> Báo tỉnh Trung Quốc: Điều tra hay không điều tra
> Báo chí phải đi đến cùng
Dẫn dụ từ vụ nhà báo Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ TP HCM vừa bị bắt giam, hàng loạt vấn đề liên quan điều tra nhập vai của phóng viên được đặt ra, nhà báo được nhập vai tới đâu?
Ông Trần Nhật Minh, Giám đốc RED, cho biết: “Theo đánh giá của nhiều nhà báo, biện pháp điều tra nhập vai là một cách làm mạo hiểm, luôn có tính hai mặt: nếu thành công sẽ đưa nhà báo lên đỉnh vinh quang, nếu thất bại sẽ vùi sự nghiệp nhà báo xuống vực sâu, mà ranh giới pháp lý phân chia chúng không rõ ràng, cả về khía cạnh pháp lý và đạo đức.
Một ví dụ rất điển hình là mới đây, nhà báo Hoàng Khương của Báo Tuổi Trẻ đã bị công an bắt giam về hành vi đưa hối lộ, trong khi bản tường trình của anh này khẳng định việc anh ta can dự vào việc đưa hối lộ chỉ nhằm có được chứng cứ về đường dây “giải cứu” xe gian của CSGT để đăng báo theo chủ trương của toà soạn”.
Theo ông Minh, nếu không cẩn trọng, nhà báo sẽ có thể gặp nguy hiểm như trường hợp của Hoàng Khương. Vậy, phóng viên được nhập vai đến mức độ nào, để tránh được rủi ro?
Từng là phóng viên nhập vai điều tra, viết khá nhiều loạt bài, Tổng Thư ký Toà soạn Báo Pháp luật TPHCM Nguyễn Đức Hiển, chia sẻ: “Nhà báo trước hết là một công dân, nên phải chấp hành pháp luật như mọi công dân khác. Bởi thế, báo tôi đã xây dựng những nguyên tắc của điều tra nhập vai, để đảm bảo phóng viên không gặp rủi ro, nguy hiểm”.
Ví dụ, phóng viên chỉ được nhập vai khi đó là biện pháp cuối cùng để có được thông tin và phải có sự đồng ý của tổng biên tập; Khi nhập vai phóng viên không được tác động vào đối tượng khiến sự việc, hiện tượng bị thay đổi khác với bình thường; Không được gài bẫy và gợi ý hối lộ; Phóng viên phải ngừng ngay việc nhập vai, nếu có nguy hiểm (như nếu bị đòi tiền hối lộ thì phải trình báo với cơ quan chức năng hoặc chỉ ghi âm việc đòi tiền, không được đưa hối lộ cho đối tượng...); Toàn bộ quá trình hoạt động nhập vai điều tra của phóng viên phải được toà soạn giám sát...Theo ông Hiển, cơ quan chức năng cần có quy định về giới hạn điều tra nhập vai, để phóng viên không bị lúng túng và gặp nguy hiểm, rủi ro.
Đến từ cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), phát biểu với tư cách cá nhân, Điều tra viên cao cấp Trần Thanh cho rằng, về nguyên tắc mọi công dân đều phải chấp hành pháp luật hình sự. Bất cứ hành vi phạm tội nào đã được quy định trong Bộ luật hình sự, đều bị xử lý, không loại trừ ai.
“Trường hợp nhà báo Hoàng Khương, nếu bị ép buộc phải đưa hối lộ, nhưng đã chủ động khai báo trước khi cơ quan điều tra phát hiện, thì không bị tội; hoặc khi đối tượng đòi hối lộ mới thả xe, khi chuẩn bị đưa tiền, Hoàng Khương báo cho cơ quan công an bắt quả tang thì tốt quá...”, ông Thanh nói.
Từng bị án tù vì những bài viết về vụ án PMU18, Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) chia sẻ: “Ngay cả bản thân tôi, cũng như Hoàng Khương, khi điều tra thì đều có mục đích bảo vệ lợi ích công. Theo tôi, khi nhà báo điều tra vì lợi ích công, thì cần được xem xét thấu đáo các tình tiết để giảm nhẹ”.
Theo ông Trần Nhật Minh, trong Báo cáo chính thức sắp phát hành, RED sẽ đề xuất khái niệm lợi ích công cần được giải thích và luật hóa. Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Vấn đề nhà báo nhập vai điều tra là mới, Luật Báo chí hiện chưa có quy định, cũng như chưa có khái niệm báo chí điều tra vì lợi ích công. Tới đây khi sửa Luật Báo chí, tôi sẽ đề nghị phải cụ thể hoá vấn đề này trong luật.
Phần lớn nhà báo bị cản trở khi tác nghiệp
Khảo sát của RED cho thấy, trong tổng số 384 nhà báo, phóng viên được hỏi, họ bị từ chối cung cấp thông tin như sau: Chống tiêu cực về tài chính: 176 (45,83%); Liên quan đến quản lý đất đai: 156 (40,63%); Chống xâm hại môi trường: 144 (37,50%); Liên quan đến quản lý tài nguyên, khoáng sản: 130 (33,85%); Liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử: 126 (32,81%); Tỷ lệ như vậy là rất cao.