Áp dụng công nghệ để hút khách
“Không ngờ Ban quản lý (BQL) di tích Nhà tủ Hỏa Lò chịu chơi như thế, dùng cả ứng dụng Spotify để quảng bá, quá ngầu rồi”- thông báo của một diễn đàn du học sinh khiến không ít người tò mò muốn tìm hiểu thêm về địa danh lịch sử này.
Từ cuối tháng 7, Ban Quản lý (BQL) di tích Nhà tù Hỏa Lò đã chính thức ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên ứng dụng Spotify sau một thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị.
Kênh phát thanh gồm nhiều podcast (chuỗi các tập tin âm thanh hoặc video số ) được BQL di tích trực tiếp thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kì sản phẩm. Mục đích mang lại những câu chuyện hay và những trải nghiệm đáng nhớ cho công chúng.
Đại diện BQL cho biết: “Toàn bộ podcast đều miễn phí cho mọi tài khoản Spotify (cả tài khoản miễn phí và tài khoản trả phí). Chỉ cần gõ từ khóa “HoaLoPrisonRelic” trên ứng dụng Spotify và nhấn “theo dõi”, là công chúng có thể du hành thời gian, trôi theo dòng lịch sử”.
Ngay sau khi ra mắt, kênh phát thanh của Nhà tù Hỏa Lò nhận được sự hưởng ứng của đông đảo khán, thính giả, đặc biệt là các bạn trẻ. “Đỉnh quá”, “cute quá”, “ủng hộ mạnh”, “xịn ghê”, “tải về đi còn chờ gì nữa”, “hay lắm lắm, must have (phải có) các bạn nhé”, “phải tải về máy cho phụ huynh nghe mới được”, “bố mình mắt kém, giờ đọc chữ là ngại, nhưng nghe thì cụ nhiệt tình ngay, nhất lại là chuyện lịch sử”… là các bình luận được chia sẻ mạnh và nhận nhiều like, share nhất.
Trên trang chủ của fanpage Nhà tù Hỏa Lò, chỉ sau một thời gian ngắn thông báo ra mắt kênh, lượt like đã vượt con số 10 ngàn, gần 1.000 lượt chia sẻ thông tin và hàng nghìn comment bày tỏ sự hào hứng, quan tâm.
Sau podcast đầu tiên giới thiệu di tích, hiện, BQL di tích đang tổ chức trưng bày chuyên đề Thắp lửa yêu thương - kể lại câu chuyện về các chiến sĩ yêu nước dù bị giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò, nhưng một lòng hướng về cách mạng, kề vai nhau trong đấu tranh, đăng tải trên kênh phát thanh từ nay cho tới hết tháng 12/2021.
Trưng bày được chia làm nhiều tập, nội dung được cập nhật theo tuần và các câu chuyện lịch sử chọn lọc. Thời lượng mỗi podcast ngắn, gọn trong vòng mấy phút trở lại.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Minh đánh giá: “Trước thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, Nhà tù Hoả Lò thu hút rất đông du khách nước ngoài đến tham quan. Hai năm trở lại đây, hoạt động du lịch bị đình chỉ, nhưng nhờ độ phủ sóng trên mạng xã hội, podcast Spotify với những nội dung thú vị, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một trong những điểm đến lịch sử được giới trẻ tìm kiếm nhiều nhất”.
Những câu chuyện lịch sử hấp dẫn
Nếu nói nền tảng số có thể thu hút độc giả trẻ, thì chính những câu chuyện lịch sử “người thật việc thật”, “ngỡ như phim điện ảnh”, “hấp dẫn hơn tiểu thuyết”... được BQL kể tỉ mỉ mới là thứ thu hút hàng chục nghìn lượt quan tâm mỗi kỳ.
Đội ngũ xây dựng nội dung gọi đây là “HistoTEA” - sự kết hợp giữa từ lóng “TEA” (Từ lóng ám chỉ những câu chuyện truyền miệng thú vị) và “History” (Lịch sử). Loạt truyện HistoTEA ra đời đã đem đến những câu chuyện ít ai biết, nhưng đã biết thì sẽ muốn biết nhiều hơn.
Không thể không nói, trong thời điểm dịch bệnh, khi mà tất cả mọi người ai phải ngồi yên chỗ đấy, thì những câu chuyện kiểu như: Cờ xin ăn của phi công Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, Chuyện về người chiến sĩ tình báo giả gái, Phi công Mỹ đầu tiên bị giam tại Hỏa Lò... chính là những thước phim truyền hình có sức thu hút được giới trẻ so sánh “không kém gì Hương vị tình thân” (bộ phim truyền hình đang gây sốt hiện nay), “dìu ta đi qua những ngày tháng khó khăn này”!
Khán giả Trần Vĩnh Tài (TPHCM) chia sẻ: “Nhờ xem những tài liệu này, mình hiểu thêm rất nhiều về lịch sử. Việc “chuyện hóa” những tài liệu trưng bày trong nhà tù Hỏa Lò khiến cho việc tiếp cận thông tin của khán giả trở nên dễ dàng và dễ nhớ hơn. Đây cũng là cách học lịch sử mà mình rất thích. Mỗi một vật trưng bày đều có câu chuyện, có số phận chứ không chỉ khô khan là những con số và những chú thích nữa”.
Họa sĩ truyện tranh Nam Hy cho biết: “Vào đây mình mới biết cái máy chém của Pháp nó như thế nào, hóa ra trước tưởng tượng hơi sai. Cái máy này được miêu tả rất cụ thể: cao 4 mét, gồm 2 cột sắt giữ lưỡi dao lớn cố định bên trên bằng chốt; phía dưới là 2 hình bán nguyệt cố định đầu của tử tù, dưới nữa là hộc sắt để rơi đầu tử tù vào, kế bên là thùng mây đan đựng thi thể, nó hoạt động theo hình thức tử hình thời Trung Cổ, 13 chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị hành quyết sau cuộc khởi nghĩa Yên Bái, trong đó có Nguyễn Thái Học. Xem rồi mới biết, để có cuộc sống ngày hôm nay, những người đi trước đã phải trả giá như thế nào”.
"Nhằm phục vụ mưu đồ trấn áp những người đối kháng, Nhà tù Hỏa Lò được thực dân Pháp xây dựng với quy mô 12.000m2 - là nhà tù rộng và kiên cố bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Các nguyên vật liệu được vận chuyển từ Pháp sang được kiểm tra nghiêm ngặt, đặc biệt là những loại khóa, khe, rãnh soi, cùm và đồ kim loại…
Ngày nay, Nhà tủ Hỏa Lò chỉ còn khoảng hơn 2.400m2, được bảo tồn trở thành địa điểm du lịch tưởng niệm (dark tourism)”.