Nhạc sĩ Quốc Dũng sinh ra tại Thái Lan năm 1951 và theo gia đình về Việt Nam khi mới tròn 3 tuổi. Có năng khiếu âm nhạc và học rất nhanh cách sử dụng các nhạc cụ, năm lên 10 tuổi, gia đình đã cho Quốc Dũng theo học tại trường Âm nhạc Quốc gia ở Sài Gòn (Nay là Nhạc viện TPHCM).
Thời điểm đó, Quốc Dũng được coi là Thần đồng âm nhạc. Mới 11 tuổi, cậu bé Quốc Dũng đã sáng tác bản phối của ca khúc Em đã thấy mùa xuân chưa. Tuy nhiên, mãi tới năm 17 tuổi, Quốc Dũng mới có thể hoàn chỉnh phần lời cho bài hát này. Nhạc sĩ sau này thừa nhận, tới tuổi đó ông mới cảm thấy độ “chín” của phần lời. Ca khúc đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả và góp phần tạo tên tuổi cho Quốc Dũng.
Cuối thập niên 1960, khi miền Nam đang tràn ngập nhạc ngoại, một số nhạc sĩ trẻ như Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, Tùng Giang, Quốc Dũng… đã đi tiên phong trong sử dụng những giai điệu pop - rock vui tươi để viết những ca khúc bằng tiếng Việt phục vụ khán giả. Nhiều ca khúc của Quốc Dũng đã được khán giả yêu thích trong giai đoạn này như Mai, Đường xưa, Cơn gió thoảng, Còn mãi nơi đây, Điệp khúc mùa xuân, Thoát ly… Ngoài ra Quốc Dũng còn phối hợp với ca sĩ Thanh Mai tạo nên cặp song ca nổi tiếng trên sân khấu Sài Gòn vào những năm 1970 chuyên biểu diễn các ca khúc nhạc trẻ.
Sau ngày đất nước thống nhất, Quốc Dũng làm công tác biên tập tại Đài Truyền hình TPHCM. Chính tại nơi này, nhạc sĩ tài hoa này đã gặp và nên duyên với ca sĩ Bảo Yến để rồi mối nhân duyên này tạo cảm hứng để ông có thêm nhiều sáng tác mới như Chuyện hợp tan, Ngại ngùng, Chuyện ba người, Yêu ai dám nói, Kẻ đau tình, Phiêu bồng….
Đặc biệt, ca khúc Bài ca Tết cho em do Quốc Dũng viết tặng vợ trở thành một trong những ca khúc ăn khách nhất những năm 1980 của thế kỷ trước và đưa giọng ca Bảo Yến trở thành ngôi sao số 1 của dòng nhạc trữ tình quê hương. Băng nhạc Mẹ Gò Công do Quốc Dũng biên tập và Bảo Yến thể hiện với các ca khúc như Hương thầm, Chiều hạ vàng, Mẹ Gò Công, Một sớm con về, Huế tình yêu của tôi, Chuyện tình hoa muống biển, Bài ca Tết cho em….là một trong những băng nhạc bán chạy nhất cuối thập niên 1980.
Sau này, khi Bảo Yến không còn lên sân khấu, Quốc Dũng lui về hậu trường, tập trung đầu tư cho Khải Ca và Bảo Châu. Hai con đi theo con đường âm nhạc nhưng vợ chồng Quốc Dũng - Bảo Yến không muốn tạo áp lực cho các con trước cái bóng quá lớn của bố mẹ. Vì thế, bên cạnh niềm đam mê âm nhạc, hai con của Quốc Dũng - Bảo Yến đều có công việc khác.
Với Quốc Dũng, khi đã nghỉ ngơi, ông không giao thiệp rộng và cũng không nhận mình là người nổi tiếng. Theo trần tình của nhạc sĩ, trên bầu trời âm nhạc còn có rất nhiều người tài hoa hơn ông nhưng họ lại ít được biết tới. Và, ông vẫn cần mẫn viết nhạc nhưng ít khi giới thiệu với công chúng.
Nhạc sĩ Nguyễn Hà, đồng nghiệp của Quốc Dũng tại Đài truyền hình TPHCM nhận xét cố nhạc sĩ là người đi tiên phong với loạt xu hướng phối khí mới mẻ. Ông thành công nhờ luôn bám sát nhu cầu âm nhạc đại chúng. Quốc Dũng thường nói phải quan tâm đến khán giả mới thuyết phục được tai nghe của họ.
Nhạc sĩ Quốc Dũng qua đời vào lúc 9h ngày 24/9 tại nhà riêng ở TPHCM do đột quỵ, hưởng thọ 72 tuổi. Tang lễ nhạc sĩ Quốc Dũng được gia đình tổ chức tại nhà và đám tang sẽ không nhận vòng hoa, tiền phúng điếu. Trưa ngày 25/9, linh cữu nhạc sĩ sẽ được đưa đi hỏa táng ở Bình Hưng Hòa (Bình Tân, TPHCM)