Ngoảnh mặt lại thấy hai cụ bà trên dưới 70 tuổi đang nắm tay nhau thật chặt và ánh mắt dường như rất hồi hộp, chờ đợi vào một cái gật đầu...
Khi nắm những bàn tay nhăn nheo đó để chỉ dẫn từng bước trò kéo máy, khi thấy những nụ cười móm mém trước màn hình rực rỡ màu sắc và vô hồn, tôi biết mình không thể bước đi ngay!
Những niềm vui đơn sơ
"Trúng nữa rồi, vui quá bà ạ! Trò này đâu có khó con nhỉ...!" - bác H. sau khi kéo máy thành công, được tặng thêm 50 điểm đã rất hồ hởi, quay qua hết khoe với người bạn thân của mình lại cười tít mắt khi nhìn chúng tôi. Chỉ trong hai giờ, hai bác đã "nộp" cho máy kéo tiền không dưới 500 USD.
Thế nhưng khi ra quán nước cùng chúng tôi, hai bác lại cho biết không thấy tiếc chút nào cả. "Thôi kệ, cả tháng mới được tới đây chơi một lần. Với lại không chơi thì cũng đâu biết dùng tiền vào việc gì, cháu ơi...!" - bác H. nheo mắt giải thích. "Quí hóa quá, hôm nay được gặp hai cô chú người Việt ở đây chịu khó làm thông dịch giùm. Bình thường chỉ dám đứng coi ké hoặc chơi mấy cái máy kéo theo kiểu bấm đơn giản thôi, cô chú ạ. Không biết tiếng Anh, bấm bậy bạ chẳng khéo máy hư lại không có tiền để đền..." - bác T. (bạn đi cùng của bác H.) than vãn thật lòng.
Bác H. cho biết có người con gái đang sống tại Las Vegas nên lâu lâu lại rủ vài người bạn già đón xe đò Hoàng từ khu Phước Lộc Thọ (California), nơi cư ngụ chính của mình, về đây giải trí dẫu phải mất 7-8 giờ đi xe - điều không mấy dễ chịu, nhất là với người già. "Tới đây thì sáng đứa con gái "rốp" (drop, bỏ) tụi tui xuống, tối sau khi làm việc xong nó vô đây đón tụi tui về...!" - bác H. kể. Hết câu chuyện về những thứ hay lạ của Las Vegas cho người mới đến thăm lần đầu, hai bác lại hồ hởi khoe về những đứa con, cháu trong gia đình mình. Trong ánh mắt đã dần trở nên đục ngầu theo thời gian, tôi vẫn đọc được một niềm hạnh phúc, tự hào khôn nguôi...
Phận già cuối chiều
"Hai bác thế thì sướng rồi, giờ chỉ còn vui chơi an hưởng tuổi già thôi..." - câu nói đùa cùng nụ cười của tôi bỗng trở nên vô duyên khi gương mặt đang hân hoan của hai bác phút chốc bỗng như xìu xuống lại, mang nặng nỗi u hoài. Không nén được tiếng thở dài, bác H. chợt bật ra câu nói dường như từ vô thức: "Đời chẳng còn mấy ngày vui!". Cứ ngỡ hai bác nói tới việc mình sắp phải gần đất xa trời, rồi phải chia tay con cháu. Nhưng không phải!
Gia đình hai bác tại California có thể được coi là khá sung túc, thành đạt. Con cái phần lớn đều là kỹ sư, dược sĩ... nên tiền bạc có thể coi là rủng rỉnh. Đó là chưa kể tới khoản trợ cấp hằng tháng của chính phủ dành cho người già (khoảng 700 USD/tháng), nên có thể nói hai bác không hề thiếu thốn về mặt vật chất.
Nhưng "buồn lắm chú ơi!" - bác H. mếu máo. "Hồi đó lúc mới qua đây, cái gì tui cũng xa lạ, bỡ ngỡ nên tụi nó đi làm, đi học về là liền quây quần, xúm lại trò chuyện với mẹ. Chúng sợ tui buồn vì không có người thủ thỉ, ông già thì qua đời từ lúc còn ở VN rồi!" - bác H. nhớ lại. Bác có hai người con, đều là trai nên hồi nhỏ hai anh rất quí nhau và luôn quấn quít bên mẹ.
Những ngày đầu qua đây dẫu ai cũng rất bận rộn và vất vả nhưng những buổi cơm tối dường như không thể nào vui và ấm cúng hơn, mẹ con cứ thay phiên kể về những điều đã gặp trong ngày. Bác còn được lên chức làm "chuyên gia tư vấn" chuyện tình cảm cho hai "cậu nhóc" nữa! Dẫu buổi sáng con bận đi học, đi làm, còn bác cũng chẳng phải rảnh rỗi khi phải đi rửa chén bảy giờ mỗi ngày tại một nhà hàng Việt, còn về nhà là phải lao đầu vào một núi công việc không tên như lau nhà, giặt đồ, cắt cỏ, nấu ăn... nhưng bác chưa từng buồn hay than thở...
Thế nhưng bây giờ khi đã rảnh rỗi và tiền bạc thoải mái, bác lại cho biết nhiều khi mình cười không nổi. "Tụi nó lập gia đình, hết công việc ở cơ quan rồi gia đình, làm gì còn chuyện ngồi thủ thỉ, tâm sự như ngày xưa nữa" - bác mếu máo. Có mấy đứa cháu nhỏ dại tưởng có thể tâm sự, ôm ấp, chuyện trò nhưng chúng cũng nhanh chóng được gửi tới nhà trẻ do "ba mẹ nó sợ tụi tui không biết cách nuôi!". "Còn khi tụi nhóc lớn lên thì về nhà lại nói toàn tiếng Tây, tụi tui chẳng biết phải mở đầu, kết thúc câu chuyện như thế nào... Thôi thì có nhớ cũng chỉ dám vuốt mặt vuốt tóc mà thôi!" - bác T. rơm rớm.
Và tất nhiên những người bạn thân thiết bây giờ của các bác chỉ có thể là điện thoại, tivi hay đơn giản chỉ là bốn bức tường... "Hai tụi tui quen nhau nhờ một lần đi chùa, chứ trước đây cũng đâu có biết gì về nhau. Người già cô độc mà, dễ kết thân với nhau lắm. Giờ nhiều khi chúng tôi thân với nhau còn hơn cả người trong gia đình nữa đấy" - thấy bác H. cười mà giọng lại nghẹn ngào.
Trời sập tối, nhưng con gái của bác H. vẫn chưa tới đón. Chúng tôi đành xin phép về trước. Tuy vậy tôi vẫn không quên hỏi số điện thoại của chị gái để có thể liên lạc giúp hai bác. Lần tay chậm chạp vào chiếc túi to đùng, được ôm cẩn thận trong lòng, bác H. lôi ra chiếc điện thoại loại cổ, lớn và xù xì. Trên chiếc điện thoại có dán dòng chữ: "Tôi đi lạc, vui lòng giúp đỡ chở về địa chỉ sau: X...". "Sấp nhỏ sợ tụi tui đi lạc đó mà!" - bác nheo nheo mắt giải thích.
Điện thoại hiện bốn cú gọi nhỡ...! Có lẽ vì được cất kỹ quá và cũng có thể do chứng lãng tai của người già mà hai bác không nghe thấy. Giọng nữ đầu bên kia gắt gỏng ngay khi nghe tôi trả lời giúp: "Cậu là ai vậy? Kêu hai bà đợi khoảng 9g tui sẽ tới đón. Hồi nãy giờ hai bà làm cái gì mà không bắt máy, giờ tui về tới nhà rồi lại phải vòng lên nữa. Đúng là người già lẩm cẩm!".
Tôi cúp máy và vội chào hai bác bước đi ngay, bỏ lại sau lưng hình ảnh hai người phụ nữ đang ngồi co ro dù đã vận những áo khoác to đùng. Ngoài trời đã bắt đầu lạnh, nhưng tôi biết cái lạnh này chắc sẽ không thể bằng cái lạnh sâu thẳm bên trong...
Theo Công Nhật
Tuổi trẻ