Sinh năm 1933 tại Quảng Ngãi, Trương Quang Lục tham gia cách mạng từ rất sớm và nhờ yêu âm nhạc, ông đã sáng tác được một số ca khúc gây chú ý. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được mời tham gia Đại hội đầu tiên để thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và trở thành một trong những thành viên trẻ nhất của Hội. Tuy nhiên, Trương Quang Lục cho rằng nhạc sĩ không phải là một nghề nên ông đã lựa chọn đi học Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trở thành kỹ sư hóa chất và được tổ chức phân công công tác tại Nhà máy hoá chất Lâm Thao, Trương Quang Lục vẫn đam mê với âm nhạc và tiếp tục sáng tác. Năm 1966, trong một lần đọc bài thơ Vàm Cỏ Đông của tác giả Hoài Vũ trên báo Văn Nghệ, ông đã xúc động trước những lời thơ đầy giai điệu tự sự như chất chứa nỗi lòng mong nhớ của mỗi con người Việt Nam khi đất nước còn đang chìm trong chiến tranh và sự xa cách, chia ly với quê hương: “Ở tận sông Hồng em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết/ Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông…”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục kể: “Khi tôi ngồi ôm đàn ghi ta để phổ nhạc bài thơ, từ nốt nhạc đầu tiên, tôi đã liên tưởng đến hình ảnh vợ tôi. Quê bà ấy ở cạnh sông Hồng và tôi cảm thấy sông Vàm Cỏ Đông sao cũng gần gũi, quen thuộc như những dòng sông quê hương tôi là Trà Khúc, Hàm Giang, Trà Bồng… Và, tôi đã có một niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ được trở lại miền Nam vào một ngày rất gần để đến thăm dòng sông tôi mới biết tên”.
“Báo chí phản ánh đời sống, tâm tư tình cảm của mọi người trong xã hội. Với tư cách một nhà báo kiêm nhạc sĩ, tôi lựa chọn thêm cách viết báo bằng âm nhạc”.
Nhạc sĩ Trương Quang Lục
Sau ngày đất nước thống nhất, Trương Quang Lục xung phong vào Nam công tác và được phân công làm việc tại Nhà máy Hoá chất Thủ Đức. Là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng. Ngoài công việc chuyên môn, Trương Quang Lục thường xuyên “bị bắt cóc” làm đạo diễn, dàn dựng các tiết mục văn nghệ cho các hội diễn quần chúng của ngành và địa phương.
Năm 1981, một vị lãnh đạo TPHCM cho rằng với một nhạc sĩ nổi tiếng như Trương Quang Lục, làm việc ở nhà máy hoá chất là sự phí phạm nên đã chỉ đạo chuyển ông về công tác tại báo Sài Gòn Giải Phóng để có cơ hội trải nghiệm cuộc sống và có nhiều sáng tác hơn. Trương Quang Lục nhớ lại: “Tôi từng viết báo khi còn ở trong Liên khu 5 nên chuyển qua làm báo cũng không ngại. Nhưng, việc bố trí công việc gặp trục trặc vì tôi là nhạc sĩ nhưng lại có bằng kỹ sư, viết mảng nào cho phù hợp rất khó. Cuối cùng, các anh ấy bố trí cho tôi làm ở Ban Khoa giáo”.
Tưởng là việc... bất đắc dĩ nhưng khi bắt tay vào làm, Trương Quang Lục cảm thấy công việc mới phù hợp với mình. Ở đó, không chỉ có thêm thời gian để đi thực tế, công việc biên tập giúp cho nhạc sĩ tìm hiểu, nắm bắt cuộc sống.
Hơn 20 năm theo nghề báo, Trương Quang Lục nhận ra, cả 3 nghề: Nhạc sĩ, kỹ sư hóa chất và viết báo không ảnh hưởng lẫn nhau. Viết báo giúp người nhạc sĩ có cơ hội đi nhiều, viết nhiều, gần gũi với cuộc sống và những vấn đề đặt ra phải mang tính xác thực. Âm nhạc cũng thế, cần có sự gần gũi và mang tính chân thực, phản ánh được tâm tư tình cảm nhân dân. Còn nghề kỹ sư đòi hỏi tính chính xác cao. Các nghề trên còn bổ sung và giúp ích rất nhiều trong cuộc sống, sự nghiệp của nhạc sĩ.
“Tôi cám ơn những lãnh đạo năm xưa đã sáng suốt khi chuyển tôi sang nghề báo để có cơ hội được đeo đuổi những sáng tác âm nhạc. Và, nghề báo đã tạo cho tôi thói quen viết báo nên khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn song hành với cả 2 công việc viết báo và sáng tác nhạc”.
Với hơn 450 ca khúc, trong đó có hơn 300 bài hát cho thiếu nhi, nhạc sĩ Trương Quang Lục được nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Ông có hai ca khúc được bình chọn trong tuyển tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 do báo Thiếu niên Tiền Phong, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, VTV, VOV…tổ chức bình chọn vào năm 1999 - 2000.
Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Với bút danh Trương Văn Tiên, sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Trương Quang Lục vẫn tham gia viết báo. Đầu năm 2021, khi đã ở tuổi 88, ông được Hội nhạc sĩ Việt Nam trao giải B Giải thưởng âm nhạc Việt Nam cho 10 bài báo viết trong năm 2 năm 2019, 2020.