"Kẻ giết người thầm lặng"
Mới đây, trường hợp một nữ bệnh nhân 29 tuổi nhập viện tại BV Nhân dân 115 trong tình trạng hôn mê vì đái tháo đường khiến nhiều người không khỏi giật mình. Theo đó, vì thấy trong người mệt mỏi, sốt nhẹ, chị C.N.B. (29 tuổi, ở TPHCM) tự đi mua thuốc hạ sốt, uống một liều và tự mua lá cây về xông hơi nhưng tình trạng không cải thiện, nôn ói sau ăn.
Đến ngày thứ ba, chị B. vẫn mệt, ăn ít, ói sau ăn. Buổi sáng chị B. còn tỉnh táo, đến chiều thì lừ đừ, lơ mơ. Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện quận, chẩn đoán hôn mê nhiễm ceton acid - đái tháo đường mới phát hiện và chuyển viện đến Bệnh viện Nhân Dân 115.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân hôn mê do nhiễm ceton acid - đái tháo đường típ 1 (thể tối cấp) và tiến hành theo dõi nhiễm trùng đường hô hấp trên - suy thận cấp trước thận và điều nội khoa tích cực bao gồm điều chỉnh nước điện giải, insulin và kháng sinh.
Điều đáng nói ở đây, căn bệnh đái tháo đường xuất hiện ở một bệnh nhân trẻ và khởi phát tối cấp mà hoàn toàn không có các triệu chứng kinh điển “4 nhiều” (tiểu nhiều, khát nhiều, uống nhiều và sụt cân nhiều) trước đó.
Hay trước đó, tại BV Nhi đồng 2 TPHCM cũng điều trị cho không ít các trường hợp bệnh nhi bị tiểu đường mặc dù chưa đầy một tuổi.
Theo lời kể của người nhà, trước đây bé B (18 tháng tuổi) ăn, ngủ, bú bình thường, bỗng dưng có một giai đoạn bé bỗng dưng bú rất nhiều, uống nước nhiều và đi tiểu nhiều, có khi mới 30 phút là tiểu một lần, đêm phải thay tã 3-4 lần, lại cứ khóc đòi uống sữa, nước.
Người mẹ định cho con đi khám dinh dưỡng thì bé bất ngờ bị ho, sốt, ói, mệt đừ rồi mê man. Vợ chồng chị đưa con vào BV Nhi Đồng 2 cấp cứu, cứ nghĩ con bị ngất là do sốt, ói. Đến khi BS thử máu cho biết bé bị tiểu đường týp 1, biến chứng cấp tính là nhiễm toan ceton nên hôn mê khiến vợ chồng chị thật sự bàng hoàng.
Vì đâu tiểu đường “tấn công” người trẻ?
Mặc dù tỷ lệ gia tăng đái tháo đường ở Việt Nam lên đến 200%, thuộc hàng cao nhất thế giới; ước tính trên cả nước có đến 7 triệu người mắc căn bệnh này, tuy nhiên, nhiều người vẫn “dửng dưng” với căn bệnh này.
Lý giải về tình trạng người trẻ liên tục bị đái tháo đường, theo các BS, đái tháo đường typ 1 ở trẻ là bệnh có tính chất di truyền, do rối loạn tổng hợp insulin, rối loạn nơi sản xuất insulin có tính chất bẩm sinh nhiều hơn, bắt buộc phải điều trị bằng insulin thay thế.
Đái tháo đường typ 2 vốn thường gặp ở người lớn do liên quan đến yếu tố ăn uống, béo phì, tăng huyết áp, lười vận động không tiêu hao năng lượng… Tuy nhiên hiện nay, đái tháo đường typ 2 cũng gặp nhiều ở trẻ. Đa phần trẻ mắc đái tháo đường typ 2 gắn liền với chứng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng và chứng ăn uống thiếu điều độ gây nên.
Theo BS CK 2 Hồ Đắc Phương, Phó khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương (TPHCM), đái tháo đường được chia làm 4 loại:
- Tuýp 1: Thường ở trẻ em.
- Tuýp 2: Thường ở người trưởng thành.
- Đái tháo đường thai kỳ.
- Đái tháo đường thứ phát: do thuốc, do viêm tụy.
Điều trị ra sao?
ThS-BS Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng - Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết việc điều trị đái tháo đường nên phối hợp giữa 3 phương pháp là dùng thuốc, dinh dưỡng và vận động để kiểm soát đường huyết trong máu và phòng ngừa biến chứng.
Việc dùng thuốc nên theo chỉ định của bác sĩ đúng theo loại thuốc, liều lượng và thời gian quy định.
BS đang thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: Thành An
“Mục đích của dinh dưỡng trong điều trị đái tháo đường là cung cấp đủ năng lượng và các dưỡng chất thiết yếu, không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn và không gây hạ đường huyết xa bữa ăn. Việc ăn trái cây hạn chế tinh bột nhưng cần lưu ý loại trái cây sử dụng có chỉ số đường huyết cao hay thấp và lượng sử dụng trong ngày. Bên cạnh đó, cách ăn trái cây (Ăn nguyên hoặc ép lấy nước) cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết trong máu. Bên cạnh đó, việc vận động đều đặn sẽ giúp kiểm soát đường huyết trong máu. “, BS Oanh cho biết.