Đạo đức trong kinh doanh:

Người tiêu dùng vẫn mù mờ

TP - Một nhóm các nhà nghiên cứu độc lập vừa làm cuộc khảo sát về đạo đức kinh doanh qua con mắt của gần 1.000 NTD.
Người tiêu dùng hoang mang trước thông tin nhiễu loạn về nước mắm Ảnh nguồn Internet

Nghiên cứu “Quan điểm của người tiêu dùng về một số vấn đề đạo đức kinh doanh” là đề tài (và hội thảo) đầu tiên của Nhóm làm việc về đạo đức kinh doanh (EBWG). Câu chuyện thực phẩm bẩn, kinh doanh thiếu đạo đức đang nóng hơn bao giờ hết, ngoài ra 15/3 là ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam nên khách dự hội thảo đông đủ khác thường. Theo đồng điều phối dự án Lê Quang Bình, cán bộ của Bộ công thương, Phòng thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp nhà nước, chủ doanh nghiệp vừa nhỏ... cũng đến dự.

Tẩy chay thụ động

Theo kết quả nghiên cứu, có tới 81% người tiêu dùng tham gia trả lời cho biết đã từng tẩy chay sản phẩm vì lý do doanh nghiệp vi phạm đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không tẩy chay vì không có thông tin và các hành vi tẩy chay thường mang tính cá nhân chính vì vậy nó không có tác động rõ ràng và mạnh mẽ để thay đổi hành vi của doanh nghiệp. Một số chia sẻ với những người quen và khuyến khích họ ngừng mua sản phẩm của doanh nghiệp. Rất ít người  kêu gọi tẩy chay công khai vì sợ bị coi là “nói xấu”, “chặn đường sống doanh nghiệp”, quấy rối nơi công cộng.

Điều này cho thấy nhu cầu cần có các hội đoàn của NTD để có thể đại diện cho họ sử dụng các cơ chế như khiếu nại, khiếu kiện hoặc đàm phán bảo vệ quyền lợi của NTD. Giải pháp này nên được xem xét khi sửa Luật bảo vệ quyền lợi NTD trong thời gian tới.

99,7% NTD sẵn sàng chi trả ở các mức độ khác nhau cho các sản phẩm của doanh nghiệp tuân thủ đạo đức kinh doanh, bảo vệ môi trường. Thế nhưng có sự khác nhau giữa “ý định” và “thực tế/thực hành” của NTD “đứng trước kệ hàng có thể họ tiếc vài đồng rồi lại nhặt món hàng rẻ thiếu xuất xứ”. Trong phỏng vấn sâu, NTD sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm như rau sạch vì thuộc tính an toàn sức khỏe ảnh hưởng trực tiếp đến họ và do số tiền chi trả thêm không nhiều.

Nhưng, họ không sẵn sàng chi trả thêm cho các sản phẩm có thuộc tính đạo đức không ảnh hưởng trực tiếp (ví dụ: doanh nghiệp có biện pháp chống quấy rối tình dục và bình đẳng giới). NTD phản ứng sôi sục trước thông tin nước mắm hóa chất, tôm tiêm bột đá, rau quả ngậm thuốc bảo quản... nhưng khá thờ ơ với việc công nhân nữ tại khu công nghiệp phải nhịn uống nước để hạn chế đi tiểu vì sợ giảm năng xuất lao động, bị trừ lương…

Bùng nhùng với “chuẩn đạo đức”

Theo thành viên nhóm nghiên cứu Phạm Quỳnh Phương: “Việc thúc đẩy hợp tác giữa NTD, cơ quan quản lý và doanh nghiệp là cần thiết trong việc thúc đẩy thực hành đạo đức kinh doanh. Cụ thể, cộng đồng cần khẳng định đẳng cấp của người tiêu dùng có trách nhiệm”. Ở ta chỉ sau khi vụ việc vỡ lở cộng đồng mới rộ lên phán xét doanh nghiệp “bẩn”, “đầu độc đồng loại”. Các doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa bị phát hiện thậm chí còn gọi những vụ nổi cộm kia là “vật tế thần”.

Trong phần thảo luận, bà Nguyễn Thu Hà, CEO thương hiệu may mặc thời trang trẻ em cao cấp giãi bày “Tôi làm sản phẩm tốt và lành như làm quần áo cho con tôi mặc vậy, nhưng đấy là do tôi tự ý thức. Doanh nghiệp may mặc không biết dựa vào tiêu chuẩn nào để sản phẩm của họ được công nhận là “tuân thủ đạo đức”. Trong quá trình làm hồ sơ xin giấy phép tình cờ bà Thu Hà vô tình được biết Thông tư của Bộ Công thương ban hành Qui chuẩn quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may. Tra trên mạng, rất ít thông tin về hai chất cấm nói trên, hỏi chuyện các chủ sản xuất dệt may hầu như không mấy ai tỏ về thông tư này. Quần áo chúng ta mặc trên người độc hại đến đâu không ai biết.

Về bê bối Nước mắm công nghiệp, ông Lê Quang Bình bày tỏ “hầu hết các doanh nghiệp nước mắm cũng không biết về mức giới hạn của chất độc hại, họ không biết lấy thông tin ở đâu”.

Một chủ shop bán thực phẩm sạch online chia sẻ tại hội thảo, chị nhập hàng không có giấy xuất xứ hàng hóa mà bằng niềm tin với chủ trang trại. “Tôi từng đưa cho khách xem giấy chứng nhận hàng sạch, khách họ bảo giấy này làm giả được. Thế nên bây giờ người sản xuất- tôi-khách kết nối bằng niềm tin mà thôi”.

51 Hiệp hội bảo vệ đều tê liệt

Khán phòng khá ngỡ ngàng trước thông tin từ một chuyên gia nghiên cứu của Bộ Công Thương: Tại 51 tỉnh thành đều có Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng nhưng không tác động gì đến tình hình vì không có khung pháp lý. Hầu như cộng đồng không biết đến sự tồn tại của Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (23 Ngô Quyền, Hà Nội). “Nước ta có 60 triệu NTD nhưng không hề có tính chiến đấu tự bảo vệ, mà chỉ phản ứng tự phát. Dậy sóng lên rồi bỏ đó”.

Chuyên gia nghiên cứu Xã hội Công dân Đặng Ngọc Quang lại cho rằng Hội bảo vệ người tiêu dùng là công cụ bảo vệ doanh nghiệp nhà nước. Sản phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ bị loại để doanh nghiệp lớn độc quyền một mình một sân. Trong môi trường bị phân biệt, o bế, đối xử thiếu công bằng, để tồn tại doanh nghiệp yếm thế buộc phải “chơi bẩn” như trốn thuế, giảm chất lượng. “Khi tự do công dân nhiều hơn, vấn đề đạo đức doanh nghiệp sẽ được giải quyết mạnh mẽ hơn. Nhà nước- Doanh nghiệp- Xã hội công dân có mối liên quan chặt chẽ”.

Đánh giá kết quả nghiên cứu của hội thảo, ông Quang cho rằng Nhóm nghiên cứu “để xổng” mảng hành vi của người mua hàng qua mạng xã hội, vốn đang đè bẹp khách hàng truyền thống. Quyền lực đáng phải có của NTD cũng chưa được nhìn nhận chính xác.

Nhóm làm việc về đạo đức kinh doanh (EBWG) là nhóm tự nguyện có thành viên là các tổ chức phi chính phủ (bao gồm ECUE, CDI Vietnam, CGFED), các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy thực hành đạo đức kinh doanh ở Việt Nam. Đại diện nhóm cho hay đề tài khảo sát kế tiếp sẽ là Quan điểm của doanh nhân về đạo đức kinh doanh.