Buồn thì không “điểm nhãn”
Nằm sâu trong một con hẻm ở TP Quy Nhơn (Bình Định), trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp ông Trần Ngọc Vân vẫn dành một góc riêng để treo, trưng bày những sản phẩm mỹ thuật độc đáo do mình tạo ra. Ấn tượng nhất là những mặt nạ chân dung hát bội được ông khắc họa trên chất liệu nhựa composite. Ông hiện là người duy nhất ở Bình Định theo đuổi loại hình với chất liệu này.
Ông Vân kể, lúc nhỏ ông thường theo cha tới các rạp xem hát bội, rồi dần dần say mê môn nghệ thuật này lúc nào không biết. Hơn 20 năm gắn bó với công việc văn hóa, du lịch, rồi trong quá trình đi quay phim, chụp ảnh, ông có cơ hội tiếp xúc hát bội nhiều hơn. “Nhiều lần chứng kiến mỗi lần lên sân khấu, những nghệ nhân hát bội phải vẽ lên mặt những mặt nạ theo từng vai diễn. Những mặt nạ vẽ trên mặt rất đẹp, rất công phu và tốn nhiều thời gian, nhưng khi bức màn sân khấu khép lại thì những gương mặt đó cũng biến mất. Đây là điều khiến tôi tiếc nuối nhất”, ông Vân tâm tư. Với ông, đó cũng là những nét tài hoa của nghệ sĩ cần được lưu giữ. Từ đó, ông bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu để làm những sản phẩm lưu niệm mặt nạ chân dung hát bội.
Ông Vân chia sẻ ban đầu ông phải tốn rất nhiều thời gian đến từng sân khấu, từng bảo tàng để cẩn thận chụp lại từng đường nét nhân vật rồi sau đó về phác họa lại, làm khuôn, tạo hình cho những chiếc mặt nạ thô. Thời gian đầu, ông gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nếu làm không đúng hình tượng, hoặc chỉ chệch vài đường nét sẽ không tạo hình được, ảnh hưởng rất lớn tới giá trị thẩm mỹ của chiếc mặt nạ. Chất liệu hiện tại ông chọn là nhựa composite, vì theo ông, chất liệu này vừa có độ bền cao theo thời gian, vừa chống mốc, mối, mọt, nước. Một số người làm với chất liệu khác nhưng không hiệu quả bằng.
Vừa ngồi vào bàn để kỳ, cọ những tác phẩm mới, ông Vân say sưa nói: “Lúc mới bắt tay vào làm, sản phẩm hư hỏng rất nhiều nhưng hên một cái là tận dụng lại được. Sau mỗi lần như vậy, tôi cẩn thận ghi lại vào sổ những chỗ đã làm sai để đối chiếu cho những sản phẩm tiếp theo. Rồi nghề dạy nghề cộng với đam mê nên dần dần tôi đã làm được những sản phẩm đẹp mắt”.
Chưa từng trải qua một lớp đào tạo nào về hội họa, nhưng những khuôn mặt nhân vật hát bội ông Vân vẽ rất sống động và mang tính thẩm mỹ cao. Tùy vào nét tính cách của từng nhân vật trong vai diễn mà ông lựa chọn các màu sắc khác nhau để thể hiện, trong đó, chủ đạo là 4 gam màu trắng, đen, đỏ và xanh. Với ông, công đoạn khó nhất là vẽ cặp mắt của nhân vật.
“Đôi mắt là cái hồn tác phẩm, nhiều lúc tâm trạng buồn thì tôi không chấm vào đó làm gì. Vì nếu chấm vào thì đôi mắt nhân vật cũng buồn theo. Ví như lúc tô màu, nhiều lúc tô chưa đều thì có thể tô lại, còn lúc “khai quang điểm nhãn” mà sai thì tác phẩm đó coi như bỏ”, ông Vân chia sẻ.
Muốn lan tỏa nhiều hơn
Đến nay, ông Vân đã hoàn thành trên 200 mặt nạ chân dung nhân vật hát bội đặc sắc. Ông hy vọng những tác phẩm mỹ thuật độc đáo này sẽ là sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa riêng của vùng “đất võ trời văn” cho du khách mỗi dịp đến tham quan, khám phá Bình Định.
Ông Vân cho biết, một số nghệ sĩ quen biết đã đánh giá cao các mặt nạ của ông, nhất là giữ được đúng phiên bản của chính nghệ sĩ vẽ. Ngoài ra những người có nhu cầu sử dụng đã liên hệ để đặt mua về trang trí hàng quán.
Một trong những ý định nung nấu của ông là tập hợp một nhóm bạn trẻ là các em khuyết tật để dạy vẽ mặt nạ tuồng, tự tay làm ra tác phẩm. Điều này không chỉ giúp các em cảm nhận được nét đẹp loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương, mà còn tạo cho các em một công việc ổn định. Ông đang phối hợp một số trường học, cơ sở Đoàn của thành phố Quy Nhơn để lan tỏa, giới thiệu đến mọi người. Ngoài ra, ông còn triển khai mô hình trải nghiệm thực tế, với những khuôn mẫu, màu vẽ để các em nhỏ tự làm ra những khuôn mặt chân dung hát bội.
Mới đây, tại chương trình hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn, ban tổ chức dành riêng một khu vực giới thiệu mặt nạ hát bội Bình Định của ông Vân, trong đó hấp dẫn nhất là cuộc thi vẽ mặt nạ hát bội cho học sinh.