiều văn bản khác như hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật an toàn thông tin và các văn bản hướng dẫn khác. Chế tài xử phạt đã tương đối đầy đủ. Thời gian qua, đã có cá nhân bị xử lý vì các hành vi này. Tuy nhiên, vụ việc được xử lý theo pháp luật còn rất hạn chế so với thực tế vi phạm, hơn nữa kể cả khi đã bị xử lý thì người bị hại cũng phải chịu các tổn thất nặng nề về mặt vật chất, tinh thần.

Vì vậy, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh quy định pháp luật rất cần có một khuôn khổ thể chế mềm dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Bộ đang xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội dựa trên các chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Bộ Quy tắc hướng tới điều chỉnh hành vi của 2 đối tượng là nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Trong đó nêu các vấn đề người dùng nên và không nên làm trên mạng xã hội.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đây là buổi tọa đàm đầu tiên để lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Bộ quy tắc. Sau khi có dự thảo sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi.