Nguy cơ biển có nhiều nhựa, túi nilon hơn cá

TPO - Đây là lo ngại được bà Adriana Dinu, Giám đốc Tài chính Môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nêu ra tại Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sáng nay.

Sáng nay, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF6) đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Chương trình “Chung tay bảo vệ đại dương”, hưởng ứng một trong những chủ đề của Kỳ họp lần này là khắc phục các mối đe dọa môi trường do ô nhiễm rác thải nhựa trên biển.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, Đà Nẵng được biết đến với  danh hiệu “Thành phố đáng sống nhất Việt Nam”, “Một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới năm 2015”. Tuy nhiên, vẻ đẹp ấy đang bị đe dọa bởi sự gia tăng của các loại rác, đặc biệt là rác thải nhựa trên biển. Rác thải nhựa trên biển đã và đang trở thành hiểm họa đối với môi trường biển quốc tế nói chung và môi trường biển Việt Nam nói riêng.

Trước đó, trong ngày môi trường thế giới (5/6) năm nay, GS Đặng Kim Chi, chuyên gia hàng đầu về chất thải rắn chia sẻ, trong các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, Việt Nam đứng thứ 4 sau Trung Quốc, Indonensia, Philippines. Đây là một thách thức lớn cho môi trường vì nhựa có tính bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy. Do bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, của tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào, sau đó theo chuỗi thức ăn đi vào cơ thể con người.

Theo bà Maimunah Mohd Sharif, Giám đốc điều hành UN Habitat, những năm gần đây, chúng ta phải chứng kiến thực trạng ô nhiễm đại dương với tốc độ tăng nhanh chưa từng thấy, nguyên nhân chính do rác thải công nghiệp, nông nghiệp, hoặc chất thải sinh hoạt. Hàng năm có 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương, trong khi đó, khoảng 3 tỷ người có nguồn sinh kế phụ thuộc vào biển.

Theo bà Adriana Dinu, Giám đốc Tài chính Môi trường toàn cầu Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), “Nếu xu hướng này tiếp tục, đến năm 2050 đại dương của chúng ta có nhiều nhựa và nilon hơn cá. Thông điệp đơn giản: Loại bỏ nhựa dùng một lần. Từ chối những thứ không thể tái sử dụng.

Bà Adriana DinuUNDP cho biết thêm, đã phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và người dân Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng xanh, lối sống bền vững và thói quen mua sắm bền vững hơn. Một ví dụ về sáng kiến thay đổi hành vi, UNDP và các cơ quan khác của Liên hợp quốc đã tổ chức cuộc thử thách 7 ngày để khuyến khích ăn, ở và đi lại thông minh và bền vững. Tại văn phòng làm việc không sử dụng chai nước nhựa trong các cuộc họp.

Bà Adriana Dinu cho rằng, cần có cam kết và hành động. Hãy cùng thu nhặt rác và thải rác đúng chỗ và ngừng việc vứt rác bừa bãi ra khu công cộng. Hãy cùng nhau sử dụng các sản phẩm địa phương thân thiện môi trường, và giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân kêu gọi các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước tích cực phối hợp, tham gia với ngành tài nguyên và môi trường trong việc thực hiện thường xuyên, có hiệu quả các chiến dịch làm sạch bãi biển nhằm gìn giữ môi trường biển cho chính chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.