Nhật Bản: Báo TQ 'thiếu suy nghĩ' khi đòi chủ quyền Okinawa

TPO- Theo BBC hôm nay, 9/5, Nhật Bản vừa lên tiếng phản đối Trung Quốc về bài báo kêu gọi xem xét lại chủ quyền của Nhật Bản trên đảo Okinawa trên tờ Nhân dân Nhật báo số ra hôm 8/5.
Đảo Okinawa của Nhật Bản

Phát ngôn viên hàng đầu của chính phủ Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói bài viết trên Nhân dân Nhật báo là “thiếu suy nghĩ”.

Ông cho biết trong một cuộc họp báo diễn ra vào hôm nay, 9/5 rằng Tokyo đã có cuộc nói chuyện với Bắc Kinh qua các kênh ngoại giao rằng nước này phản đối mạnh mẽ nếu như bài báo này thể hiện lập trường chính thức của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Suga cho biết Trung Quốc nói rằng bài báo được tác giả viết với tư cách là nhà nghiên cứu.

Hôm 8/5, Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc có đăng tải một bài viết có nội dung kêu gọi xem xét lại quyền sở hữu đảo Okinawa của Nhật Bản và nói rằng Trung Quốc rất có thể mới là chủ sở hữu hợp pháp.

Okinawa có 1,3 triệu người sinh sống, chủ yếu là người Nhật và ngôn ngữ chính là Nhật. Đây cũng là nơi Mỹ đặt căn cứ Hải quân và Không quân.

Tác giả của bài báo là hai học giả thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, tổ chức nghiên cứu chính sách hàng đầu của Trung Quốc. Tờ báo nói rằng quần đảo Ryukyu từng là “nước chư hầu” của Trung Quốc trước khi Nhật Bản sáp nhập quần đảo vào cuối những năm 1800.

Bài báo đồng thời nhắc lại tuyên bố chủ quyền trên quần đảo không người ở biển Hoa Đông là Senkaku/Điếu Ngư.

Theo ông Willy Lam, một chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Đại học Trung Quốc tại Hong Kong cho rằng, đặt dấu chấm hỏi về chủ quyền của Nhật Bản đối với Okinawa là “một đòn chiến tranh tâm lý” nhằm mục đích nâng cao vị thế của nước này trên vùng biển tranh chấp ở Hoa Đông.

Bài báo xuất hiện giữa lúc Nhật Bản và Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư nằm ở phía nam Okinawa. Kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư, căng thẳng giữa hai nước ngày càng dâng cao, làm bùng lên các cuộc biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc. Trung Quốc cũng thường xuyên đưa tàu hải giám và máy bay đến vùng nước gần quần đảo tranh chấp này.

Phan Yến
Theo BBC

Theo Dịch