'Nhà nam châm học' nhận giải thưởng Nhà nước về KHCN

TP - “Điện thoại các bạn đang cầm trên tay đều sử dụng nam châm đất hiếm”, GS.TSKH Thân Đức Hiền mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên về ứng dụng của công trình nghiên cứu của mình và cộng sự. Công trình được trao giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ diễn ra giữa tháng 9 này.
GS.TSKH Thân Đức Hiền (bên phải), trong phòng thí nghiệm của Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu.

Công trình mang tầm quốc tế

Đây là công trình nghiên cứu của GS.TSKH Thân Đức Hiền, nguyên giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp, nay là Đại học Quốc gia Hà Nội cùng 13 đồng sự kéo dài suốt hơn 20 năm. Công trình khởi đầu bằng phòng thí nghiệm đầu tiên của Việt Nam về vật lý nhiệt độ thấp từ những ngày kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc. Dù là hướng đi khó nhưng GS Hiền cùng các cộng sự trẻ đã sớm hóa lỏng được heli ở nhiệt độ âm gần tuyệt đối là -269 độ C – một thành tích rất đáng tự hào của khoa học Việt Nam thời điểm năm 1979, mở đầu cho những nghiên cứu sau này.

Sau khi hóa lỏng được heli và nito, GS Thân Đức Hiền cùng các cộng sự đã chọn hướng Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp. Nhóm chọn hướng đi này vì vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp được nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới quan tâm nghiên cứu như một vấn đề nóng hổi và có nhiều ứng dụng. Việt Nam có tiềm năng nghiên cứu phát triển và ứng dụng  nguồn tài nguyên phong phú về đất hiếm.

Năm 1985, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ chế tạo nam châm đất hiếm cao cấp; chế tạo thành công nam châm Ce(CoCuFe)5 với năng lượng từ đạt từ 5 đến 8 MGOe và nam châm Nd2Fe14B với năng lượng từ đạt 40 MGOe, cao hơn 10 lần so với các nam châm truyền thống, tiếp cận chỉ số kỹ thuật của thế giới. Sản phẩm nam châm này có ưu điểm sẽ làm giảm thiểu kích thước các thiết bị dùng nam châm mà tính năng thiết bị lại tăng lên do tích năng lượng cao.

Thế hệ thứ ba của nam châm đất hiếm (Nd 2 Fe 14 B), được phát minh vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, là nam châm mạnh nhất hiện nay. Đây cũng chính là thế hệ nam châm đất hiếm mà Việt Nam chế tạo được từ 1985.  GS Hiền kể, năm 1984 thông qua một GS người Nhật, nhóm nghiên cứu của ông biết thế giới đã tạo được nam châm Nd 2 Fe 14 B chứa đất hiếm. Vì vậy, nhóm bắt tay gấp vào chế tạo và chỉ một năm sau, sản phẩm ra đời.

Năm 1981, Tiến sĩ Thân Đức Hiền thay mặt nhóm đã trình bày kết quả nghiên cứu đầu tiên của nhóm tại Hội nghị quốc tế về vật lý nhiệt  độ thấp ở Los Angeles (Mỹ). Đây là kết quả nghiên cứu khoa học đầu tiên  của nhóm trình bày tại Mỹ, hoàn toàn do người Việt Nam nghiên cứu. Sau đó, bản báo cáo đã được in trong Tạp chí Khoa học Physica.

Năm 1987 ở Hội chợ triển lãm khoa học, kỹ thuật toàn quốc ở Giảng Võ, sản phẩm nam châm từ đất hiếm đã được trao huy chương vàng. Nhiều công ty trong nước đến  đặt hàng vì nhu cầu rất cao. Các nam châm đất hiếm do cụm công trình chế tạo đã được ứng dụng trong các sản phẩm như đồng hồ đo nước, công tơ điện,... “Nam châm được ứng dụng trong nhiều ngành lắm, ngay cả chiếc điện thoại di dộng các bạn đang dùng đều có nam châm đất hiếm”, GS Hiền nói.

Tại Hội đồng chuyên ngành vật lý Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KHCN, công trình này được 11/11 phiếu bầu.

Nhớ thời khốn khó làm khoa học

GS.TSKH Thân Đức Hiền sinh ngày 25/12/1939 trong một gia đình nông dân nghèo của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Điều thú vị ông là hậu duệ của Thân Nhân Trung, một danh sĩ trung thành của vua Lê Thánh Tông, tác giả của câu nói nổi tiếng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”.

Năm 1961 ông được cử đi học ở Trường Đại học Tổng hợp Lomonoxop (Liên Xô). Sau khi tốt nghiệp loại ưu cuối năm 1966, ông được chuyển tiếp học tại trường theo chế độ nghiên cứu sinh. Ba năm miệt mài làm việc tại Khoa Vật lý của trường về vật lý nhiệt độ thấp, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (bây giờ là tiến sĩ).

Về nước, ông giảng dạy tại Khoa Vật lý của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. “Đời sống lúc ấy cực kỳ khó khăn, nghiên cứu khoa học lại càng khó khăn. Lương chỉ 70-80 đồng một tháng nhưng chúng tôi vẫn say mê nghiên cứu, rất đoàn kết, cố gắng hết sức mình để đạt  mục tiêu đề ra”. 

GS Hiền nhớ lại, lần đi Mỹ báo cáo kết quả nghiên cứu, ông không có đô la Mỹ nào trong tay, tiền Việt cũng không có. Tuy nhiên, từ cái nôi ấy nhiều nhà khoa học xuất sắc được đào tạo như có GS.TSKH. Nguyễn Phú Thùy, GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương, GS.TS. Nguyễn Hữu Đức, GS.TS Lưu Tuấn Tài, GS.TS Nguyễn Huy Sinh,...

Giải thưởng Nhà nước về KHCN được trao ít ngày nữa sẽ là món quà, là sự ghi nhận của đất nước cho cuộc đời nghiên cứu say mê, nhiều thành tựu của ông và cộng sự.

Ở tuổi 77, GS Hiền vẫn tiếp tục nghiên cứu. Ông cộng tác với Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS) đặt tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi ông  cùng đồng nghiệp sáng lập vào năm 1992 để tiếp tục những nghiên cứu và đào tạo cán bộ khoa học có trình độ cao về vật liệu- ngành khoa học mà ông góp phần xây dựng nền tảng ở Việt Nam.