Nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung - Tay ngang mà không hề nghiệp dư

TP - Gần 20 năm theo nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung đã cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người. Những ca khúc do anh sáng tác đa dạng phong cách và màu sắc về tình yêu, gia đình, quê hương, đất nước,..

Trên thị trường âm nhạc, Nguyễn Thành Trung đang trở thành cái tên quen thuộc, mặc dù người nhạc sĩ đa tài này luôn khiêm tốn nhận mình là nhạc sĩ tay ngang và “lười” xuất hiện trước truyền thông. Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Thành Trung “thủy chung” với phong cách thể hiện trữ tình lãng mạn. “Có thi thoảng tôi viết những ca khúc mang chút sôi động, trẻ trung một chút, nhưng rồi khi chiêm nghiệm lại, có lẽ những ca khúc mang tính tự sự, tự tình, chậm rãi và phảng phất chút lãng mạn hợp với người “cũ” như mình hơn”, nhạc sĩ chia sẻ.

NSƯT Hoàng Tùng

Nguồn cảm hứng để Nguyễn Thành Trung viết nhạc bắt nguồn từ những trải nghiệm trong cuộc sống. Các ca khúc của Nguyễn Thành Trung có bài “đất nước yêu người”;“Hà Nội cũ” khi chia tay người bạn thân xa Hà Nội nhiều năm; có “Như tình em”, “Kẹp tóc màu xanh” để khắc họa chân dung hình tượng người vợ; có “Cho con”, “Chị là chị hai” là tiếng lòng người cha với con cái; là “Xin rạng ngời” thể hiện tình yêu đất nước,...

Trong chuỗi sáng tác của mình, ca khúc “Tôi thương mẹ tôi” là tác phẩm mới nhất của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung. “Tôi thương mẹ tôi, nắng mưa tần tảo mẹ nuôi các con…” xúc cảm được đong đầy trong ca từ, giai điệu. Đây cũng là ca khúc thể hiện bước chuyển trong sáng tác của Nguyễn Thành Trung khi anh đưa màu sắc dân gian vào ca khúc.

“Tôi thương mẹ tôi”, qua giọng hát trầm ấm của NSƯT Hoàng Tùng đã gây xúc động mạnh và chạm tới trái tim của người nghe. Sự dung dị, chân tình trong ca từ, như lời tự sự, thủ thỉ; vẫn giai điệu tưởng chừng không làm khó ca sĩ nhưng lại chẳng dễ nắm bắt nếu người hát không thật sự bản lĩnh và hiểu thấu cái tình của người viết gửi gắm trong từng nốt nhạc.

“Tôi thương mẹ tôi” gợi nhớ hình ảnh xưa - của những thập niên 70, 80 khắc họa người mẹ tảo tần “thời bữa đói, bữa no lặn lội thân cò...” thấm vào cảm xúc của người nghe bởi sự gặp gỡ, giao hòa của cảm xúc mà ai cũng thấy mình trong đó.

NSƯT Hoàng Tùng đã bộc bạch: Tôi có sự đồng cảm đặc biệt với ca khúc “Tôi thương mẹ tôi” ngay khi nhận ca khúc từ nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung. Ca từ giản dị nhưng sâu sắc; giai điệu giàu cảm xúc và rất khác với những ca khúc của anh Trung mà tôi đã thể hiện trước đây. Tôi nhìn thấy hình ảnh của mẹ tôi, của tôi trong ca khúc. Và có lẽ bất cứ ai ở thế hệ chúng tôi cũng nhìn thấy hình bóng của mẹ mình, tình yêu của mẹ mình với con cái, gia đình trong đó.

Nghệ sĩ nhân dân, Tiến sĩ Quốc Hưng, Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã có lý khi cho rằng, các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung bắt nguồn từ trải nghiệm cuộc sống được kể bằng ngôn ngữ, thanh âm riêng mang hơi hướng cổ điển nhưng vẫn trẻ trung làm nên sức lôi cuốn.

Với nhạc sĩ Nguyễn Thành Trung, những chắt chiu, nâng niu giá trị cuộc sống của anh còn là những bài học để anh làm “của để dành” cho 3 đứa con của mình.

“Những sáng tác của tôi hầu hết được viết ở nhà. Sau những giờ làm việc căng thẳng, tôi trở về nhà - nơi chốn bình yên quây quần bên gia đình. Và khi ngồi bên phím đàn, cuốn sổ để sáng tác thơ hay nhạc, tôi hy vọng đưa đến hình ảnh của một ông bố gương mẫu luôn biết cân bằng công việc và tâm hồn. Để từ hình ảnh đó những đứa con của tôi sẽ cảm nhận được giá trị: Rằng muốn vươn lên, muốn thành công thì chúng ta phải luôn phải biết chăm chỉ học hỏi, đổi mới không ngừng, sáng tạo không ngừng. Không có cái gì tự nhiên mà đến. Xây dựng nền tảng văn hóa gia đình rồi vươn ra xã hội, góp sức cho sự phát triển xã hội phải từ những việc làm, hình ảnh nhỏ bé đó” - nhạc sĩ chia sẻ.