Như nhiều lần thập tử nhất sinh trước đây “bệnh tật có gì hay mà nói”, nhạc sĩ “Mặt trời bé thơ” không muốn khán giả và những người yêu nhạc của ông chứng kiến hình ảnh “già, xấu” của mình.
Đầu năm ngoái, tôi có dịp đi cùng Trần Tiến đến Lạng Sơn, trong chuyến tìm về chiến trường xưa do nhà thơ Nguyễn Duy khởi xướng. Khi đó, trong buổi giao lưu với học sinh ở đây, Trần Tiến vẫn cả nể lên sân khấu hát ba bài dù trước đó ông nói với tôi: con cái nó cấm hát lâu rồi, thế nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn cứ phá giới!
Trần Tiến khi đó ăn rất ít, nhưng uống rất dữ. Ông thậm chí mang theo bên mình một bi-đông nhỏ rượu riêng để “khi nhạt mồm nhạt miệng thì chiêu một ngụm nhỏ, nó cũng làm dịu những cơn ngứa ở họng”. Như mọi khi, ông bước lên sân khấu là ở đó bùng lên một ngọn lửa. Trần Tiến và Trịnh Công Sơn có lẽ là những nhạc sĩ hát nhạc của mình duyên nhất. Cùng với cây guitar quen thuộc, khi những hợp âm đầu tiên của bài “Mặt trời bé con” vang lên, bên dưới khán phòng gần như đã nổ tung vì phấn khích. “Trần Tiến có phẩm chất ngôi sao trời sinh”, nhà thơ Nguyễn Duy nói với tôi. Ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào người ta cũng không thể “lờ” ông đi được. Công chúng luôn đổ mắt về ông. Có người thậm chí đi mấy chục cây số chỉ để nhìn thấy Trần Tiến ở ngoài đời.
Trần Tiến có một thói quen không dám nói là tốt hay xấu. Đó là ông rất kỵ những người nhầm Trần Tiến với một ai đó khác. Hôm ở Lạng Sơn, một cán bộ ở tỉnh nhầm ông với Nguyễn Cường, và bị Trần Tiến “cho một bài” mà chúng tôi nói đùa với nhau là vị cán bộ kia có đầu thai ba kiếp thì cũng không dám nhầm nữa.
Trần Tiến là người có duyên nói. Tôi nhiều lần nghe ông trực tiếp biểu diễn trên sân khấu, đã đôi ba lần nghe ông hát live “Mặt trời bé thơ”, và gần như mỗi lần ông kể về lai lịch bài hát thì lại có một kiểu thú vị khác. Câu chuyện nói về những chú bé con vì không có vé thường hay trèo lên những cành me cành sấu bên ngoài để xem” trộm” các anh biểu diễn. Nhìn cảnh ấy, khiến ông nhớ lại tuổi ấu thơ của mình nơi phố cổ Hà nội, cũng thường trộm nghe một người lính xa quê cứ đêm về lại ôm chiếc đàn guitar đã tróc sơn hát một mình. Chính tiếng hát ấy đã gieo vào lòng Trần Tiến “trời xanh như ước mơ tuổi thơ/ dòng sông mang cánh buồm khát vọng”. Sau này lớn lên, đi lính vào mặt trận, rồi trở thành nhạc sĩ, Trần Tiến vẫn thích ôm đàn hát cho những mặt trời bé con…
Sau này, “Mặt trời bé con” có thêm phiên bản mới, cũng lại liên quan đến các chú bé.
Ông kể: Trong một đêm diễn ở Thái Nguyên, cả hội trường ken kín người, bỗng ngoài trời mưa giông rất to. Lúc ấy tôi đang hát “Mặt trời bé con”. Chợt nhìn ra bên ngoài thì thấy có những đứa trẻ đang chen chúc nhau ngoài cửa sổ nhìn vào, mắt xoe tròn lắng nghe, bất chấp mưa hắt, rét run cầm cập. Tôi cảm thấy choáng váng, như có cái gì nện thẳng vào tim. Ngay khi đó, không kịp cúi chào khán giả, tôi đi vội ra, mở cửa đưa các em vào bên trong, xem còn ghế trống nào thì xếp chỗ. Những ca từ ngẫu hứng đến ngay trong lúc đó, tôi ứng khẩu tại chỗ để tặng các em:
“Ngày bé, vé không có, chẳng ai cho, tôi vẫn thường trộm nghe
Nhà bên, có anh lính rời xa quê, vẫn chơi đàn rất khuya
Trời mưa quá em ơi, bài ca ướt mất rồi, còn đâu
Còn mưa đến bao lâu, mà sao em vẫn chờ, vẫn đợi
Hạnh phúc quá đơn sơ, đời tôi đâu có ngờ
Từng đêm em vẫn chờ, vẫn chờ đợi dưới mưa
Hạnh phúc vốn đơn sơ, đừng quên các em thơ
Ngày đêm vẫn ngóng chờ, những mặt trời bé thơ”.
Hiện nay, Trần Tiến đang ở Vũng Tàu, trong một căn nhà tuyệt đẹp cạnh biển. Trong cuộc chiến dài lâu với bệnh tật này, ông còn có vợ con đồng hành. Khác với anh trai Trần Hiếu đa đoan với ba đời vợ, cuộc sống hôn nhân của Trần Tiến khá êm ấm. Vợ ông là giáo viên, hai người có hai con gái, đều rất giỏi giang, thành đạt.