“Tiếng Việt của ta quá hay và tôi chỉ là người chuyển tải lại”, Lê Minh Quốc nói. Trước đó, ông ra mắt bộ sách mang chủ đề “Văn hoá Việt nhìn từ tiếng Việt”, gồm 3 cuốn: Dích dắc dập dìu dư dí dỏm, Chơi chữ chanh chua chan chát chữ và Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo… Và đó là cơ duyên để ông có buổi nói chuyện này.
Theo Lê Minh Quốc, nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn ở, mặc, bao giờ cũng phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc đó. Vì thế, khi cấu trúc bộ sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt”, tác giả đã chia thành 3 cuốn với 3 chủ đề riêng: Bàn về ăn, ăn chơi (Chơi chữ chanh chua chan chát chữ ); bàn về ăn nói, cười chơi (Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo) và bàn về ăn học, ăn ở (Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm). Song, sự phân chia này cũng có ranh giới rất mong manh, bởi các lĩnh vực trên đều đan xen lẫn nhau, không rạch ròi dứt khoát. Lời ăn tiếng nói của người Việt tinh tế, khéo léo và gợi cảm, phong phú, đa dạng và không đóng khung trong một công thức máy móc cố định nào cả. “Âu cũng chính là một trong những đặc trưng của cách nói khéo léo, không muốn làm mất lòng ai của người Việt”, Lê Minh Quốc nói.
Tình yêu với tiếng Việt
Lê Minh Quốc cho biết, bộ sách là kết quả của bao năm ông sưu tập, nghiên cứu. Mục tiêu là để lý giải về một vấn đề vì sao tiếng Việt lại phong phú tới như thế. “Từ khi bắt đầu nghề viết lách, tôi có thói quen luôn có cây bút, cuốn sổ ghi lại những từ lạ, những câu nói hay. Khi có internet, tôi cũng hay vào các trang mạng xã hội, xem cách người ta dùng từ, viết từ… Rồi từ những gì đã sưu tập được, tôi đem sử dụng trong các bài viết của mình. Đó là cách tôi học viết. Rồi sự thú vị, phong phú và đa dạng của của ngôn từ tiếng Việt đã khiến tôi bắt tay viết các cuốn sách trên”, Lê Minh Quốc chia sẻ.
Tác giả-nhà thơ Lê Minh Quốc: Tại trụ sở UNESCO đã ghi một câu: “Trong dải Ngân Hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao” và người Việt Nam có thể tự hào tiếng Việt là vì sao rất sáng trong dải Ngân Hà đó. Chúng ta yêu tiếng Việt/ tiếng ta, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc oe oe lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt, khi ta giữ lấy và yêu lấy cũng là một cách thể hiện tấm lòng yêu lấy non sông gấm vóc.
Tuy nhiên, ông không tập trung viết liên tục trong một thời gian mà rải ra, viết trong khi vẫn thực hiện nhiều cuốn sách khác. Vì thế, dù bắt đầu viết cách đây nhiều năm nhưng mãi tới khi đại dịch COVID-19 ập tới, phải giãn cách tại nhà Lê Minh Quốc mới có thời gian hoàn thiện bộ sách. Tác giả khẳng định, bộ sách này không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ, nó chỉ là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của tác giả từ thực tế và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị... để tìm ra nét đẹp, sự thú vị và độc đáo riêng có của tiếng Việt.
Khi tìm hiểu và phân tích ngữ nghĩa về tiếng Việt, dưới góc độ văn hóa, tác giả đã vận dụng khá nhiều ca dao, tục ngữ và cả các câu chuyện lịch sử, dù dưới dạng chính sử hay giai thoại. Theo tác giả, ngôn ngữ bắt đầu từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống, sự khác biệt giữa văn hoá các vùng miền cũng được phản ánh rõ nét qua ngôn ngữ của các vùng đó.
Từ khi hình thành và phát triển cùng với lịch sử hơn 4 nghìn năm của dân tộc, ngôn ngữ tiếng Việt đã có nhiều thay đổi, biến hoá theo thời gian. Hiện nay, ngôn ngữ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện, phù hợp với cuộc sống và phản ánh cuộc sống. Lê Minh Quốc nói: “Tôi mong muốn sau khi đọc bộ sách này, bạn đọc vui lòng tranh luận, phản biện, góp ý để bộ sách hoàn thiện hơn nữa. Bởi chúng ta đều có chung một mẫu số là tình yêu với tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của chúng ta”.
Lê Minh Quốc cho biết, ông vẫn chưa dừng lại ở bộ sách 3 cuốn trên mà sẽ còn những cuốn tiếp theo. “Tôi sẽ tiếp tục với cuộc chơi ngữ nghĩa này, và nhiều bạn đọc cũng đồng tình sẽ chung sức với tôi để vẻ đẹp tiếng Việt thêm toả sáng”, Lê Minh Quốc khẳng định.