Nhạc sĩ Hồng Đăng: Quen bị nhắc tên mình khi than phiền về hương hoa sữa

Cho đến bây giờ tác giả ca khúc "Hoa sữa" đã quen với việc người ta nhắc đến tên mình khi than phiền về mùi hương nồng nàn tới nhức đầu của loài hoa này.
Nhạc sĩ Hồng Đăng say xưa nói về ca khúc "Hoa sữa"

Cứ mỗi năm độ cuối thu đầu đông, mùi hương hoa sữa lại ngọt ngào trên từng con phố khiến người ta không thể không nhắc tới ca khúc mang tên loài hoa này của nhạc sĩ Hồng Đăng. Càng ngày mức độ phủ sóng của hoa sữa càng được mở rộng và không chỉ ở Hà Nội mà còn phủ kín nhiều thành phố khác trên cả nước.

Những ai đã từng yêu bài hát, đã từng khe khẽ thầm thì: “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm có lẽ nào anh lại quên em…” đều muốn sở hữu một cây hoa sữa góc phố nhà mình và vì thế hoa sữa cứ nồng nàn trên mọi nẻo đường và trở thành nỗi khổ của của người dân sống dưới những tán hoa đầy lãng mạn này. Cũng chính vì lẽ đó mà vài năm nay, khi tranh cãi về việc trông quá nhiều loài cây này và nhạc sĩ Hồng Đăng là người bị người ta trách nhiều nhất khi ông chính là “người khai sinh ra hoa sữa”.  

Nhớ lại về ca khúc nổi tiếng này, ông kể: “Năm đó, nữ đạo diễn Đức Hoàn đặt tôi viết nhạc cho bộ phim: "Hà Nội mùa chim làm tổ". Bẵng đi vì nhiều việc tôi cũng quên mất. Khi phim bắt đầu bước vào quay đạo diễn nhắc tôi mới giật mình. Tìm mãi không ra chủ đề cho nhạc phim, mọi việc tưởng đã rơi vào bế tắc thì nhà thơ Nguyễn Hương Trâm- một người bạn của tôi gợi ý Hà Nội có một loài hoa gọi là hoa sữa rất ít người biết nhưng hay hay, anh thử xem thế nào”.

Nhà thơ Hương Trâm gợi ý, "có một loài hoa trắng ở Hà Nội ít người biết nhưng hay lắm anh xem thử thế nào". Hoa có mùi thơm rất nồng nàn chỉ nở vào dịp cuối thu đầu đông ở hồ Hale, với con đường Nguyễn Du. Từ gợi ý ấy, chủ đề âm nhạc của bộ phim được hình thành và ca khúc cùng chủ đề âm nhạc của phim được ông viết rất nhanh.  

Chỉ đơn giản vậy thôi mà ca khúc bước ra khỏi bộ phim sống một đời sống độc lập, không khỏi khiến bao thế hệ người nghe xúc động.

Bộ phim hoàn thành, ra mắt công chúng, bài hát trong phim qua sự thể hiện của nghệ sĩ Lê Dung. Bộ phim đặc biệt được sinh viên yêu thích và bài hát được họ hát, chép ra những cuốn sổ lưu niệm. Rồi nó cứ sống len lỏi trong giới sinh viên, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Bẵng đi cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, ca sĩ Nhã Phương tình cờ gặp hỏi xin một bài hát của nhạc sĩ Hồng Đăng. Ông đưa Hoa sữa và từ đó qua Nhã Phương bài hát rất được yêu thích trên các sân khấu ca nhạc tại TP.HCM rồi lan truyền ngược trở lại ra sân khấu phía Bắc.

Nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ: “Hoa sữa từng được nhiều ca sĩ thể hiện nhưng mỗi ca sĩ hát bằng trải nghiệm, bằng tình yêu riêng của mình không ai giống ai. Mỗi giọng hát đều đem lại cho ca khúc một vẻ đẹp riêng không dễ so sánh ai hơn ai kém. Nếu Nhã Phương là người đầu tiên đưa Hoa sữa chính bước lên trên sân khấu âm nhạc thì Thanh Lam, là người đưa Hoa sữa đến với công chúng rộng rãi hơn qua băng hình có công sức dàn dựng không nhỏ của đạo diễn Phạm Hoàng Nam”.

Cũng chỉ vì tình yêu với bài hát, công chúng yêu thêm loài hoa, họ đem về quê hương trồng bạt ngàn. Đà Nẵng, Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột, TP Hồ Chí Minh… nơi đâu cũng đầy hoa sữa.

Hoa sữa là một loài cây rất dễ sống, dễ trồng, phát triển rất nhanh. Đến khi nở hoa mùi hương nồng nặc khắp nơi người ta mới giật mình: “Chết! Thơm thế này thì chết...” Rồi người ta lại  trách nhạc sĩ: “Tội của bác to lắm, bác làm người ta yêu hoa sữa quá nên trồng chật kín khắp nơi”.

Một bài hát ra đời được công chúng yêu mến và yêu luôn cả một loài hoa, đưa nó trở thành biểu tượng cho Hà Nội thanh lịch, sang trọng là hạnh phúc không gì đo đếm nổi đối với người nghệ sĩ. Sự yêu mến thái quá gây ra những hệ luỵ cũng là chuyện vừa vui vừa buồn cười. Nhưng lỗi này cũng đâu có khó sửa. Bài hát đã hoàn thành sứ mạng của mình trở thành một ca khúc cứ mỗi độ mùi hương hoa sữa về lại đánh thức nó sống dậy cùng với những tình yêu đôi lứa.

Vậy là đủ, nhạc sĩ Hồng Đăng nói vậy.

Hoa sữa có danh pháp khoa học là Alstonia scholaris L.R.Br, thuộc chi Hoa Sữa, họ Trúc đào (Apocynaceae). Nó cũng có nhiều tên gọi khác nhau như cây bảng đen, cây pho mát trắng, thậm chí: cây của ác quỷ (Devil's Tree). Có lẽ tên gọi không mấy hay ho đó đến từ chính mùi hương quá nồng nàn, khó phai của hoa sữa.

Tại Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội hoa sữa được trồng nhiều nhất vào thời kỳ Pháp thuộc trên những tuyến phố quanh khu biệt thự gần hồ Hale (hồ Thiền Quang). Người dân sống quanh khu vực này nhớ lại mục đích những người Pháp trồng loài cây này dọc đường để ngăn mùi hôi tỏa ra từ nhà vệ sinh thô sơ không lan vào trong nhà.

Theo Theo Dân Việt