> Nhật Bản dành 470 triệu USD xây tường băng
> Rò rỉ nước nhiễm xạ nghiêm trọng ở Fukushima
Lò phản ứng số 4 công suất 1.180 MW của Cty Điện lực Kansai sẽ ngắt khỏi lưới điện quốc gia từ hôm qua và đóng cửa để bảo dưỡng định kỳ. Đây là lò duy nhất trong 50 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản còn hoạt động, sau khi cả ngành điện hạt nhân của Nhật Bản ngừng lại vì thảm họa động đất, sóng thần Fukushima năm 2011.
Kể từ năm 1970, Nhật Bản không dùng điện hạt nhân lần đầu tiên vào tháng 5 và 6/2012, một năm sau khi thảm họa động đất, sóng thần khiến lõi của lò phản ứng hạt nhân tan chảy làm rò rỉ phóng xạ ở Fukushima. Điện hạt nhân cung cấp tới 30% sản lượng điện, giúp nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD vận hành trước khi xảy ra sự cố Fukushima, và Nhật Bản phải chi nhiều tỷ đô-la nhập khẩu dầu, khí và than để bù đắp lượng điện thiếu hụt.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định với Ủy ban Olympic quốc tế rằng, nước nhiễm xạ rò rỉ từ Nhà máy hạt nhân Fukushima “đã được kiểm soát”, và không ảnh hưởng tới nước ở Tokyo. Tuy nhiên, Tepco khẳng định “vẫn chưa kiểm soát được” tình hình ở Fukushima.
Từ tháng 7, nhiều đơn vị vận hành điện hạt nhân xin vận hành trở lại theo luật mới được đề ra sau thảm họa Fukushima, nhưng khả năng được chấp thuận là rất thấp, khi các nhà quản lý đang nỗ lực chứng minh với người dân rằng, họ thực sự quan tâm vấn đề an toàn.
Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và các công ty điện hạt nhân đều muốn khởi động lại các lò phản ứng, trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe muốn giảm chi phí nhập khẩu nhiên liệu ngày càng tăng để thực hiện những chính sách cải cách kinh tế của mình.
Tuy nhiên, các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, phần lớn người dân Nhật Bản muốn chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, và phản đối việc cho những lò phản ứng này hoạt động trở lại.
“Lý lẽ cho rằng nền kinh tế sẽ đi xuống nếu không có điện hạt nhân là thiển cận. Nếu chúng tôi gặp một thảm họa tương tự Fukushima thì Nhật Bản sẽ hứng chịu tổn thất lớn hơn nhiều và đánh mất sự tín nhiệm toàn cầu”, chuyên gia hạt nhân Tetsunari Iida, Giám đốc Viện Chính sách năng lượng bền vững, nói.
Công ty độc quyền thất thế
Thảm họa Fukushima đang buộc một trong những ngành công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản phải thay đổi kể từ sau Thế Chiến 2, khi những nhà cung cấp mới nổi và thức thời đang dần chiếm lĩnh thị trường này từ tay các công ty điện độc quyền.
Nhiều nhà sản xuất thép, đồ uống…đang tự sản xuất điện cho mình và bán đi phần thừa. 10 công ty đang cung cấp khoảng 90% sản lượng điện cho Nhật Bản sẽ phải tách ra thành nhiều hãng nhỏ từ nay đến năm 2020.
Cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới trong 1/4 thế kỷ qua cũng đẩy nhanh quá trình cải cách thị trường, khi các công ty sở hữu công nghệ mới, sản xuất điện rẻ hơn đang xâm nhập thị trường truyền thống.
Khi các công ty điện thống trị thị trường, thảm họa Fukushima làm lộ ra hàng loạt bất cập trong hệ thống phân phối điện. Nhiều nhà phân tích nhận định, sự cạnh tranh ngày càng tăng chắc chắn sẽ đẩy giá điện xuống thấp và làm giảm thị phần của những công ty lớn.
Khi hình ảnh của những công ty này xấu đi trong mắt người dân sau thảm họa Fukushima, chính phủ sẽ phải thúc đẩy mở cửa thị trường và giảm giá. Những chính sách cải tổ như vậy sẽ được trình Quốc hội Nhật Bản vào tháng sau, nhằm lập nên một công ty quản lý mạng lưới điện vào năm 2015, phá vỡ thế độc quyền của nhiều doanh nghiệp bằng cách buộc hãng lớn phải tách thành nhiều công ty nhỏ, đồng thời xóa bỏ cơ chế kiểm soát giá.
Sự thay đổi này sẽ khiến các công ty phải chấp nhận giá cận biên thấp hơn, nhưng có thể tạo ra các hệ thống quản lý điện và kế hoạch mua linh hoạt nhằm giảm giá, tiết kiệm năng lượng. Nhiều công ty có thể mua bán điện và tận dụng cơ sở vật chất để giảm chi phí sản xuất.
Các Cty điện lực như Tepco, Kansai, Chubu và một số hãng điện độc quyền khu vực khác đã mất 18.000 khách hàng kể từ sau thảm họa Fukushima. Tepco hứng chịu thiệt hại nặng nhất khi mất 11.550 khách hàng khi tăng giá thêm 10-17%.
Cty này lỗ ròng 27,4 tỷ USD từ khi nhà máy Fukushima gặp sự cố. Nippon Paper, nhà sản xuất giấy lớn thứ hai ở Nhật tính theo doanh thu, cho biết họ đang tìm cách tự cung cấp điện. Năm ngoái, Cty này đăng ký trở thành nhà cung cấp điện độc lập để có thể bán lượng điện dư thừa. Hơn 100 Cty khác cũng đã đăng ký với chính phủ để trở thành đơn vị sản xuất và cung cấp điện.
Trúc Quỳnh
Tổng hợp