Nhật Bản bắt nhóm người Trung Quốc đổ bộ đảo tranh chấp

TP - Ngày 15-8, phía Nhật Bản bắt giữ 14 người Trung Quốc đổ bộ lên đảo Senkaku/Điếu Ngư và tuyên bố sẽ đưa họ ra tòa.

> Nguy cơ xung đột Trung-Nhật tại đảo tranh chấp

Khải Phong 2 bị tàu Nhật Bản “kẹp nách”đưa về Okinawa.

Chiều qua, sau khi va chạm với lực lượng tuần duyên Nhật Bản và bị hư hại nhẹ, tàu Khải Phong 2 chở theo 14 người Trung Quốc, trong đó có 2 phóng viên Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong) lao lên bãi biển đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Bảy thuyền viên đổ bộ lên đảo với ý định cắm cờ Trung Quốc; các nhân viên lực lượng cảnh vệ bờ biển của Nhật Bản lập tức bắt giữ 5 người, thu cờ và tuyên bố sẽ đưa ra toà xét xử về tội xâm nhập trái phép lãnh thổ Nhật Bản.

Đài Phượng Hoàng thông báo, họ đã hoàn toàn mất liên lạc với 2 phóng viên. Đài này đã liên lạc với phía Nhật Bản để phản đối việc cản trở nhà báo hành nghề và yêu cầu phía Nhật Bản đảm bảo an toàn cho họ cùng các thuyền viên.

Ngày 15-8, phát ngôn viên cảnh sát Nhật Bản cho biết, lực lượng cảnh sát tỉnh Okinawa đã bắt 5 người Trung Quốc thuộc nhóm 14 người có kế hoạch lên đảo Senkaku/Điếu Ngư để cắm một quốc kỳ Trung Quốc, hành động bị phía Nhật Bản coi là vi phạm luật kiểm soát nhập cư.

Cảnh sát Okinawa và lực lượng bảo vệ ven biển Nhật Bản cho biết, 7 người Trung Quốc đã nhảy khỏi tàu của họ để bơi về phía đảo Senkaku/Điếu Ngư đang bị các tàu Nhật Bản quây kín. Năm người Trung Quốc tới được bờ đá của đảo, hai người còn lại bơi trở lại tàu của Trung Quốc.

Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản cho biết, 5 người Trung Quốc bị bắt sẽ được đưa về đảo lớn Okinawa.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng, đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản lên để phản đối hành động của nhóm người Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nói với các nhà báo rằng, Tokyo sẽ xử lý sự kiện này tuyệt đối tuân theo luật pháp.

Phía Nhật Bản cho biết, họ đã sử dụng 12 tàu và một máy bay trực thăng để bám theo chiếc tàu cá Trung Quốc từ khi tàu này trên đường tới đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Chiều qua, tàu Khải Phong 2 đến vùng biển Điếu Ngư/Senkaku, bị 8 tàu Nhật Bản bao vây và dùng vòi rồng phun nước để xua đuổi.

Trước khi mất liên lạc, các phóng viên đài Phượng Hoàng gọi điện thông báo: Tàu đã hư hỏng nặng do bị các tàu Nhật Bản húc, la bàn không còn sử dụng được, dầu gần cạn, không biết có thể quay về bờ biển tỉnh Triết Giang (Trung Quốc) là nơi gần nhất được không.

Người đứng đầu nhóm tổ chức cuộc đổ bộ lần này tuyên bố “hành động bảo vệ Điếu Ngư đã thành công vì lần đầu tiên từ hơn 10 năm nay, người Trung Quốc đã lên được đảo”.

Tối 15-8, ông Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố: “Lập trường của Trung Quốc đối với vấn đề đảo Điếu Ngư là rõ ràng và kiên định. Chúng tôi đang theo dõi sát sự phát triển tình hình.

Phía Trung Quốc đã bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng tới phía Nhật Bản, yêu cầu phía Nhật Bản không được làm bất cứ điều gì nguy hại đến tính mạng và tài sản của các nhân viên Trung Quốc”.

Từ chiều 15-8, mấy chục người Trung Quốc mang theo cờ và biểu ngữ biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku.

Theo bản tin tối của truyền hình Nhật Bản, tất cả 14 người và tàu Khải Phong 2 đã bị lực lượng cảnh vệ bờ biển Nhật Bản bắt giữ.

Năm người đổ bộ lên đảo bị bắt trước, sẽ bị đưa ra xét xử về tội xâm nhập bất hợp pháp, 9 người còn lại cùng chiếc tàu bị tàu Nhật Bản đưa về Okinawa để điều tra.

Thu Thủy - Đ.P
Tổng hợp

Theo Báo giấy