Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng xuất thân là nghề giáo, ông từng giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Triết học tại nhiều trường học ở Sài Gòn trước năm 1975. Ngoài ra, Vũ Xuân Hùng còn tham gia viết báo và từng làm Tổng thư ký cho tờ Tuần san kịch ảnh, một tờ báo chuyên san khá ăn khách tại Sài Gòn ngày đó.
Theo chia sẻ của Vũ Xuân Hùng với báo giới trước đây, trong thập niên 60-70, nhạc trẻ thế giới ồ ạt du nhập vào miền Nam. Giới trẻ Sài gòn ngày đó rất yêu thích, say mê nghe và thích trình diễn những ca khúc viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp nên để thu hút các bạn trẻ hát nhạc tiếng Việt, ông đã vận động một số nhạc sĩ cùng ông tham gia phong trào Việt hóa nhạc trẻ quốc tế.
Ông là một trong những người đi tiên phong trong phong trào này khi đã Việt hoá nhiều ca khúc nổi tiếng quốc tế thành những ca khúc mang giai điệu ngoại quốc với lời Việt nổi tiếng như Búp bê không tình yêu, Lãng du, Chuyện phim buồn, Khúc tình dối gian , Anh thì không, Ngày không sữa ... làm cho đời sống âm nhạc nước nhà thêm đa dạng và phong phú.
Nhiều ca khúc do Vũ Xuân Hùng chuyển ngữ đậm chất Việt đã khiến công chúng cứ ngỡ do chính người Việt sáng tác, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ trẻ ngày đó như Thanh Lan, Ngọc Lan, Nguyễn Chánh Tín, Bích Trâm, Ý Lan, Paulo, Duy Quang, Elvis Phương…
Với hơn 100 ca khúc đã chuyển ngữ sang lời Việt được nhiều người yêu thích, Vũ Xuân Hùng được gọi với danh xưng “Vua chuyển ngữ ca khúc nhạc ngoại”. Ngoài ra, 3 cuốn Tình khúc Vũ Xuân Hùng 1, 2, 3... quy tụ nhiều ca sĩ thể hiện các ca khúc do ông chuyển ngữ đã trở thành một trong những băng nhạc bán chạy không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường hải ngoại.
Sau năm 1975, Vũ Xuân Hùng định cư tại Mỹ. Tại đây ông tiếp tục tham gia hoạt động âm nhạc khi vừa biên tập, vừa làm đạo diễn một số chương trình văn nghệ, chương trình phỏng vấn ca sĩ, nghệ sĩ về âm nhạc và cuộc sống.
Năm 1997, Vũ Xuân Hùng đã trở về Việt Nam sống. Tại TPHCM, ông cùng vợ mở phòng trà Tiếng Xưa, làm cầu nối cho các ca sĩ hải ngoại trở về Việt Nam biểu diễn.
Ngoài ra, cũng tại phòng trà này, Vũ Xuân Hùng còn dàn dựng nhiều vở nhạc kịch dựa theo các ca khúc nổi tiếng như Hòn vọng phu, Trầu cau, Cung đàn xưa, Tiếng đàn tôi, Tiếng sáo thiên thai, Mối tình Trương Chi, Lan và Điệp… dành cho người yêu nhạc xưa. Các vở nhạc kịch này đã được giới chuyên môn đánh giá cao cũng như thu hút người xem.
Theo chia sẻ của bà Xuân Hòa, vợ của nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng, do ảnh hưởng của đại dịch, phòng trà Tiếng Xưa đã phải đóng cửa một thời gian dài. Tuy nhiên, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng vẫn mong muốn mở lại phòng trà để tiếp tục với những dự án âm nhạc của mình. Nhưng mấy năm nay, sức khỏe của Vũ Xuân Hùng xuống dần nên dự án vẫn còn dang dở.
“Người ta ví một bản giao hưởng như một cuốn tiểu thuyết, còn ca khúc thì giống như một truyện ngắn. Vì thế chuyển ngữ từ một ca khúc nước ngoài sang lời Việt cũng không hề đơn giản chút nào. Người chuyển ngữ phải có vốn ngoại ngữ để có thể cảm nhận vẻ đẹp và cái hay của nội dung ca khúc đó. Ngoài ra người chuyển ngữ phải làm việc với cái đầu của một nhà văn, đôi tay và trái tim người nghệ sĩ... Chuyển ngữ làm sao nghe như người Việt sáng tác nhưng lại phải tuyệt đối tôn trọng nguyên tác, không nên chế lời ca khúc. Chuyển ngữ là sự sáng tạo bằng ngôn ngữ vừa toát lên chất thơ, vừa mềm, vừa uyển chuyển, phù hợp giai điệu lẫn nội dung”.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.