Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Công ty Cổ phần BOT cầu Thái Hà cho biết, đang phối hợp với đơn vị tư vấn luật để khởi kiện Cục Đường bộ Việt Nam và Khu Quản lý đường bộ 1. Nội dung kiện về việc cấp phép xây dựng các nút giao đấu nối tạm thời vào đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (thuộc dự án BOT cầu Thái Hà), sai với hợp đồng và gây tổn thất cho nhà đầu tư.
Theo đại diện doanh nghiệp (DN) này, ngày 31/5/2021, Khu Quản lý đường bộ 1 cấp giấy phép thi công nút giao đấu nối tạm thời đường nhánh vào tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km31+00 mà không có sự bàn bạc, thỏa thuận với DN. Đến nay, Khu công nghiệp Thái Hà đã hoàn thành và cho thuê mặt bằng. Thế nhưng gần 3 năm qua, tình trạng này dù đã được phản ánh nhiều lần mà cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết, gây bức xúc cho DN đầu tư.
Tháng 3/2024, Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chấp thuận đấu nối tạm thời có thời hạn vào đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại Km1+240 cầu Thái Hà để làm đường công vụ thi công Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường trục vành đai kinh tế T4 (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
Đầu tháng 4/2024, Khu Quản lý đường bộ I một lần nữa cấp giấy phép thi công xây dựng nút giao đấu nối trên cho UBND huyện Lý Nhân (Hà Nam), thời hạn đến ngày 15/5/2025 và có thể được gia hạn.
Đại diện Công ty CP BOT Thái Hà cho rằng, việc các đơn vị chức năng nhiều lần cấp phép thi công xây dựng đấu nối vào Dự án BOT cầu Thái Hà mà không thương lượng, bàn bạc và được sự thống nhất với DN là sai so với hợp đồng, gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư.
“Chúng tôi đã nhiều lần kêu cứu lên các cấp chính quyền và Cục Đường bộ Việt Nam nhưng không được giải quyết thỏa đáng. DN đang hoàn tất hồ sơ để khởi kiện việc Cục này vi phạm hợp đồng tại Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình", đại diện Công ty CP BOT cầu Thái Hà nói.
Bộ đề xuất giải cứu
Dự án BOT Thái Hà là một trong tám dự án BOT thua lỗ mà Bộ GTVT đang đề xuất cần hỗ trợ giải cứu. Theo Bộ này, sau khi bắt đầu được thu phí (từ tháng 1/2019) đến nay, doanh thu bình quân của BOT Thái Hà chỉ đạt khoảng 17% so với dự báo trong hợp đồng, phương án tài chính bị phá vỡ do doanh thu không đủ bù đắp chi phí quản lý khai thác.
Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc doanh thu đạt thấp là sau khi trạm BOT cầu Thái Hà đi vào hoạt động, cầu Hưng Hà (sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc, bắc qua sông Hồng kết nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam chạy song song với cầu Thái Hà) cũng được đưa vào sử dụng. Để xây cây cầu này, chủ đầu tư không thu phí đối với phương tiện lưu thông để hoàn vốn nên phần lớn phương tiện lưu thông từ phía Hà Nam sang Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng và ngược lại đều chọn phương án đi qua cầu Hưng Hà. Do đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi hợp đồng, bổ sung 1.024 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia (khoảng 70% tổng vốn dự án) dự án và kéo dài thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Lâm, Phó giám Khu Quản lý đường bộ 1, cho biết, đơn vị đã có văn bản báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam về việc xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đấu nối trái phép vào đường dẫn lên cầu BOT Thái Hà và yêu cầu Khu Công nghiệp Thái Hà đóng điểm đấu nối trái phép. “Việc đấu nối không ảnh hưởng đến lưu lượng phương tiện thu phí trên trạm BOT Thái Hà, mà nếu có thì chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mặt đường. Nếu sau này tuyến đường hỏng hóc, các bên liên quan sẽ bàn bạc điều chỉnh để hỗ trợ đảm bảo hài hòa lợi ích DN và xã hội”, ông Lâm nói. Đại diện Bộ GTVT cho biết, đã yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo sự việc này.