Người vi phạm 'lót tay' cho CSGT có phạm tội đưa hối lộ?

TPO - Theo luật sư, trong trường hợp người vi phạm đưa cho CSGT làm nhiệm vụ số tiền có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên để bỏ qua vi phạm thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội Đưa hối lộ.  
Ảnh cắt từ video.

Những ngày vừa qua, thông tin báo Tiền Phong phản ánh việc CSGT nghi “làm luật” với người vi phạm tại một số tuyến đường gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến băn khoăn, người vi phạm đưa tiền liệu có bị xử lý.

Trao đổi với báo chí, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Cty Luật ICC cho hay, theo Khoản 1 Điều 364 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rất rõ về tội Đưa hối lộ.

“Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; b) Lợi ích phi vật chất”.

Như vậy, theo luật sư Tùng nếu người vi phạm đưa cho CSGT số tiền có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên để bỏ qua vi phạm thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội này.

Tuy nhiên, để cấu thành tội phạm của tội Đưa hối lộ tại Điều luật nêu trên không đặt ra vấn đề ý chí chủ quan của người vi phạm đưa tiền hoặc tài sản là tự nguyện hay do bị ép buộc. Có thể thấy rằng, ý chí chủ quan của người vi phạm thường là tự nguyện đưa tiền và tài sản nhằm mục đích để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Cụ thể trong trường hợp vi phạm giao thông là để CSGT bỏ qua, không xử lý hành vi vi phạm hoặc xử phạt nhẹ hơn.

“Trường hợp, người vi phạm không có ý định đưa tiền và tài sản để được bỏ qua nhưng bị ép buộc, đe dọa, cưỡng bức phải đưa tiền hoặc tài sản thì đây lại là câu chuyện khác” – luật sư Tùng nói.

Ngoài ra, cũng theo luật sư Tùng, người vi phạm đưa số tiền dưới 2 triệu đồng có thể bị phạt từ 2-5 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với hành vi “Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính”.