Nhà văn của những tiểu thuyết về thương trường

TP - Lâu nay, đề tài về doanh nghiệp trong tiểu thuyết Việt Nam vốn vẫn vắng bóng. Ấy bởi trong sáng tạo, dù trí tưởng tượng và kiến văn nhiều tới đâu thì người viết vẫn cần kinh qua hiện thực để có được những chất liệu ngồn ngộn của đời sống. Thương trường không phải là mảng tư liệu chỉ thực tế vài lần là xong mà cần phải ăn ngủ, hít thở cùng với nó.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy có được may mắn ấy khi suốt hơn 20 năm chị từng làm việc cho nhiều tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia. Sau tập truyện ngắn “Chạy trốn” và hai tiểu thuyết “Đồi cát bay”, “Tiếng sáo lạc”, chị tạo dấu ấn với tiểu thuyết “Đáy giếng” ra mắt năm 2015. Có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên phác họa quá trình hoạt động của một doanh nghiệp từ thời bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, mà qua đó, ta có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong suốt quá trình chuyển đổi cơ chế.

Phạm Thị Bích Thủy có sở trường xây dựng nhân vật điển hình, điều mà bất kỳ nhà văn nào đều phải đối mặt nếu như muốn tác phẩm của mình có dấu ấn lâu dài trong lòng bạn đọc. Hơn cả thế, nữ tác giả cao tay vẽ biếm họa nhân vật không chỉ qua những miêu tả mà chủ yếu qua lời thoại.

Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy

Tiểu thuyết của Phạm Thị Bích Thủy dày đặc lời thoại. Và chỉ qua một đoạn thoại, chân dung nhân vật dần hiện lên, như một bóng hình ảo ảnh dần rõ rệt đến mức như ngồi ngay bên cạnh chúng ta, sân si cau có như Thương (trong Gia đình có bốn chị em gái), thớ lợ đáng ghét như Hách (trong Đáy giếng). Thoại chân thật, hấp dẫn và hồi hộp, đó là cách mà nhà văn đã xử lý tác phẩm theo lối độc đáo và khác biệt.

Nếu như ở “Đáy giếng”, bức tranh thương nghiệp Việt Nam quay ngược về nửa thế kỷ trước rồi đứng giữa thời chuyển đổi thì ở “Gia đình có bốn chị em gái”, một cuốn tiểu thuyết khổ lớn dày hơn 600 trang được tác giả ra mắt vào mùa thu 2024, những chi tiết hiện thực được xoay quanh văn hóa doanh nghiệp khác biệt giữa một công ty nhà nước thời hiện đại và một công ty nước ngoài.

Ở tiểu thuyết trước, nhà văn miêu tả thứ văn hóa “ăn cánh”, làm việc theo ê kíp, lợi ích nhóm đã đè bẹp sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung thì ở tác phẩm mới ấn bản này, tư duy “gia đình trị” và “nhất quan hệ, nhì tiền tệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ” đã khiến bộ sậu quản lý trở thành một tổ mối phá hủy tổ chức ngay từ trong lòng.

Từ Vokado của “Đáy giếng” đến “Vitalex” của “Gia đình có bốn chị em gái” đều khiến người ta không khỏi căm phẫn, đau lòng, thậm chí là hoảng sợ cho tương lai của thế hệ sau.

Phạm Thị Bích Thủy từng đoạt giải Nhì Cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, thông qua hai cuốn tiểu thuyết kể trên, Phạm Thị Bích Thủy chứng minh rằng mình không phải kẻ tay ngang, văn chương không phải là một cuộc chơi mà là tâm huyết, đam mê, trăn trở.

Sau khi ra mắt tập truyện cực ngắn “Zero” (2017), Phạm Thị Bích Thủy khiến người theo dõi tưởng đâu chị đã hết vốn và không còn gì vượt qua “Đáy giếng” được nữa. Nhưng không, 9 năm sau khi cho ra đời “Đáy giếng”, cuốn tiểu thuyết thứ tư của chị thậm chí đã vượt mặt thành quả của nhiều năm trước. “Gia đình có bốn chị em gái” là một tiểu thuyết hấp dẫn từ chương đầu đến chương cuối. Lần này, tác phẩm không chỉ có thương trường và những mặt trái của xã hội mà còn là câu chuyện về gia đình.

“Tứ nữ bất bần” là một quan niệm phổ biến của người Việt, nhưng tứ nữ trong tác phẩm của Phạm Thị Bích Thủy là một cú “dramatic” khi từ tuổi thơ êm đềm được nuôi dạy trong cái nôi của ông giáo Bình bỗng biến đời sống trưởng thành của cả đại gia đình thành một mớ hỗn độn lúc nào cũng sục sôi như nồi áp suất.

Nhân vật điển hình là Thương, người chị cả từ bé vốn chịu thương chịu khó, hy sinh cho mọi người, sau bỗng thành ra một kẻ keo kiệt, so đo, tính toán, sân si, tham lam, thiển cận. Chị ta giống như một tàn tích mang bệnh tâm lý từ thời bao cấp.

Phạm Thị Bích Thủy rất cao tay trong việc xây dựng logic tâm lý và logic tình huống. Thứ mà thoạt đầu nghe có vẻ vô lý thì mỗi trang sách lại cho thấy nó rất có lý. Cô em gái thứ hai là Ái, một kẻ hãnh tiến, khôn ngoan và cơ hội đã từ chối giúp đỡ Thương vì thái độ trịch thượng, đố kỵ của Thương cộng với sự lười biếng, chểnh mảng, gian dối của hai đứa con Thương là Hùng Thuận và Hùng Đức. Trong khi đó, nhân vật chính là An, người em gái thứ ba đã từng giúp đỡ Hùng Thuận mà bất thành lại là một nhân vật hiếm gặp trong cả văn học lẫn đời thực. Ấy vì chị là người trí tuệ, chính trực và liêm khiết, quyết làm một bông sen giữa vũng bùn dù chịu bất cứ sức ép nào, cả ngoài xã hội lẫn trong gia đình. Câu chuyện kết thúc đầy kịch tính nhưng bi thảm. Chồng Ái đã bị đầu độc, một cái chết tức tưởi như là hệ quả của những ung nhọt xã hội đã đến kỳ phải bung vỡ. Sự bất bình đẳng cơ hội trong việc làm vì lối ưu tiên con cháu cộng với những thói xấu của người Việt phải chăng đã biến cô bé Thương từ một đứa trẻ đầy thương yêu, nhẫn nhịn trở thành một tế bào quái thai của xã hội. Thậm chí không quá khi có thể nói “Gia đình có bốn chị em gái” là một cuốn viết về những tật xấu của người Việt thông qua ngôn ngữ hư cấu.

Nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng “Gia đình có bốn chị em gái” là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên sự quan tâm số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số phận cộng đồng và xã hội dân sự trong sự phát triển liên tục của nó.

Còn nhà văn gạo cội Ma Văn Kháng thì nhận xét “Tác phẩm có những trang viết thực sự cảm động. Chẳng hạn như chương miêu tả ngày giỗ ông thân sinh của bốn chị em. Thật tình là hình ảnh của ông cứ gợi nhớ trong tôi hình bóng của nhà thơ, nhà giáo Phạm Cúc (cha của tác giả) mà sinh thời tôi có được vinh dự quen biết. Gia đình có bốn chị em gái theo tôi là một tiểu thuyết hay, hấp dẫn, có sức nặng của tâm tư, cảm xúc và trí tuệ được viết bằng một nhiệt hứng vừa sôi nổi vừa sâu lắng. Hiển nhiên, quá trình nảy sinh ý tưởng, hình thành hình tượng, tạo dựng lớp lang, cấu trúc, ngôn ngữ là một cơn say mê thăng đồng đầy khắc khoải”.

Nhiều người cảm nhận cuốn tiểu thuyết giống như một tự truyện của tác giả vì tính chân thật của nó. Tuy nhiên, năng lực của nhà văn luôn khiến những hư cấu trở nên sống động tới mức chân thật.

Không thể phủ nhận các tác phẩm luôn tận dụng nguồn tư liệu sống đa chiều của người viết khi Phạm Thị Bích Thủy (1964) có một lý lịch và trải nghiệm cũng khá kịch tính. Chị vốn là Cử nhân văn chương và tiếng Nga, từng là một lưu học sinh ở đại học Ghersen Leningrad (Saint Petursburg), Liên bang Nga.

Trong quá trình giảng dạy văn học Nga ở Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) từ 1986-2000, chị đã tiếp tục theo học tiếng Anh và hoàn thành bậc cử nhân với tư duy thức thời bẩm sinh. Sau đó chị kết thúc việc giảng dạy, ra khỏi biên chế bươn chải đi làm “ngoài” ở khu vực kinh tế tư nhân và rồi hoàn thành thạc sỹ quản trị kinh doanh để làm kinh tế, kinh qua nhiều tổ chức từ khối nhà nước, tư nhân cho đến các tập đoàn đa quốc gia. Hiện tại, chị làm quản trị viên tại một tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp.