Nguyên tắc '4 đúng' khi dùng thuốc bảo vệ thực vật

TPO - Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng rất quan trọng, nhưng cũng phải đạt yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, vừa phải quan tâm đến tăng năng suất, sản lượng vừa phải giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) vừa phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả. Diễn đàn để truyền thông điệp ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại, giảm chi phí đầu vào, giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Các chuyên gia cùng nhìn nhận, thuốc BVTV là vật tư quan trọng, không thể thiếu trong phòng trừ dịch hại cây trồng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản. Việt Nam là quốc gia sản xuất nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm, thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng, nhưng cũng rất thuận lợi cho sự phát triển của sâu bệnh, sinh vật gây hại. Việc sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ mùa màng, giữ vững an ninh lương thực quốc gia rất quan trọng.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho rằng, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam (VIPA) cho rằng, hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sinh vật gây hại. Việc sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đúng quy định và thời gian cách ly sẽ sản xuất được nông sản an toàn phục vụ trong nước và xuất khẩu. Cả thuốc BVTV hóa học và sinh học đều mang lại nhiều lợi ích cho quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp trên thế giới và Việt Nam.

Tuy nhiên, do chỉ thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp khác, dẫn đến nhiều mặt tiêu cực của thuốc BVTV đã bộc lộ, như ô nhiễm nguồn nước và đất; để lại dư lượng trên nông sản, gây độc; gây mất cân bằng trong tự nhiên; xuất hiện các loài sinh vật gây hại mới, chống thuốc, đảo lộn hệ sinh thái...

Ông Sơn cho biết, sử dụng thuốc BVTV sinh học thường an toàn với sức khỏe, thuốc nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản, thân thiện với môi trường.

"Yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững vừa phải quan tâm đến tăng năng suất, sản lượng để đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực, vừa phải giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Do vậy, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học là thích hợp và được thế giới sử dụng ngày càng nhiều hơn", ông Sơn nói.

Xu hướng nhu cầu thị trường cũng ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm thế giới đang có hướng kinh doanh các sản phẩm nông sản sử dụng thuốc BVTV sinh học. Các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường của các quốc gia cũng khuyến khích người sản xuất sử dụng thuốc BVTV sinh học.

Chủ tịch VIPA cho rằng, trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, để phát huy các ưu điểm và hạn chế nhược điểm của thuốc BVTV, việc sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết. Người dùng thuốc BVTV phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng lúc; đúng liều lượng; đúng cách), đảm bảo thời gian cách ly, sử dụng hài hòa.

Cùng với đó cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, tăng cường các biện pháp canh tác bền vững…

Theo ông Nguyễn Văn Tuất - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, ngành BVTV đã có nhiều thành tựu trong ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển nền nông nghiệp nước ta toàn diện, bền vững. Tuy nhiên, ngành BVTV cũng đang đối mặt với các thách thức trước các loài sinh vật gây hại, các loài mới nổi trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu...

Việc nghiên cứu phát triển các giải pháp phòng chống hiệu quả rất cần thiết, góp phần sản xuất lương thực thực phẩm an toàn, hiệu quả. Xu hướng thế giới sử dụng thuốc BVTV sẽ ưu tiên các sản phẩm sinh học, thảo dược, sử dụng hóa chất thân thiện với môi trường, phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao…

Ông Đỗ Văn Vấn - Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam (Cục BVTV) cho biết, Đề án phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) nhằm mục tiêu tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ có trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.

Cụ thể, phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh; giảm 30% lượng thuốc BVTV và phân bón hóa học; trên 90% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định…