Nhà xã hội sẽ áp đảo

TP - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định như vậy trong buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội chiều qua. “Nhiều dự án nhà xã hội, nhà giá bình dân đã có thanh khoản tốt”, ông Nam nói.

Nhà xã hội sưởi ấm thị trường

Theo ông Nguyễn Trần Nam, qua khảo sát thực tế tại nhiều dự án của Bộ Xây dựng và báo cáo của nhiều tỉnh, thành phố, năm 2013 cùng những dấu hiệu khôi phục kinh tế, ổn định vĩ mô, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu ấm lên.

Điều này biểu hiện rất rõ nét qua 4 dấu hiệu như: Khảo sát trực tiếp tại nhiều dự án lớn, báo cáo của thành phố Hà Nội và TPHCM cho thấy giá bất động sản đã giảm liên tục từ năm 2010, 2011 và cho đến năm 2013. Nếu so với thời điểm cao nhất, trung bình đã giảm 20-30%, cá biệt có dự án vùng ven ngoại ô giảm tới 50%.

Tuy nhiên những dự án đã hoàn thiện khu vực nội đô lại gần như không giảm nhiều. Thứ hai là giao dịch thành công, mua nhà để ở tăng lên đáng kể qua từng quý. Tại Hà Nội giao dịch quý 4 đã tăng gấp rưỡi so với quý 3 và tăng gấp đôi so với quý 2. Do đó lượng tồn kho các căn hộ chung cư đã giảm rõ rệt đến 40% của cả Hà Nội và TPHCM.

Cũng theo ông Nam, điểm đáng chú ý, giao dịch vừa qua không phải để đầu tư, đầu cơ mà là phục vụ nhu cầu mua để ở. Thứ ba, dư nợ ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản thuộc nhiều phân khúc theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì đều có tăng trưởng.

Thứ tư, báo cáo của ngành thuế cho thấy tiền thu được từ thuế thu nhập cá nhân, từ doanh nghiệp đều tăng đã khẳng định thị trường đã chạm đáy và có dấu hiệu ấm lên. Đặc biệt trong phân khúc với nhà ở xã hội và nhà ở có quy mô nhỏ trung bình giá dưới 20 triệu đồng/m2.

Việc ấm lên từ phân khúc này đã lan sang nhiều phân khúc khác như biệt thự, căn hộ cao cấp. Bộ Xây dựng dự báo sang năm 2014, thị trường vẫn giữ được mức độ như vừa qua và cộng với thúc đẩy giải ngân nhanh gói 30.000 tỷ đồng và nhiều giải pháp của Chính phủ thì dòng tiền sẽ hướng vào bất động sản và thị trường sẽ ấm dần lên. “Chúng ta không mong muốn thị trường đột ngột nóng lên mà sẽ ấm dần, và từng bước ổn định”-ông Nam nói.

Lý giải nguyên nhân, Bộ Xây dựng cho rằng: Nhiều biện pháp triển khai theo Nghị quyết 02 đã có tác dụng. Việc rà soát dự án, phân loại, điều chỉnh cơ cấu, diện tích căn hộ đã mang lại kết quả tốt. Hà Nội và TPHCM đã có trên 50 dự án đã chuyển đổi cơ cấu, diện tích, chuyển từ nhà thương mại sang nhà xã hội cho phù hợp với điều kiện thanh toán của người dân. Việc cho phép phân lô, bán nền tại một số vị trí và điều kiện đã tạo ra một loại hàng hoá cho thị trường.

Những nội dung mới của dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã có tác động tâm lý nhất định đến thị trường. Gói 30.000 tỷ mới triển khai được 2% nhưng đã có tác động nhất định. Trong năm 2014, Chính phủ tiếp tục chủ trương đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà có diện tích trung bình.

Lập ngay đoàn kiểm tra, xử lý nhiều dự án

Ngay trong buổi làm việc chiều qua, Bộ Xây dựng và UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành trong tháng 1/2014 để rà soát tình trạng quản lý, triển khai của hàng loạt các dự án sử dụng quỹ đất 20%.

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đề nghị thành phố phối hợp rà soát tất cả các dự án thuộc diện phải dành 20% quỹ đất sau giải phóng mặt bằng để làm nhà ở xã hội, không chấp nhận tình trạng cho chủ đầu tư trả bằng tiền. Với các dự án do tỉnh Hà Tây và Vĩnh Phúc, Hoà Bình cấp trước khi nhập vào Hà Nội mà không dành quỹ đất xây nhà xã hội thì đi liền với rà soát và phê duyệt lại cần phải bổ sung ngay quỹ đất xây nhà xã hội vào các dự án này.

“Phát triển nhà xã hội là giải pháp lâu dài để phục vụ nhu cầu của người dân nên cần phải có kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ” - ông Nam nhấn mạnh.

Theo Bộ Xây dựng, tại Hà Nội đang xảy ra tình trạng nhiều dự án quy hoạch quỹ đất làm nhà xã hội nhưng đến nay triển khai rất ì ạch, thậm chí bỏ hoang đất. Điển hình như tại khu đô thị Cầu Bươu (Thanh Trì), khu đô thị mới Hạ Đình, khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các sở ngành của thành phố tăng cường rà soát các dự án, trường hợp nào bỏ hoang, chuyển đổi mục đích không theo quy định thì sẽ bị thu hồi để giao cho chủ đầu tư khác. Ông Khôi lưu ý Sở TNMT Hà Nội chỉ cho phép chuyển đổi quỹ đất 20% trong trường hợp Chủ tịch thành phố đã có phê duyệt quy hoạch, tránh tình trạng làm ngược là cho chuyển đổi mục đích xong rồi mới điều chỉnh quy hoạch.

“Với hai khu ký túc xá tập trung tại Pháp Vân và Mỹ Đình II thành phố cần sớm huy động tài chính để hoàn thiện đưa vào sử dụng, hạ đến mức thấp nhất tiền thuê nhà để thu hút sinh viên đến ở”. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam

Theo Báo giấy