Nhà mạng và đường dây đánh bạc ngàn tỷ: Vô can hay đồng phạm

TP - Như Tiền Phong đưa tin, Bộ Công an đã phát những thông tin ban đầu về đường dây tổ chức đánh bạc, liên quan đến ông Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) - Bộ Công an.

Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỷ đồng. Trong đó tiền từ thẻ viễn thông và thẻ game là 9.296 tỷ đồng. Trong số này, cơ quan điều tra ước tính doanh nghiệp viễn thông hưởng lợi khoảng 1.402 tỷ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); doanh nghiệp trung gian thanh toán hưởng lợi khoảng 258,4 tỷ đồng...

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 19/3 về trách nhiệm của các nhà mạng liên quan tới đường dây đánh bạc này, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật - Công ty Luật hợp danh Đông Nam Á cho biết: Để nạp tiền chơi bạc thông qua nhà mạng (Vinaphone, Mobifone và Viettel), người chơi có hai phương thức nạp là mua thẻ cào điện thoại và nhắn tin SMS theo cú pháp định sẵn. Sau khi người dùng nạp tiền thì hệ thống thiết bị của nhà mạng sẽ gửi cho hệ thống thiết bị của công ty trung gian một bộ mã để họ nhận biết và nạp tiền cho khách. Khi nhận được bộ mã từ nhà mạng, công ty trung gian xử lý thông tin và nạp tiền cho khách tương ứng với số tiền họ đã nạp. Công ty trung gian có thể trực tiếp xử lý nạp tiền cho khách hoặc chuyển tiếp bộ mã đó cho website đánh bạc.

Theo cách trên thì nhà mạng không trực tiếp hoặc có thể không biết người dùng nạp tiền để làm gì nhưng công ty trung gian biết và có các thuật toán nạp theo yêu cầu của khách. Tuy nhiên, cần chờ kết quả điều tra của cơ quan chức năng trong việc xác định thỏa thuận/hợp đồng giữa các nhà mạng với công ty trung gian thanh toán.

Nếu có thỏa thuận giao toàn bộ cho công ty trung gian nhưng các nhà mạng vẫn đối soát, kiểm soát để có căn cứ thanh toán, gia hạn hợp đồng thì các nhà mạng phải có trách nhiệm liên đới trong đường dây tổ chức đánh bạc mà Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương cầm đầu. Vì khi đó, nhà mạng biết công ty trung gian đang sử dụng dịch vụ của họ cho mục đích phi pháp. Khoản tiền nhà mạng thu được có thể coi là thu lợi bất chính từ hoạt động phi pháp.

“Các nhà mạng có thể là đồng phạm tội: Tổ chức đánh bạc, Gá bạc, quy định tại Điều 322 Bộ luật Hình sự, hoặc là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”, luật sư Thuật nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, giả sử nhà mạng biết được hành vi nguy hiểm cho xã hội của công ty trung gian và đối tượng tổ chức đánh bạc nhưng họ không kịp thời xử lý ngăn chặn hay chấm dứt cung cấp dịch vụ thì đây chính là căn cứ chứng minh dấu hiệu lỗi cố ý của nhà mạng. Trong trường hợp này, nhà mạng đã biết, chấp nhận, tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật để kiếm lợi; hay nói cách khác, đây sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm pháp lý của nhà mạng và xử lý số tiền thu lợi bất chính.

“Công ty trung gian biết việc nạp tiền qua nhà mạng dùng để đánh bạc thì cổng thanh toán cho người chơi game bài Rikvip trên mạng có thể được coi là công cụ tổ chức đánh bạc. Số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu, xử lý theo quy định tại Điều 46, Điều 47 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn có thể căn cứ khoản 3, Điều 322 Bộ luật hình sự để tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản người phạm tội”, luật sư Nguyễn Mạnh Thuật nói.