Bộ trưởng Vương Nghị cảnh báo “chớ mê muội bị mấy nước tiêm nhiễm quan điểm thiên lệch chống TQ”. Cùng các nhắn nhủ xa gần khác, quan hệ Nhật-Trung vừa trải qua một năm nồng ấm có vẻ trở nên băng giá.
Tại cuộc điện đàm ngày 5/4, ngoại trưởng Motegi Toshimitsu được đồng cấp lưu ý. Đấy là “đừng dính dáng gì đến cái gọi là đối đầu giữa các nước lớn”. Cách đó không lâu, nhắn nhủ hai bên còn mạnh hơn. Sau hội đàm 2+2 Nhật-Mỹ ở Tokyo hôm 16/3, các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước tuyên bố “nhận thấy rằng hành vi của TQ, mâu thuẫn với trật tự quốc tế hiện hành, gây ra thách thức về chính trị, kinh tế, quân sự, và công nghệ”.
Trước ngôn từ trực diện được cho chưa từng có này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên đanh thép: “Nhật, với mục đích ích kỷ là kiểm tra sự hồi sinh của TQ, cố ý cúi mình hành xử như một chư hầu chiến lược của Mỹ, đi xa đến mức phá vỡ niềm tin, làm tổn hại quan hệ với TQ, mời sói vào nhà và phản bội lợi ích tập thể của toàn khu vực. Hành vi đê hèn như vậy không hề được hoan nghênh”.
Lời lẽ hiếm có từ hai phía trong chưa đầy hai tháng phần nào phản ánh xu thế khiến TQ không thể khoanh tay. Tiếp nối di sản của người tiền nhiệm, thủ tướng Yoshihide Suga coi ưu tiên một là “đưa Nhật trở lại một quốc gia bình thường”. Họ nuôi khát vọng thoát vòng kim cô trói chặt từ 1945: được quyền tái vũ trang và dùng vũ lực như bất kỳ quốc gia bình thường nào khác.
Để đạt mục tiêu ấy, Nhật phải làm rất nhiều mà việc nào cũng đụng đến láng giềng khổng lồ. Đối nội là giấc mơ ban hành Luật Sửa đổi Hiến pháp trong năm nay, điều kiện tiên quyết để được phép vượt khỏi khuôn khổ phòng thủ. Đối ngoại là thử khả năng chịu đòn của mình trước đối thủ bằng cách xâm nhập sâu rộng hơn vào Đông Nam Á. Một trong những phép thử táo bạo là ý định mời một số nước ở khu vực này tham gia Bộ Tứ vốn bị TQ nói thẳng là chống họ.
Chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo Nhật, dự kiến bắt đầu từ 16/4, khó có thể thay đổi định hướng giảm phụ thuộc về kinh tế của Nhật với TQ. Trong ngắn hạn, khi hai đối tác lớn Mỹ và Ấn Độ còn sa lầy với COVID-19, họ có lẽ vẫn duy trì tiếp cận thị trường tỷ dân. Nhưng việc chính phủ chi 2,2 tỷ USD để giúp các nhà máy Nhật chuyển khỏi TQ dường như không chỉ là chuyện của riêng năm 2020 nữa.