Nhà có… 2 người đàn bà

Nhiều người vợ đang phải “dở khóc dở cười” khi bỗng dưng đức ông chồng lại quá “nhiệt huyết” muốn đảm nhận vị trí của họ trong gia đình.
Ảnh minh hoạ: Internet

Đã 15 năm trôi qua và giờ vẫn vậy, trong gia đình chị Thương-anh Tuấn (Nguyễn Chí Thanh, Q3, Tp.HCM), anh vẫn cứ là mama tổng quản của cả gia đình khi một tay lo việc chợ búa, nhà cửa, con cái… Có tiếng là khéo léo, chu đáo nhưng chị Thương chờ mãi vẫn “không có đất dụng võ” ngay trong chính gia đình mình.

Ảnh minh họa

Phát sốt vì chồng làm mama tổng quản

Từ hồi học đại học anh Tuấn đã nổi tiếng là người học giỏi, thông minh và rất hoạt bát… ai cũng nghĩ sau này con đường công danh của anh sẽ rất “vẻ vang. Còn chị Thương, tuy chỉ học cao đẳng kế toán nhưng lại có tiếng đảm đang giỏi cơm nước, may vá thêu thùa. Khi họ cưới nhau, bạn bè và người thân ai cũng cho đây là một đôi rất hợp khi chồng thì giỏi còn vợ thì đảm!

Ngay sau ngày cưới, chị Thương đã cảm động đến chảy nước mắt khi được chồng gọi - “Em dậy ăn sáng đi anh đã chuẩn bị xong rồi” - lúc đầu chị Hương cứ nghĩ chồng chiều mình khi mới cưới. Nhưng những ngày tiếp theo vẫn thế. Đến cả bữa tối khi hai vợ chồng đi làm về anh cũng dành phần nấu cơm và làm hết việc nhà luôn. Mỗi khi chị nói anh để đấy chị làm, thì anh cứ nói chị nghỉ đi anh làm loáng cái là xong.

Đặc biệt là khi chị Thương sinh hai đứa con thì tất tần tật các công việc từ A-Z đều vào tay anh Tuấn, từ giặt rũ quần áo cho con, cho vợ, nấu ăn cho vợ con… anh “đảm đang” đến mức người phụ nữ nào đến nhà anh cũng phải “ghen tị” với chị Thương. Hai đứa con lớn lên thì anh hàng ngày sáng đưa chúng đi học, chiều lại đón về, về đến nhà anh lại tất bật lo cho chúng và lao vào bếp nấu cơm, dọn nhà, rửa bát… Vợ anh đi làm về chỉ việc tắm rửa, ăn cơm và chơi với con, xem tivi, đọc sách…

3 năm sau ngày cưới, khi 2 con còn nhỏ và được chồng tự nguyện gánh vác chuyện “đàn bà” trong gia đình, chị Thương thấy cũng sung sướng thật. Nhưng sang đến năm thứ 4, khi các con lớn thêm 1 chút, chị Thương lại nhận thấy có gì đó không ổn khi anh cứ mãi chúi vào việc nhà và rất thích “tám chuyện” với bất kỳ người hàng xóm nào dù họ là đàn ông hay đàn bà trong khi sự nghiệp thì cứ dẫm chân tại chỗ.

Sau 15 năm đi làm, đường công danh của anh Tuấn cũng chỉ dừng ở mức trưởng nhóm, lương cũng chỉ vài triệu bạc trong khi chị đã trở thành kế toán trưởng của một công ty lớn có mức lương gấp đôi lương chồng. Thỉnh thoảng gặp lại bạn học cũ của chồng, thấy người thì đang là giám đốc công ty riêng, kẻ thì là giám đốc trong 1 tổng công ty lớn… chị Thương không khỏi thầm so sánh và sốt ruột khi nhìn thiên hạ kiếm tiền “ầm ầm” mà chồng mình thì cứ quanh quẩn với nhà cửa bếp núc…

Bị chồng “soi” khắp nơi

Đó là chị Nguyễn Thu Huế (Lê Hồng Phong, Q.10, Tp.HCM) thường xuyên phải ở trong tình trạng “khóc dở mếu dở”, vì anh Mạnh-chồng chị quá tỉ mỉ những chuyện nhỏ nhặt nhiều khi khiến chị Huệ "phát rồ". Cứ mỗi lần chứng kiến cảnh chồng lau chùi cái sàn nhà sạch như li như lau làm chị Huế phát hoảng. Dù cưới nhau được gần 20 năm trời, những những việc làm của chồng dường như chị vẫn không thể quen được.

Có lần chị Huế đang ủi cái quần tây, tự nhiên anh Mạnh từ phía sau lao tới giật cái bàn là từ tay chị và "càm ràm": “ủi như em thì quần hai ly mất. Từng ấy tuổi mà ủi cái quần cũng không ra hồn”. Anh Mạnh không để ý gì đến thái độ khó chịu của vợ, anh cứ vô tư vừa ủi vừa nói.

Hay như chuyện hôm trước, chị Huệ đang giặt quần áo, anh Mạnh nhìn thấy đã hét um lên: "Sao em lại giặt quần áo đi làm của anh chung với đồ ngủ, lại còn giặt chung với mấy cái áo của các con, quần áo của anh phải giặt riêng… em nhớ đó!”. Chị Huế thấy cảm thấy "ấm ức" vô cùng. Chỉ vì vài cái quần áo mà cả ngày hôm đó chị không thể nở nổi một nụ cười và không khí trong gia đình cũng ảm đạm theo.

Ảnh minh họa

Hàng ngày anh Mạnh còn căn đúng bao nhiêu tiền, chi tiêu những khoản nào anh sẽ đưa cho vợ tiền đi chợ hoặc anh tự đi. Anh tính toán đến mức mà hôm nào cả nhà ăn xong mâm cơm cũng sạch trơn, các con anh đang tuổi ăn tuổi lớn nên nhiều khi cảm thấy ăn chưa no đã hết đồ ăn. Hay hoa quả trong nhà họa hoằm anh mới mua về cho cả nhà ăn.

Đối với anh Mạnh chỉ có rằm và mùng một mới mua hoa quả về thắp hương. Đã tính toán chi li lại "hay nhiều lời". Bất kể chuyện gì, anh Mạnh cũng "phải có phần" cho bằng được. "Đàn ông, đàn ang gì mà nói nhiều còn hơn cả phụ nữ”. Vợ làm gì cũng đứng sau lưng "chỉ đạo". Nhiều lúc chị Huế bực không chịu được đã phải hét toáng lên “anh đi mà làm lấy”.

Ví như mỗi lần chị Huế có nấu cơm hơi khô và nhiều hơn mọi hôm một chút thì anh Mạnh sẽ nhăn mặt và nói liên tục cho đến hết bữa ăn. Lúc đầu, chị Huế còn giải thích này nọ, nhưng những lần sau anh Mạnh vẫn “chê” liên tục như: “em phải rửa rau nhiều lần và ngâm với nước muối sau đó rửa đi rửa lại nhiều lần, hôm nay em mua rau gì mà cứng như củi, thịt thì có vẻ không tươi, nấu hơi chín quá, hơi mặn... Đại loại là ngày nào anh Mạnh cũng lôi được rất rất nhiều những thứ vụn vặt ra để “chê” vợ.

Anh Mạnh tự cho vợ là người ít hiểu biết, lại không khéo tay và không có khoa học nên cái gì anh cũng phải chỉ bảo và nhắc nhở vợ. Thực ra chị Huế đâu đến nỗi vậy, trước kia khi chưa lấy chồng ở với mẹ chị vẫn làm tất tật mọi thứ mà có bao giờ thấy bố mẹ và anh em trai trong nhà nói gì đâu.

Ở cơ quan chị Huế cũng làm rất tốt mọi việc cơ mà. Sao về đến nhà chị luôn thấy mình thiếu tự tin, thấy “tệ” quá. Và rồi chị Huế thấy "bội thực" vì những hành động quá tỉ mẩn của ông chồng quý hóa. "Đôi lúc, có cảm giác vợ chồng đang "đổi vai" cho nhau. Vợ nói một, chồng nói mười. Vợ dễ tính, chồng thì kỹ đến phát hoảng" - Chị Huế tâm sự. 

Khó chịu, thất vọng là những cảm giác thường trực của những bà vợ không may "sở hữu" những ông chồng có tính "đàn bà". Bởi trong suy nghĩ của nhiều chị em, chồng phải là phái mạnh, là bờ vai vững chắc cho họ dựa, là trụ cột trong nhà, là đại diện cho những gì mang tính "lớn lao" chứ không phải ngày nào cũng chăm chăm vào những việc nhỏ nhặt.

Theo Theo SKGĐ