Nhạc sĩ Nguyễn Cường từng tâm sự rằng ông thường hét giá “trên trời” khi các show truyền hình thực tế mời về làm giám khảo để... không được mời.
Thuộc thế hệ nhạc sĩ cùng với Dương Thụ, Trần Tiến và Phó Đức Phương, Nguyễn Cường vẫn luôn là điểm đến của những người yêu chất nhạc máu lửa từ vùng đồi núi Tây Nguyên. Thế nhưng nhạc sĩ Nguyễn Cường lại là “trai phố cổ” hàng Bạc 100%. Như ông từng chia sẻ, rằng ông “yêu Hà Nội theo cách “con không chê cha mẹ khó” - đó là tình yêu không được lựa chọn. Và vì thế có lúc tôi yêu mà lòng đầy bất mãn. Còn Tây Nguyên là một người tình đầy mê đắm”.
Trong thời đại ồn ào của nền âm nhạc và showbiz Việt, người nghệ sĩ phóng khoáng đậm chất “cao bồi” này khá lặng lẽ. Nhưng đó chỉ là sự lặng lẽ so với bề nổi của những ồn ã kia. Ông vẫn luôn bền bỉ hoạt động và cống hiến cho tình yêu lớn của đời. Ông “ghét sự già cỗi”, nên vẫn mải mê sáng tạo trên hành trình âm nhạc của mình.
Năm 2009, ông cho ra đời “Ngàn năm Thăng Long nổi trống Lạc Hồng”, một hợp xướng theo hình thức Acapella do hàng ngàn nghệ sĩ diễn tấu, biểu diễn trên 100 trống đồng nhân sự kiện Nghìn năm Thăng Long. Hợp xướng với trống đồng này của ông đã đoạt giải thưởng Bùi Xuân Phái năm 2010.
Hồi còn trẻ, trước khi đặt chân đến núi rừng Tây Nguyên, chàng thanh niên Hà Nội Nguyễn Cường từng thi vào trường Trung cấp Âm nhạc Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - Nhạc viện Hà Nội) để học về Violoncelle nhưng đã phải bỏ dở.
Trong một bài phỏng vấn, nhạc sĩ tự thú nhận là người “rong chơi quần quật suốt ngày”. Và vế thứ hai trong câu nói đó, là “lúc nào cũng bận”. Bận tìm cảm hứng, bận viết nhạc, và có lẽ bận cả với các dự án âm nhạc cổ điển, thính phòng hay đong đếm các tác phẩm cho hội đồng nghệ thuật.
Đồng hành cùng Zing Music Awards năm nay, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ sẽ ông cùng 8 thành viên Hội đồng nghệ thuật là các tên tuổi lão luyện trong giới chuyên môn như nhạc sĩ Đức Trí, nhạc sĩ Huy Tuấn, nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Lê Quang, đạo diễn Phạm Hoàng Nam… dùng chính “tâm và trí” của mình để chọn ra những gương mặt xứng đáng. Nhạc sĩ Nguyễn Cường cũng cho rằng, Zing Music Awards đang đi đúng hướng khi lấy thị hiếu của khán giả làm thước đo đánh giá thành công của nghệ sĩ và tác phẩm.
“Nghệ thuật phải là từ công chúng. Một sáng tác nếu không có khán giả thì dù có hàn lâm đến mấy chỉ là tư liệu, tài liệu chứ không phải là tác phẩm thực sự. Tác phẩm thì phải nhận được sự phản ánh của công chúng, được chê, được khen. Một tác phẩm được chê vẫn sướng hơn là một tư liệu dày cộp để trong tủ cất”.
Bước vào năm thứ 4, Zing Music Awards vẫn trung thành với cách làm đề cao và tôn vinh tác phẩm dựa trên chỉ số nghe, thích, bình luận và chia sẻ qua mạng Internet. Song song với cán cân là khán giả, vai trò của Hội đồng nghệ thuật tiếp tục được duy trì khi là người quyết định cho bốn giải quan trọng: Ca khúc của năm, Music Video của năm, Album của năm và Nghệ sĩ của năm.