Chưa nổi tiếng đã tai tiếng
Gần đây nhóm HKT hay được nhắc tới. Nhóm này bên cạnh ngoại hình kết hợp cổ kim Đông Tây không giống bất cứ nhóm nam nào ở Việt Nam trước đây, còn ra một loạt video ca nhạc dính dáng đến đồng tính nữ.
Với điểm nhấn là cảnh hôn nhau trên giường của hai cô gái, nhóm tung hai tập video ca nhạc, còn hứa hẹn ra thêm tập 3 để nối dài câu chuyện. Sau đó nhóm tiếp tục xuất hiện trên các trang báo mạng- do liên đới vụ gây mất trật tự tại cánh gà sân khấu, phải nhờ công an giải quyết. Vụ việc này chắc không nằm trong chiến lược xây dựng hình ảnh của nhóm nhưng qua đó, HKT càng được biết đến nhiều hơn.
Thừa nhận các clip của HKT được đầu tư khá chuyên nghiệp. Bài hát, giọng hát cũng không quá tệ, nhất là so với vài thảm họa nhạc Việt gần đây. Vậy nhưng khi đưa lên mạng thì nhận được chỉ trích hơn là khen ngợi. Có một hội còn tự xưng anti-HKT dàn dựng nhiều clip nhái để chỉ trích nhóm.
Điều thú vị là lượng người xem hai loại clip- xịn của HKT, và nhái của anti-HKT là ngang ngửa! Như vậy thành công của HKT trước hết là tạo được dư luận. Được biết HKT thành lập từ khi các thành viên (sinh 1990 đến 1993) còn nhỏ tuổi. Trên YouTube còn lưu hành một video được cho là của HKT khi còn nhỏ, trong đó có cảnh các cậu bé hát múa và bám theo quấy rối một thiếu nữ trên đường, khá phản cảm.
Thừa thắng xông lên, công ty quản lý HKT tiếp tục tung gà con: Nhóm HKT-M. Ngoại hình và phong cách trình diễn như HKT, nhưng tuổi các thành viên chỉ từ 11 đến 14. HKT-M cũng hát các bài phù hợp với lứa tuổi như về mùa xuân, hay về mẹ. Nhưng phong cách từ hát tới nhảy cũng lại không giống bất cứ giọng hát cùng lứa nào, và chẳng liên quan gì đến mẹ hay mùa xuân. Kiểu hát thì cố tình gằn giọng như ca sĩ nhạc rock.
Tóc tai đỉnh đầu dựng ngược, hai bên dài lượt thượt. Trang phục như nhà du hành vũ trụ hoặc na ná Michael Jackson trên sân khấu. Các động tác nhảy lúc thì hip-hop, lúc giống robot, lúc lại bắt chước Michael Jackson…
Tinh hoa về múa hát của nhóm có lẽ tập trung cả vào clip dài tám phút rưỡi Mẹ đã xa rồi. Clip này sau 4 tháng tồn tại trên YouTube đã thu hút nửa triệu khán giả. Tuy vậy chung số phận với HKT đàn anh, các clip của HKT-M trên mạng cũng không được hoan nghênh cho lắm- thể hiện qua tinh thần chủ đạo của các lời bình.
Khán giả chưa hoàn hồn sau hình ảnh táo tợn của HKT-M, lại xuất hiện ACK cũng với 3 thành viên thậm chí trẻ tuổi hơn. Trong một clip giới thiệu album, 3 bé trai này còn đeo cả khăn quàng khi nhảy. ACK táo bạo tung ra các bài hát về tình yêu đôi lứa. Đại loại: “Đừng vội, cô bé mắt tròn xinh, trái tim anh đã mến em thật nhiều/ Nguyện cùng chung đôi, nguyện rằng mai sau, mình sẽ mãi luôn có nhau/ Này người yêu bé mắt tròn xinh, xin đặt bàn tay ấm lên lòng này/ Để nhịp tim em hòa nhịp tim anh, cùng hát khúc I love you.” (trích lời bài hát Cô bé tròn xinh).
Trong các clip của ACK có sử dụng diễn viên minh họa là một cô bé chắc chưa tới 10 tuổi, ăn vận chải chuốt như thiếu nữ, cho các cậu bé ACK vây quanh, có khi còn vuốt má. Thế rồi như HKT-M, các video ca nhạc của ACK cũng hứng chịu vô số bình luận- từ chê bai đến thóa mạ. Không hiểu thành viên của các ban nhạc nhí nghĩ gì khi đọc những nhận xét về mình kiểu đó.
Hậu quả khó lường?
Để tập luyện, trình diễn được như thế, chắc chắn phải bỏ nhiều thời gian, công sức. Điều này liệu có ảnh hưởng gì đến thời gian học và chơi của các em? Và những người sử dụng lao động của các em liệu có thực hiện đúng theo quy định của pháp luật?
Liệu ở lứa tuổi đó, các em có biết mình đang làm gì, kiếm tiền cho ai, hay chỉ thấy được nhảy múa trên sân khấu, được nổi tiếng giống như đàn anh đàn chị, thậm chí giống các thần tượng quốc tế… là thích rồi.
Các tiết mục HKT-M hay ACK xem ra đều có bàn tay dàn dựng công phu của người lớn và nhiều khả năng chủ yếu phục vụ nhu cầu chuộng lạ trong giải trí của người lớn. Thực tế, trẻ em ngày nay trưởng thành sớm hơn, tiếp xúc với các loại hình giải trí, với mạng internet sớm hơn. Tuy nhiên dường như nhu cầu giải trí của trẻ em chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc phải nghe chung nhạc với người lớn.
Xu hướng mới trong ca nhạc thiếu nhi do HKT-M và ACK đem lại không biết có phần nào thể hiện gu giải trí “già trước tuổi” của thiếu nhi ngày nay hay không, nhưng chắc chắn một điều, các sản phẩm âm nhạc kiểu này sẽ dần dần làm thay đổi cảm thụ âm nhạc của khán giả nhỏ tuổi.
“Càng nghe càng thấy sợ” là một bình luận thuộc loại nhẹ nhàng trên YouTube dành cho một clip của nhóm ACK. Đây có lẽ cũng là cảm giác chung của nhiều khán giả trước những sản phẩm âm nhạc kỳ lạ.
Câu hỏi đặt ra là: Những sản phẩm có giá trị nghệ thuật, định hướng giáo dục dành cho lứa tuổi thiếu niên đang ở đâu, để đất trống cho những HKT-M, ACK hay nhiều loại sản phẩm phá hỏng nhạc thị trường khác tung hoành không giới hạn?