Hơn 1.000 bộ hồ sơ nhập khẩu chỉ cần một tờ giấy
Vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan- TCHQ) và Công an TP Hải Phòng đã ban hành 3 quyết định (Hải quan 2, Công an 1) khởi tố vụ án hình sự về tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đối với Cty TNHH Dịch vụ Thương mại Xuất nhập khẩu Đức Đạt (Cty Đức Đạt, địa chỉ tại huyện Yên Khánh, Ninh Bình) tại khu vực cảng TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, cảng Hải Phòng.
Theo hồ sơ hải quan, trước đó công ty này đã nằm trong “tầm ngắm” của 2 đơn vị địa phương là Cục Hải quan TPHCM và Hải Phòng. Cụ thể, tháng 12/2017, qua quá trình xác minh, lực lượng Hải quan Hải Phòng nhận thấy giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình (Sở TN&MT NB) cấp và các văn bản thông báo lô hàng phế liệu NK để kiểm tra, thông quan mà Cty Đức Đạt xuất trình cho hải quan để làm thủ tục hải quan cho các lô hàng đều là giả mạo. Ngay sau đó, Hải quan Hải Phòng đã có công văn đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho Công an TP Hải Phòng thụ lý xem xét khởi tố điều tra về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả mạo của cơ quan, tổ chức (Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015).
Tương tự, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu mà Cty Đức Đạt xuất trình cho cơ quan Hải quan để làm thủ tục NK các lô hàng phế liệu nhựa có dấu hiệu giả mạo.
Qua phân tích thông tin, dữ liệu về hoạt động NK phế liệu của doanh nghiệp này, Cục Quản lý rủi ro (Cục QLRR, TCHQ) nhận thấy: Từ 1/1/2017 đến 12/3/2018, DN này đăng ký 1.338 tờ khai, thông quan 1.220 tờ khai, tại 3 Cục Hải quan HCM, Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng trọng lượng hàng hóa gần 44.000 tấn phế liệu nhựa.
Tuy nhiên, đối chiếu dữ liệu Cục Kiểm soát ô nhiễm, thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cung cấp cho Cục QLRR với giấy phép mà công ty này xuất trình khi làm thủ tục hải quan (do Sở TN&MT NB cấp), hải quan thấy rằng, trong giai đoạn từ 1/1/2016 đến 2/5/2018, Cty Đức Đạt không được cấp phép NK cũng như không báo cáo sở này việc NK phế liệu đối với 1.220 tờ khai đã thông quan nêu trên. Điều này cho thấy: công ty đã có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hợp thức NK đối với 1.220 lô hàng phế liệu.
Giữa tháng 5/2018, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Cục QLRR, Đội Điều tra hình sự (Đội 7, Cục Điều tra chống buôn lậu, TCHQ) nhận thấy có nhiều tình tiết bất thường. Cụ thể, trong thời gian từ 7/1/2017 đến 31/3/2018, Cty Đức Đạt đã đăng ký 1.526 tờ khai NK phế liệu nhựa tại 3 Cục Hải quan Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa- Vũng Tàu; đã làm thủ tục thông quan xong 1.355 tờ khai.
Đáng chú ý, theo Cục Điều tra chống buôn lậu, mỗi bộ hồ sơ NK nhựa phế liệu của Cty Đức Đạt có: giấy chứng nhận đủ điều kiện NK; xác nhận phong tỏa tài khoản; giấy thông báo lô hàng phế liệu NK để kiểm tra, thông quan...Thế nhưng, hơn 1.000 bộ hồ sơ NK nhựa phế liệu, DN này chỉ sử dụng một giấy chứng nhận đủ điều kiện NK phế liệu do Sở TN&MT Ninh Bình cấp.
Tiếp tục điều tra, xác minh, Đội 7 xác định toàn bộ giấy chứng nhận, thông báo và các xác nhận phong tỏa số tiền ký quỹ mà Cty Đức Đạt cung cấp cho cơ quan Hải quan là giả mạo.
Theo khai báo của ông Nguyễn Đức Trường, Giám đốc Cty Đức Đạt, tờ giấy chứng nhận trên do ông nhờ người xin giúp vào tháng 7/2017 (nhưng không khai báo là nhờ ai, tên tuổi, địa chỉ- Đây là tình tiết rất cần làm rõ xem ai, bộ phận nào đã tiếp tay cho DN?).
Biết “có biến”, Cty Đức Đạt không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và ông Nguyễn Đức Trường không có mặt tại địa phương.
Vi phạm nhiều nhưng chỉ bị xử lý hành chính
Đó là trường hợp của Cty CP Đúc và Chế tạo khuôn mẫu CEM (gọi tắt Công ty CEM).
Đầu tháng 3/2018, tại cảng Cát Lái, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra thực tế 2 container phế liệu NK của DN này, phát hiện chứa nhiều bo mạch điện tử các loại đã qua sử dụng.
Trước đó, trong năm 2016 và 2017, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện và ngăn chặn 16 container phế liệu NK của DN này chứa bo mạch điện tử, đầu thu phát sóng - thuộc hàng cấm NK. Toàn bộ số phế liệu điện tử này có xuất xứ từ Mỹ, đều là phế liệu thải bỏ, được các đối tượng tổ chức thu gom để đưa về Việt Nam tiêu thụ, nhưng trên hồ sơ NK thể hiện hàng hóa là phế
liệu đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, qua rà soát xác định, trong vòng 1 năm (từ ngày 7/5/2017 đến ngày 8/5/2018), Cty CEM có nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 có hiệu lực đến nay, Công ty CEM chưa có hành vi vi phạm quy định tại các Điều 188 hoặc Điều 189 của bộ luật. Do đó, không có cơ sở để xử lý hình sự đối với Công ty CEM.
Theo một cán bộ hải quan, việc công ty này đã nhiều lần vi phạm trong việc nhập khẩu phế liệu nhưng lại tiếp tục chỉ bị xử lý hành chính sẽ không có tác dụng răn đe.