Ngày 4/1, Gương mặt Việt Nam công bố phát sóng chương trình truyền hình giao lưu truyền cảm hứng với chủ đề Viết tiếp những điều dung dị. Hoạt động cốt lõi và hạt nhân của dự án là chương trình truyền hình được thực hiện ghi hình vào thời điểm cuối năm và phát sóng vào dịp đầu năm mới.
Trải qua 9 tháng định hình ý tưởng, củng cố nội dung, tháng 9/2023 ê-kíp khởi động dự án với buổi phác họa chân dung Gương mặt Việt Nam. Mùa đầu tiên, ê-kíp thực hiện dự án lựa chọn Bảo tàng TPHCM - nơi lưu giữ các giá trị văn hóa - lịch sử, tái hiện chân thực hình ảnh TPHCM qua từng thời kỳ làm địa điểm ghi hình.
Chương trình mùa đầu với chủ đề Viết tiếp những điều dung dị mở đầu bằng những chia sẻ của nhà nghiên cứu 104 tuổi Nguyễn Đình Tư về lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Niềm tự hào dân tộc càng được khắc họa rõ nét thông qua hành trình 10 ngày “thực chiến” tại hiện trường trận động đất được xem là thảm họa chưa từng có trong tiền lệ của Trung tá Nguyễn Chí thành - thành viên Đội cứu hộ quốc tế Việt Nam và các đồng đội tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mạch nguồn dung dị của Gương mặt Việt Nam còn được tiếp nối bằng hành trình 25 năm lên rừng xuống biển của đồng chí Trương Mỹ Hoa - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cùng các thành viên của Quỹ học bổng Vừ A Dính và CLB Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu.
Khắc họa chân dung nhân vật ở đa lĩnh vực, chương trình mùa đầu tiên còn mang đến những câu chuyện về kinh tế, giáo dục, văn hóa - giải trí của đất nước trong một năm vừa qua.
Đại diện cho đội ngũ doanh nhân thành phố - doanh nhân Lê Trí Thông - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ TPHCM đã mang đến lát cắt kinh tế xanh nổi bật trong dòng chảy kinh tế của cả nước.
Cùng với đó, ở lĩnh vực giáo dục, PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen cùng khái niệm “giáo dục khai phóng” đã mang đến niềm tin về một thế hệ sinh viên Việt Nam không ngại dấn thân, thử thách để hội nhập và phát triển.
Với nghệ thuật nước nhà, trong năm qua cũng đã có rất nhiều những cá nhân, tập thể âm thầm cống hiến, sáng tạo ra những sản phẩm ý nghĩa, góp phần quảng bá các nét đẹp văn hóa của nước nhà. Đó là đạo diễn Hoàng Nhật Nam - đồng đạo diễn và đối tác sản xuất tổ chức cuộc thi Miss Grand International 2023 - tại Việt Nam. Chương trình được tổ chức thành công đã góp phần quảng bá du lịch, trang phục dân tộc, đưa vẻ đẹp Việt ra thế giới và đưa vẻ đẹp thế giới tụ hội và tỏa sáng tại Việt Nam.
Ca sĩ Phương Mỹ Chi với album Vũ trụ cò bay khai thác chất liệu văn học Việt Nam kết hợp cùng âm nhạc hiện đại của DTAP, tạo nên điểm nhấn nghệ thuật đặc biệt cho âm nhạc nước nhà. Đây cũng là lần đầu tiên hai nghệ sĩ xiếc Hiển Phước và Thanh Hoa (Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam) trải lòng về hành trình nỗ lực thầm lặng sau ánh hào quang để có thể chạm tay đến những chiếc huy chương danh giá tại các đấu trường xiếc thế giới.
Mang theo ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ đến với chương trình, các thành viên của nhóm Sài Gòn xanh và Vẽ hạnh phúc đã truyền tải thông điệp đầy ý nghĩa thông qua những hành động cụ thể của mình, mang đến niềm hy vọng về một Việt Nam thịnh vượng với những con người không ngừng cống hiến.
Mảnh ghép cuối cùng của Gương mặt Việt Nam mùa đầu tiên là hành trình xê dịch đặc biệt của chàng phượt thủ Trần Đặng Đăng Khoa - người Việt Nam đầu tiên đi vòng quanh thế giới với thông điệp Đi để hiểu thế giới và yêu thêm Việt Nam.
Thông qua những câu chuyện được kể, dự án mong muốn có thể cổ vũ, tiếp lửa, tạo động lực cho chính những nhân vật đã và đang cống hiến, đồng thời góp phần lan tỏa giá trị sống tích cực đến các thế hệ người Việt Nam trên khắp mọi nơi, đặc biệt là những người trẻ.
Không chỉ dừng lại ở đêm ghi hình và phát sóng, Gương mặt Việt Nam còn lan truyền những câu chuyện truyền cảm thông qua các hoạt động cộng đồng như các chương trình hướng đến cộng đồng, buổi giới thiệu, triển lãm chân dung các Gương mặt Việt Nam, sổ tay mùa đầu tiên Viết tiếp những điều dung dị...