Nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Vác cần đi câu thơ

TP - Trọn 251 ngày trong tù, thấm thoát đã hai năm trôi qua, Nguyễn Việt Chiến trở lại với nghề báo. Anh kể câu chuyện kỳ lạ về người đi câu thơ…
Nguyễn Việt Chiến bên con ngày trở về
Nguyễn Việt Chiến bên con ngày trở về.

Những ngày lâm cảnh lao lý, làm thế nào mà anh vượt qua?

Cho đến tận bây giờ, sau khi đã trở lại làm báo, tôi cũng không hiểu tại sao mình lại có thể cầm cự, vượt qua được. Bởi khi đó, sức khỏe tôi cũng không được tốt. Có lẽ, tôi vượt qua được chính là nhờ sự cứu rỗi của thơ ca. Nói thế, có người cho là sáo rỗng. Nhưng trong hoàn cảnh bị bắt của tôi, bi kịch lắm.

Chính nhờ làm thơ, tôi đã thoát được chuỗi thời gian u ám, cô đơn, lạnh lẽo...

Và những ngày trong tù, anh dành hết cho thơ?

Nhà báo Nguyễn Việt Chiến.

Tôi làm thơ, nhưng trong 20 năm làm báo, chủ yếu tôi lại viết điều tra, nhiều khi thấy cũng mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi, dành cho thơ ca. Nên những ngày sống trong tù, để mình vượt qua số phận, tôi dành trọn vẹn thời gian cho thơ ca.

Trong ấy, tôi nảy ra ý định mạnh dạn cách tân thơ ca Việt Nam, tôi muốn làm mới thơ ca Việt. Vượt lên trên số phận, tôi không viết về hoàn cảnh thực tại, tôi nghĩ giá trị thơ ca cao hơn giá trị của hiện tại, nó phải vượt qua thời gian, vượt qua hoàn cảnh.

Tôi chọn người thân, bạn bè trong những năm tháng chiến tranh, làm chủ đề thi ca cho mình. Khi đọc thơ tôi in trên báo sau chuỗi ngày hoạn nạn, ít người biết tác giả của những bài thơ này viết ra nó khi đang ở vòng lao lý.

Nhưng ở trong tù, anh làm thơ vào thời gian nào?

Khi bị tạm giam, ban ngày tôi phải đi lấy cung, ban đêm về tôi dành trọn cho thơ. Còn thời kỳ thụ án, mình cũng được anh em quản giáo ưu tiên hơn, chỉ làm chút việc nhẹ nhàng, thời gian còn lại tôi dành hết cho thơ.

Tổng cộng, thời gian trong tù anh làm được bao nhiêu bài thơ?

Tôi viết cũng không nhiều lắm, khoảng dăm chục bài. Tất cả những bài này, sau khi ra tù, đã được đăng trên các báo. Trong đó, bài thơ “Những ngôi chùa trong đêm” đăng trên báo Văn Nghệ, được bạn thơ đánh giá là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thi ca của tôi. Tôi cũng đồng tình với nhận xét ấy.

Bài thơ tôi viết về mẹ, mẹ tôi theo đạo Phật và trong những ngày lâm vòng lao lý, tôi biết mẹ tôi sẽ cầu nguyện cho tôi. Bài thơ có những câu thế này:

Rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm
                                     bằng nước mắt

Rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ
                                    xây bằng đức tin

Rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm
                                  bằng lời cầu nguyện

Rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà
                                                 đi con…

Chắc hẳn những ngày ở tù, với anh còn nhiều kỷ niệm?

Đúng thế! Tôi nhớ mãi, ngày 21-6-2008, sau một tháng tôi bị bắt tạm giam, cán bộ điều tra an ninh cho mời tôi, tôi cứ nghĩ là một buổi hỏi cung bình thường, nhưng không phải.

“Tôi ấn tượng mãi hôm ra tòa, tướng Phạm Xuân Quắc cầm chặt tay tôi nói: “Em phải động viên vợ ngay, Chiến nhé, hôm qua, khi người ta dẫn giải em đi, cô ấy khóc lặng đi rồi ngất ngay dưới sảnh tòa!”. Tình cảnh ông khi đó có hơn gì tôi, vậy mà ông vẫn dành sự quan tâm cho người khác. Câu nói của tướng Quắc như tiếp thêm cho tôi nghị lực sống trong suốt những ngày ở tù”.

Vừa gặp mặt, một điều tra viên trẻ, nói: “Hôm nay 21-6, ngoài kia bạn bè anh đang vui lắm. Anh có muốn ăn gì không, em sẽ ra ngoài kia mua cho anh. Nghe nói anh làm thơ và đọc thơ rất hay, nay chúng em muốn mời anh đọc thơ.

Tôi đọc cho họ nghe bài thơ “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm” mà tôi vừa sáng tác trong tù. Đọc xong, mấy anh em cười sảng khoái. Tôi nhờ họ gửi bài thơ này tới ông Nguyễn Văn Hưởng, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an, phụ trách an ninh, vì tôi biết ông cũng là người sành văn chương. Mấy điều tra viên nhìn tôi chỉ cười.

Bài thơ ấy là thế nào?

Tôi nói, có thể nhiều người không tin, nhưng đó là sự thật. Một đêm, nằm trong tù, tôi mơ một giấc mơ, kỳ lạ là được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Đêm ấy, mưa thật to. Bốn bề tối đen. Vạn vật thiếp đi trong giấc ngủ sợ hãi. Tôi như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Mưa đêm xối xả đập xuống mặt sông. Một con sông lớn đang dâng lên trước mặt tôi. Dâng lên mãi. Nước lạnh. Mưa cũng thật lạnh. Chỉ còn lại trái tim trong ngực tôi thoi thóp ấm.

Rồi mưa cũng ngớt dần. Rồi trăng lên trên sông vắng. Và trên bãi cát đêm chảy dài như một mộng mị, một ám ảnh dưới trăng. Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du. Cụ đi câu một mình trên sông đêm. Tôi chớp mắt, nhìn lại. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm. Nón áo trên người cụ đến giờ còn lướt thướt ướt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất. Cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy, chỉ có giời mới biết.

Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm, câu gì vậy? Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi?”.

Nghe tôi hỏi, Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy, trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu.

“Nhân một năm ngày tôi gặp tai họa nghề nghiệp, nhà thơ Thanh Thảo nói với tôi: “Em bị bắt vào mùa hạ, tới mùa thu thì ra tòa lãnh án, mùa đông thì ở tù, còn mùa xuân lại được trở về đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam ở Văn miếu - Quốc Tử Giám. Nói rồi ông xuất khẩu thành thơ tặng tôi luôn: “Hạ ăn chuyên án, Thu ăn án/ Đông tắm ao tù, Xuân tắm thơ”. Nghĩ lại, thấy cũng lạ. Cái số tôi đến chuyện tù tội cũng có thể thành thơ.

Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy, nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ. Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy.

Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…”. Nói xong, cụ tưới cả bầu rượu xuống dòng sông văn đang cuộn chảy.

Cũng trong đêm mưa ấy, khi trăng đã lên và mưa đã ngớt, tôi còn nghe thấy trên sông văng vẳng tiếng hát của một người con gái trẻ ở làng bên ra sông giặt lụa. Tiếng hát trong văn vắt như một dải lụa mềm dưới trăng. Tôi choàng tỉnh dậy sau giấc mơ kỳ lạ ấy.

Và, tôi thức suốt một đêm mưa lớn để làm bài thơ “Gặp Nguyễn Du trên sông đêm”. Mong ghi chép lại cuộc gặp gỡ thú vị, may mắn vừa diễn ra, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân tình của cụ Nguyễn Du.

Bài thơ sau này được in trên nhiều tờ báo, trong đó có cả Báo Văn nghệ Công an, có lẽ thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng cũng đã đọc.

Ra tù, bao lâu anh lại bắt đầu viết báo?

Hai tuần, sau khi được đặc xá ra tù, và cũng trùng với thời gian báo nghỉ Tết Nguyên đán, tôi trở lại làm báo ngay. Đây cũng là điều đặc biệt vì trong quyết định đặc xá tha tù, tôi không hề có hình phạt tiếp theo. Tôi lại lao vào công việc báo chí với sự động viên của anh em trong báo Thanh Niên.

Tôi vốn là nhà thơ, trước đây làm báo Văn nghệ, đến năm 1992-1993, sau khi đọc một số bài phóng sự của tôi, báo Thanh Niên mời tôi về viết phóng sự điều tra. Chính những bài viết trên báo Thanh Niên đã làm nên tên tuổi của tôi. Và trong 20 năm làm báo, gần như những vụ việc chống tiêu cực lớn trên báo Thanh Niên, đều có sự đóng góp của tôi.

Nhưng từ ngày trở lại làm báo, thấy anh không viết lĩnh vực nội chính, mà chuyển qua viết văn hóa, thông tin về Hà Nội...?

Sau nhiều năm viết mảng nội chính, tôi nghĩ mình cần có thời gian để tĩnh dưỡng lại. Vả lại, mình cũng cao tuổi rồi, không còn hăng máu như thời trẻ. Với lại, khi xảy ra chuyện mình cũng rất mệt mỏi. Gần đây, tôi có dịp gặp một vị tướng cao cấp phụ trách ngành an ninh và ông đó đã nói động viên tôi: “Chiến là người thiệt thòi nhất và Chiến cũng rất có nghị lực”.

Ngay lúc ấy, anh Quốc Phong - Nguyên Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên nhận xét: “Anh Chiến là người làm thơ nên anh ấy mới vượt qua được giai đoạn đó, nếu là người khác chắc khó trụ vững”.

Trước đó ít phút, trong lúc ngồi nói chuyện, vị tướng này thân mật: “Anh mới đi nước ngoài về, có hai hộp thuốc rất bổ, dành cho Chiến”.

Tôi nhớ lại, trong thời gian bị bắt giữ, có một vị tướng phụ trách an ninh điều tra đã ba lần vào trại giam, mang quà (gồm hoa quả, nước suối và báo in) động viên tôi. Thời điểm ấy, ông Đinh Thế Huynh, Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo VN cũng đã cử ông Chánh văn phòng Hội Nhà báo mang quà vào trại thăm tôi và thông báo Chủ tịch Hội Nhà báo VN đã có công văn đề nghị các cấp xét đặc xá cho tôi vào diện đặc biệt.

Kể từ ngày được tự do, anh đã gặp lại những người cùng bị truy tố không?

Hôm tôi ra, Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) có mang hoa đến tòa soạn báo Thanh Niên chúc mừng, tôi cũng chỉ gặp thượng tá Đinh Văn Huynh có một lần. Còn Tướng Phạm Xuân Quắc, tôi chưa có điều kiện gặp lại, nghe nói ông đã về quê Hải Dương vui thú với tuổi già cùng con cháu.

Nếu quay lại thời trẻ, được chọn lại nghề nghiệp, anh có tiếp tục chọn nghề báo?

Nay mình cũng gần 60 tuổi rồi, nếu được quay lại tuổi trẻ, tôi vẫn chọn nghề báo và vẫn viết phóng sự điều tra. Thực sự, dù có chuyện này chuyện kia, nhưng nghề báo đã ăn vào máu rồi.