Trí tuệ nhân tạo làm nghệ thuật:

Nguy cơ đạo nhái, vi phạm bản quyền

TP - Trí tuệ nhân tạo (AI) dần khẳng định vai trò trợ thủ đắc lực của con người trong nhiều lĩnh vực, kể cả lĩnh vực đòi hỏi sáng tạo, rung cảm như nghệ thuật. AI thay thế nghệ sĩ, nhà sáng tạo nghệ thuật đến đâu, ở mức độ nào luôn là điều đáng bàn.

Nhiều tranh cãi, bất cập

Kết quả sáng tạo âm nhạc của AI được công bố trong những năm gần đây tạo hiệu ứng mạnh. Năm 2019, ông lớn ngành công nghệ Huawei công bố hoàn thiện bản giao hưởng số 8 dang dở của nhà soạn nhạc Đức Franz Schubert, với sự hỗ trợ của AI. Đầu tháng 10/2024, AI tiếp tục góp sức hoàn thiện bản giao hưởng số 10 mà nhà soạn nhạc lừng danh Beethoven đã bỏ dở từ hai trăm năm trước.

Ở Việt Nam, năm 2021, kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Hoàng Bảo Đại nổi lên với biệt danh “nhạc sĩ biết code (mã hóa)”. Anh là người Việt Nam thứ ba được Google công nhận là chuyên gia phát triển ngành khoa học máy tính với mô hình sáng tác âm nhạc bằng trí tuệ nhân tạo. Mô hình này có thể viết 10 giai điệu bài hát chỉ trong một giây. Người sáng tác chỉ cần đưa ra vài nốt nhạc, hệ thống sẽ xử lý dữ liệu, chuyển giai điệu đầu vào thành véc-tơ nhiều số, đầu ra sẽ là những giai điệu dài hơn. Từ đó, nhạc sĩ rút ngắn công đoạn làm giai điệu, dành nhiều thời gian hơn để trau chuốt cho những khâu còn lại như hòa âm, phối khí, viết lời.

AI góp sức hoàn thiện bản giao hưởng mà nhà soạn nhạc Beethoven bỏ dở từ cả trăm năm trước

Đan Trường là ca sĩ Việt tiên phong làm video âm nhạc (MV) bằng trí tuệ nhân tạo. Quá trình thực hiện MV kéo dài hơn hai tháng, ê-kíp sử dụng các công cụ AI tiên tiến tạo ra hơn 600 hình ảnh, sử dụng từ 4 đến 16 tấm hình để tạo ra một đoạn video 4 giây. Thách thức lớn nhất là tạo hình nhân vật giống ca sĩ và xử lý chuyển động tự nhiên. Tuy nhiên, các cảnh quay và nhân vật bị chê không thật, thiếu cảm xúc.

Tiếng nói phản đối AI

Đầu năm 2024, một nhóm gồm hơn 200 nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng (Billie Eilish, Nicki Minaj, Katy Perry, Smokey Robinson,…) ký tên trong một bức thư kêu gọi chống lại việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm mục đích bắt chước hình dáng, giọng nói và âm nhạc của các nghệ sĩ. Bức thư yêu cầu các công ty công nghệ cam kết không phát triển các công cụ AI làm suy yếu hoặc thay thế các nhạc sĩ và nghệ sĩ. Một số cuộc đình công trong ngành giải trí thế giới vào năm 2023 cũng liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

“Khó nhất là dùng AI tạo chuyển động. Các công cụ AI hiện tại chỉ hỗ trợ làm các đoạn video dài 4 giây trong mỗi lần tạo, điều này khiến việc kiểm soát chuyển động trở nên rất khó khăn. Tạo hình tĩnh rất đẹp nhưng khi chuyển động lại không đạt yêu cầu. Dĩ nhiên hình ảnh AI không sống động, không đẹp như bên ngoài, nhưng MV AI này dựa vào công nghệ mới nhất. Đan Trường là người tiên phong áp dụng AI cho MV dân ca”, quản lý nam ca sĩ nói.

Bên cạnh sự bất cập về tạo hình, truyền đạt cảm xúc - yếu tố không thể thiếu của sản phẩm âm nhạc- việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tác cũng gây tranh cãi về bản quyền, vấn đề đạo nhái và phái sinh.

AI chỉ nên là trợ thủ?

Sản phẩm âm nhạc có thuyết phục được công chúng bằng giá trị nghệ thuật và cảm xúc kết nối hay không phụ thuộc vào cách nhà sản xuất, nghệ sĩ “phối hợp” với AI. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Chủ tịch Hội âm nhạc Hà Nội) cho rằng, chỉ nên dừng lại ở việc sử dụng AI hỗ trợ các nội dung mang tính cơ học, như tạo màu sắc, góc quay, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng … Không nên để AI can thiệp vào hình ảnh thật của nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Tiến Mạnh cho rằng, AI nên dừng ở vai trò của công cụ, không thay thế được trí tuệ và cảm xúc của con người.

“AI được đào tạo, lập trình dựa trên các thuật toán, vì vậy có thể tạo ra bản nhạc không lời hoặc ca khúc rất rõ ràng về hình thức, cấu trúc, cân đối hòa thanh. Điều này phụ thuộc nhiều vào các thông tin do người điều hành AI cho dữ liệu. Đây cũng là thách thức cho người sáng tạo nghệ thuật. Nếu lạm dụng AI, các sản phẩm nghệ thuật đơn thuần ra đời từ công nghệ khó kết nối công chúng và chỉ gây tò mò ở giai đoạn đầu”, nhạc sĩ Tiến Mạnh nói.

Chuyên gia nhận định, vấn đề bản quyền cho sản phẩm trí tuệ nhân tạo cũng gây ra nhiều tranh luận: bản quyền do ai sở hữu, tham dự các giải thưởng âm nhạc ra sao, tranh chấp giữa người thực và người máy cũng là điều nên lường trước. Nhạc sĩ Tiến Mạnh cho rằng, AI nên dừng ở vai trò của công cụ, không thay thế được trí tuệ và cảm xúc của con người.

“Hiện nay, các điều luật về bản quyền chưa bắt kịp với sự phát triển của AI. Các tổ chức và nhà làm luật cần sớm đưa ra các quy định mới để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của AI trong lĩnh vực này”. nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu

Nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu (Khoa Nghệ thuật, trường Đại học Văn Hiến) bày tỏ, AI có thể sáng tác các bản nhạc hoàn chỉnh với sự can thiệp tối thiểu của con người. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, AI còn tham gia các buổi diễn trực tiếp, tương tác với khán giả. “Hiện nay, các điều luật về bản quyền chưa bắt kịp với sự phát triển của AI. Các tổ chức và nhà làm luật cần sớm đưa ra các quy định mới để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ sĩ và nhà sản xuất âm nhạc, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của AI trong lĩnh vực này”, nhạc sĩ Nông Xuân Hiểu nhận định.

Ngành giải trí thế giới và nỗi lo AI thay thế người sáng tạo nghệ thuật

Hình ảnh Đan Trường trong MV mới được tạo bằng AI

Khi giới thiệu mô hình sáng tác âm nhạc bằng AI, kỹ sư Nguyễn Hoàng Bảo Đại nói rằng: Bản chất của mô hình giúp người sáng tác tiết kiệm được thời gian làm nhạc, không phải công cụ toàn năng thay thế công việc của nhạc sĩ. Sản phẩm âm nhạc luôn phải mang phong cách, cảm xúc và dấu ấn cá nhân.