Thanh Hóa:

Nhân rộng chuyển đổi số mô hình '3 không'

TP - Sau hai tháng triển khai mô hình “3 không” về chuyển đổi số, các địa phương thí điểm được nhân dân đồng tình ủng hộ và đạt được kết quả đột phá.

Mô hình “3 không” gồm: không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công, không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu và không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền được Sở TT&TT Thanh Hóa triển khai thực hiện thí điểm từ ngày 1/6 - 30/7/2023 tại 5 xã, phường, cụ thể: phường Điện Biên (thành phố Thanh Hóa); xã Quảng Lưu (huyện Quảng Xương); xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân); xã Thiệu Trung (huyện Thiệu Hóa) và xã Nga Liên (huyện Nga Sơn). Kết quả mô hình “3 không” về các chỉ tiêu thí điểm đối với chính quyền, người dân, tổ chức, doanh nghiệp đều đạt, nhiều chỉ tiêu đạt tỷ lệ 100%.

Xã Nga Liên (huyện Nga Sơn) là địa phương thí điểm mô hình "3 không" về chuyển đổi số đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Kết quả sau thí điểm, tổng số tài khoản định danh điện tử được cấp ở xã Nga Liên là 3.512 trường hợp. Tổng số tài khoản định danh điện tử đã kích hoạt trên địa bàn xã là 2.977 trường hợp. Tổng số công dân được hướng dẫn đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử từ ngày 01-18/7/2023 là 177 trường hợp. Có 695 người dân đã được tạo tài khoản để khai thác, sử dụng các dịch vụ công trên cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, cửa hàng và điểm thanh toán tiền điện là 695 người. Có 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử, trong đó số văn bản có ký số lãnh đạo và cơ quan đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 100%. Tổng số thủ tục hành chính giải quyết tại UBND xã Nga Liên đúng hạn và trước hạn là 100%. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến hộ tịch đạt 100%...

Huyện Yên Định triển khai chuyển đổi số mô hình “3 không” tại xã Định Long và xã Định Hưng

Còn tại xã Tây Hồ (huyện Thọ Xuân), tỷ lệ lãnh đạo, cán bộ, công chức trên địa bàn cấp xã chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Lãnh đạo, cán bộ, công chức được cấp chứng thư số. Văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật theo quy định) đạt 100% theo kế hoạch. Tỷ lệ tiếp dân, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 98% cao hơn kế hoạch là 90%. Tỷ lệ người dân có smartphone đạt 80% , tỷ lệ người dân trên 15 tuổi có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 75,2%. Tỷ lệ người dân được cấp tài khoản định danh điện tử đạt hơn 40% dân số…

Từ kết quả đạt được về thí điểm mô hình “3 không” tại 5 xã, phường, ông Lê Xuân Lâm, Trưởng phòng Quản lý CNTT, Sở TT&TT Thanh Hóa cho biết: Để mô hình triển khai có hiệu quả như vậy, Sở TT&TT đã phối hợp tổ chức thành 01 Tổ triển khai cấp tỉnh, gồm thành phần các ngành, đơn vị như: Sở TT&TT, Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Các doanh nghiệp viễn thông - CNTT. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các địa phương rà soát, lựa chọn dịch vụ công trực tuyến để thực hiện toàn trình theo quy định. Triển khai cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng cho người dân, doanh nghiệp. Tại các đơn vị này, trên cơ sở liên thông dữ liệu giữa các hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, CSDL chuyên ngành với Cổng dịch vụ công trực tuyến, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan sẽ hỗ trợ người dân kích hoạt mã định danh điện tử mức 2, tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công, cấp chữ ký điện tử miễn phí và tạo mã QR code thanh toán không dùng tiền mặt. Từ đó tạo thuận lợi cho người dân thực hiện thủ tục hành chính 100% trên môi trường mạng, không cần di chuyển đến trụ sở UBND xã hoặc UBND huyện.

“Từ công tác giám sát, hỗ trợ các địa phương cài đặt ứng dụng, Sở TT&TT Thanh Hoá cũng đã ghi nhận các khó khăn, vướng mắc thực tế phát sinh. Qua đó, tham mưu giải pháp cụ thể đối với từng địa phương cũng như kiến nghị với đơn vị cung cấp dịch vụ, đảm bảo mục tiêu kết thúc chương trình thí điểm, người dân vẫn sử dụng ứng dụng đã cài đặt một cách hiệu quả và an toàn. Chương trình thí điểm sẽ được rút kinh nghiệm để nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa”, ông Lâm nhấn mạnh.