Nguyễn Quang Sáng kể chuyện 'Nhà văn về làng'

TP - Có rất nhiều đầu sách văn học mới được các NXB tung ra nhân Hội sách TP HCM lần thứ 5. Nhưng có thể nói sự hiện diện của tác giả Nguyễn Quang Sáng cùng tác phẩm mới ra lò Nhà văn về làng gây chú ý nhất.
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng giao lưu cùng độc giả

Nhìn chung buổi giao lưu nào có Nguyễn Quang Sáng thì người nghe thường được đãi những câu chuyện thú vị bởi ông là người có biệt tài kể chuyện. 

Tập ký Nhà văn về làng là những bức vẽ chân dung người nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Sơn Nam, Nguyễn Đình Thi, Thu Bồn, Bùi Giáng, Nguyễn Duy, đạo diễn Hồng Sến, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… theo cách pha màu riêng của Nguyễn Quang Sáng.

Có người thắc mắc hỏi sao lại đặt là Nhà văn về làng, tác giả giải thích: “Thoạt đầu tôi đặt là Dòng sông trôi vẫn trôi, ông biên tập bên NXB đề nghị đổi vì cái tên này nghe thơ quá mà thơ bây giờ bán… ế lắm!”.

Trong Nhà văn về làng, Nguyễn Quang Sáng kể kỷ niệm với Trịnh Công Sơn khi sang Pháp năm 1989, nhưng dự buổi giao lưu mới biết hóa ra ông không đưa chi tiết này vào sách: ở cùng phòng với Trịnh Công Sơn và lén… đọc trộm thư Khánh Ly gửi Trịnh Công Sơn!

Chân dung Trịnh Công Sơn được Nguyễn Quang Sáng vẽ: “Sáng tác nhiều, hát nhiều, uống nhiều, hút nhiều, bạn nhiều, bạn khắp nơi, bạn gái cũng nhiều, xài tiền nhiều, ăn thì… ít”. Về Bùi Giáng, ông bảo mình không rành về thơ, nhưng “Nếu không có thơ Bùi Giáng thì cũng như ngày không có hoàng hôn”.

Gặp Bùi Giáng ở Hội Văn học nghệ thuật TPHCM, Bùi Giáng nhảy từ xích lô xuống chào “Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trẫm xin chào vua” (gọi là “vua” vì lúc đó Nguyễn Quang Sáng đang là Tổng thư ký Hội) rồi xin “có tiền cho tớ một mớ”.

Nguyễn Quang Sáng tả tiếp ngoại hình không thơ chút nào của Nguyễn Duy: “Lùn, mập, mặt vuông, bàn chân bè, bàn tay chai sạn gân guốc… toàn những chi tiết chống lại thế giới nội tâm thơ”. Ông “phán” về Sơn Nam: “Thấy tướng Sơn Nam là thấy nghèo rồi, nghèo nhưng Sơn Nam là cái tên sang trọng trong làng văn của nước nhà”.

Nguyễn Tuân thì nặng về chữ nghĩa, đặc biệt ông rất quan tâm tới chữ lóng của Nam Bộ: sao lại gọi rượu đế, làm phách, treo thế nào là treo tòn teng,  sao lại nhẹt (nhậu nhẹt), say sao lại nói là xà quần… Rồi Nguyễn Tuân sung sướng khi biết trong Nam gọi đèn huê kỳ (đèn dầu) là đèn trứng vịt: “Hình tượng đến thế là cùng. Cha…cha… thế mà tôi không biết. Bà ơi bà, đèn này là đèn trứng vịt. Từ nay không dùng cái tiếng huê kỳ nữa”.

Một câu chuyện cũ được nhắc lại trong buổi giao lưu: truyện ngắn Chiếc lược ngà có phải tác phẩm tâm đắc nhất? Nguyễn Quang Sáng nói về cái may và cái rủi: “Chiếc lược ngà tôi viết không bằng một số truyện ngắn khác nhưng lúc đó được đọc trên đài phát thanh, rồi vào sách giáo khoa nên nhiều thế hệ biết.

Bây giờ viết truyện ngắn in báo Văn nghệ có mấy người đọc đâu vì nay có nhiều truyện ngắn quá mà. Một trong những truyện ngắn tôi thích nhất là Con gà trống. Thoạt đầu không đăng được, sau đó nhân dịp in tập Chiếc lược ngà nên tôi tìm cách đẩy Con gà trống vào.

Tôi muốn nói tới sự thất thường trong chiến tranh khiến tình yêu của con người và chính con vật cũng bị ảnh hưởng. Nghịch lý của con gà trống là được đạp mái nhưng không được gáy. Con gà trống khiến tôi bị rầy la nhiều nhưng tôi rất thích truyện này”.

Về tiểu thuyết, ông thừa nhận cuốn Đất lửa bị Văn Cao góp ý “cậu viết hiền quá”, nhưng ông chặc lưỡi “viết hiền dễ in hơn” và cho đến giờ nó vẫn là tiểu thuyết ông tâm đắc nhất bởi dấu ấn tiểu thuyết đầu tiên, gửi gắm tâm sự trong nhiều nhân vật và chính là tâm hồn mình ở tuổi 20.