> Thơ đương đại: Bất hạnh, lạc hậu?
> Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy
Vì khác nên ít người tán thành
Mang “mác” PGS.TS nên Đỗ Lai Thuý vẫn đứng trên bục giảng, đã thế lại “gánh” chức Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hoá nghệ thuật… Rồi việc làm chồng, làm cha của những đứa con chưa kịp lớn ở cái tuổi thích hợp với uống bia, rong chơi. Toàn những trách nhiệm, bổn phận… đáng ra phải khiến anh còng lưng, giải nghệ phê bình, đằng này vẫn thấy anh sòn sòn sinh nở.
Bắt đầu với nghề văn khá muộn, khi sắp bước sang tuổi 40. Trên 20 năm cầm bút, Đỗ Lai Thuý sinh 7 “đứa con”, (chưa kể tác phẩm biên soạn) “đứa” nào cũng phá phách, nghịch ngợm, khiến người ưa sự sinh động, mới mẻ thì khen hết lời, người thích phẳng lặng thì phàn nàn hết nỗi.
So với sách của nhiều nhà phê bình văn học khác, Đỗ Lai Thuý tự tin, sách anh thuộc hàng bán được, ít nhất cũng thu hồi vốn. Anh tiết lộ bí quyết: “Sách tôi bán được chắc do tôi đặt ra vấn đề khác, lối viết có sự hấp dẫn nhất định…”.
Và còn một điều nữa, Đỗ Lai Thúy thừa nhận, anh thường đặt cho những đứa con của mình cái tên có vẻ “mồi chài”, biến thứ khô khan thành gợi cảm: Con mắt thơ, Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, Chân trời có người bay, Bút pháp của ham muốn, Thơ như là mỹ học của cái khác… Anh đang rập rình chuẩn bị cho ra đời cuốn sách mới với cái tên lấy từ ý thơ Phạm Hầu: Giơ tay vẫy vào vô tận. Cũng như cuốn Chân trời có người bay, Vẫy vào vô tận lại viết về các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, phê bình văn học.
Đỗ Lai Thúy có lí lẽ riêng: “Các nhà văn viết một vài cuốn sách đã nổi tiếng và sự nổi tiếng còn mang lại tiền bạc. Còn các nhà nghiên cứu viết xong cuốn sách có khi phải bỏ tiền ra in. Lỗ. Cuộc đời của họ bị khuất lấp, không được nhiều người biết đến như nhà văn. Những con người đó trong cuộc đời hữu hạn của mình luôn có khát vọng đạt tới cái vô hạn, dù chỉ là ảo tưởng. Nên sự nghiệp nghiên cứu của họ, xét cho cùng, cũng chỉ là cái vẫy tay vào vô tận mà thôi”.
Song anh chưa hề chán thân phận nhà phê bình: “Thực ra ở ta, địa vị nhà phê bình thấp, một phần lỗi ở chính họ bởi họ can tâm tình nguyện làm con - người - công - cụ. Nếu mình chỉ chạy theo nhà văn, nói điều họ biết rồi, thì thâm tâm người sáng tác không bao giờ coi trọng, khi đó giữa nhà văn và nhà phê bình diễn ra cuộc đối thoại của những người điếc. Tôi muốn nói những điều mà chính nhà văn cũng bất ngờ về tác phẩm của họ. Phê bình học thuật là nói những điều nhà văn chưa biết, gợi ý, hướng dẫn nhà văn…”.
Khát vọng “gợi ý, hướng dẫn” nhà văn hẳn nhiên sẽ đụng chạm tới tự ái của ai đó. Nhưng không thể vì ngại sự tự ái của người sáng tác (nếu có) mà ngừng đeo bám mục đích.
Đỗ Lai Thuý nói vui, rằng “người làm phê bình bao giờ cũng phải có bản lĩnh, lì lợm, thậm chí, mặt dày mày dạn”. Anh thấy cần thiết tạo ra sự chia rẽ dư luận ở mỗi tác phẩm, bởi lẽ “chúng ta đã từng có thời kỳ một cuốn sách đưa ra trăm phần trăm đồng ý”. Vặn anh: “Cuốn sách được giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội của anh chẳng gần trăm phần trăm phiếu tán thành đó sao?”. Nhà phê bình lập luận: “Có một phiếu không tán thành. Ông không đồng ý với tôi ở hai điểm. Thứ nhất, vì ông thân với Xuân Diệu, ông thấy Xuân Diệu không đồng tính. Thứ hai, ông không tin vào phương pháp phê bình phân tâm học. Ông cho rằng đó là phương pháp dựa trên sự suy diễn. Ý kiến của một nhà thơ nhưng đại diện cho số đông, có khi chiếm đến bảy mươi phần trăm, so với ba mươi phần trăm những người đồng ý”.
Đến một ngày nào đó, khi tác phẩm của Đỗ Lai Thúy có tới bảy mươi phần trăm dư luận vỗ tay hoan hô, có lẽ anh sẽ giải nghệ? Anh cười: “Đúng vậy, bởi vì lúc đó tôi không còn khác nữa, tôi không còn mặc đồng phục nên mới ít người tán thành”. Một sự kiêu hãnh đáng trân trọng, lúc lồ lộ, lúc ngấm ngầm, như khi anh viết: “Tôi thuộc thiểu số những người thuận tay trái, không phải vì phê bình là nghề tay trái của tôi. Phê bình chính là bản mệnh của tôi”.
Dị ứng “vịn vai người khác mà đi”
Đã từng có người bóng gió sao Đỗ Lai Thuý nghĩ giống nhiều người thế. Kẻ ít lịch thiệp hơn thì dùng ngôn ngữ trần trụi: Đỗ Lai Thuý “đạo” văn, “luộc” văn… Chưa từng thấy anh phản ứng.
Có thể do anh nổi tiếng âm thầm ít nói chăng? (Chẳng thế mà người trong giới truyền nhau: Ai muốn nói, gặp Đỗ Lai Thúy, còn ai muốn nghe, gặp Trần Ngọc Vương, hai nhà giáo, hai nhà phê bình có tính cách trái ngược, người thích im lặng lắng nghe, người chỉ thích nói).
Thực ra ở ta, địa vị nhà phê bình thấp, một phần lỗi ở chính họ bởi họ can tâm tình nguyện làm con - người - công - cụ.
Có thể tôi gặp may, cũng có thể ngày đẹp trời nên Đỗ Lai Thuý trò chuyện cùng tôi khá dễ chịu, anh hay cười, cởi mở vừa đủ, thật thà vừa phải: “Chuyện ấy cũng lâu rồi, từ khi Con mắt thơ, cuốn sách đầu tiên của tôi ra đời. Tôi có thói quen đọc sách xong thấy cái gì cần thiết thì ghi lại vào tờ giấy, thường ghi lại ý, có khi ghi lại cả đoạn. Đến khi viết, lại vận vào người. Có khi mình lấy cả những đoạn của họ mà bản thân mình không biết. Thêm nữa, bản thân tôi không thích trích dẫn.
Cuốn Con mắt thơ có điều đặc biệt là không có trích dẫn nào cả. Tuy nhiên, về sau, tái bản lần hai, tôi đã có làm “chú thích”. Lý do Đỗ Lai Thuý không thích trích dẫn: “Tôi dị ứng với kiểu học đường, hoặc “hàn lâm” giả tạo, nói bất cứ cái gì cũng trích dẫn đầy đủ. Cứ viết một câu lại trích dẫn một câu, giống như vịn vai người khác mà đi, cuối cùng mình không có chân vẫn cứ đi được”. Với thời gian, quan niệm của Đỗ Lai Thuý mềm mại hơn, bây giờ bạn đọc có thể tìm thấy trích dẫn trong sách của anh, tuy nhiên anh không lạm dụng “trích dẫn khi cần thiết, trích dẫn những gì mới và chỉ trích dẫn những tác giả thuần tuý học thuật”.
Khi hướng dẫn học trò làm luận văn tốt nghiệp, anh thường kể lại vụ kiện văn học hi hữu ở ta, câu chuyện Trần Thanh Mại viết cuốn Hàn Mặc Tử, vì trích dẫn quá nhiều nên Quách Tấn đã kiện ông, đòi chia tiền nhuận bút.
Chắc không phải vì sợ bị đòi chia tiền nhuận bút mà Đỗ Lai Thuý ngại trích dẫn, anh thừa biết nhuận bút thời nay cho mỗi cuốn sách, mỗi bài phê bình đáng bao nhiêu, ai thừa hơi đi kiện? Nhưng nếu chịu khó rèn thói quen trích dẫn, có khi Đỗ Lai Thuý bớt phần vất vả và còn “mắn” hơn nữa, có điều chẳng ai dám đánh cược những tác phẩm ít đọng mồ hôi sẽ có tuổi thọ cao.
Ba mươi phần trăm run rẩy
Nhiều người vẫn nghĩ, mục đích của viết phê bình là khen, chê. Còn Đỗ Lai Thuý nghĩ khác: “Quan niệm phê bình của tôi không có khen chê. Mục đích của tôi là tìm ra cái hay, cái đẹp, lí giải vì sao nó hay, nó đẹp. Khen chê một tình thế lập luận, giống như phản ứng phụ, chứ không phải mục đích. Tức là điều mình nói ra tự nó mang ý nghĩa đánh giá rồi”.
Quan niệm phê bình không đặt mục đích khen, chê giúp anh ít hứng chịu búa rìu dư luận? Anh lắc đầu: “Tôi vẫn chịu búa rìu chứ. Chẳng hạn sẽ có những người thắc mắc, tại sao tôi không viết về họ”. Còn có người nói, anh là “chuyên gia” viết về người nổi tiếng và người đã khuất. Viết về người đã khuất an toàn hơn chăng? Chẳng hạn, anh bảo Xuân Diệu đồng tính, Hồ Xuân Hương dâm tục, thì những “ngôi sao” đã tắt cũng đành chịu, chứ biết làm sao? “An toàn hay không an toàn là do cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề của mình nó gây ra, chẳng phải do người ta sống hay chết.
Ví dụ khi tôi viết bài về Xuân Diệu đăng đầu tiên trên một tờ báo điện tử, con trai Huy Cận đến tận toà soạn doạ sẽ kiện Đỗ Lai Thuý vu khống Xuân Diệu, vu khống Huy Cận. Tôi bắn tin, muốn kiện cứ kiện Tô Hoài trong Cát bụi chân ai trước. Đấy, ông Xuân Diệu không nói thì những người thân và bao nhiêu người khác nữa, như độc giả chẳng hạn, sẽ thay ông gây áp lực”.
Dám đụng đến “tượng đài” thơ tình được lớp lớp thế hệ mê say, mà chỉ bị gây áp lực kiểu như doạ kiện, thiết nghĩ Đỗ Lai Thuý còn may chán, độc giả còn lành chán. Chắc cũng tại thiên hạ cảm nhận được đằng sau lớp vỏ khó chịu là một Đỗ Lai Thuý đúng như cách nói của nhà thơ Vân Long “chứa đựng cảm xúc, trăn trở, những run rẩy của người sáng tác”.
Cha đẻ “Con mắt thơ” thực sự khoái nhận xét tinh tế này của Vân Long: “Ở những cuốn sách, những bài viết thành công nhất, tôi đã viết đầy cảm hứng, trong trạng thái không bình thường. Nhiều khi viết xong có điều kiện đọc lại bài mình viết mà cứ ngỡ ai viết, chẳng lẽ mình lại viết hay thế? Có lẽ vì thế mà trường hợp mất bản thảo thì tôi không viết lại được nữa, vì người ta không thể tái lập trạng thái cảm xúc lần hai”. Nhưng đã làm thứ gọi là “khoa học của văn học” thì không thể ưu tiên sự run rẩy.
Hỏi: “Anh có cảm thấy tội nghiệp cho các nhà văn, nhà thơ không, khi anh gán cho họ đủ mọi thứ trên đời?”. Chẳng biết những người sáng tác có giận Đỗ Lai Thuý không, anh đưa ra phép so sánh: “Nhà văn nghĩ như thế thì họ nhầm, thiệt cho bản thân họ. Họ sáng tác bằng bảy mươi phần trăm vô thức, chỉ ba mươi phần trăm ý thức. Nhà phê bình thì ngược lại. Vì thế nhà văn không hiểu hết sáng tác của mình. Bảy mươi phần trăm ý thức của nhà phê bình sẽ bù lại bảy mươi phần trăm vô thức của nhà văn”.
Trước khi tạm biệt Đỗ Lai Thuý, tôi hỏi nhỏ anh: “Trong cuộc sống đời thường, anh tận dụng bảy mươi phần trăm ý thức hay bảy mươi phần trăm run rẩy?”. Lần này người đưa ra Bút pháp của ham muốn chẳng phản biện gì, chỉ thấy anh cười ngượng.
Khen không đúng còn tệ hại hơn chê
Thích chia rẽ dư luận nhưng Đỗ Lai Thúy vẫn chịu khó lắng nghe những lời khen, tiếng chê. Anh bảo: “Chê đúng quá quí, khen không đúng còn tệ hại hơn chê”. Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, là một trong những cuốn sách anh tâm đắc vì đưa ra cách lý giải mới về “bà chúa thơ Nôm”.
Nhưng cái mới sẽ trở thành cái cũ, khi cái mới hơn ra đời, hỏi Đỗ Lai Thúy có ngại điều đó không? Tôi đọc được trong câu trả lời của anh sự chân thành: “Trong nghệ thuật không có hơn có kém, chỉ có khác mà thôi. Bởi thế những khám phá nghệ thuật giống như chuỗi ngọc mà mỗi tìm tòi thành công sẽ là một viên ngọc, không có nghĩa viên ngọc sau đẹp hơn viên ngọc trước, nên mình không sợ gì”.