Người thừa kế Samsung bị bắt nhưng chưa cùng đường

TP - Việc người thừa kế Samsung vừa bị bắt được coi là cú đánh mạnh vào tập đoàn lớn nhất nhì Hàn Quốc sau vụ thiệt hại nặng nề do phải thu hồi dòng điện thoại chủ lực Galaxy Note 7. Tuy nhiên, sự nghiệp của con trai người giàu nhất xứ kim chi có thể vẫn chưa kết thúc.
Ông Lee Jae-yong. Ảnh: Korean Times

Ông Lee Jae-yong (thường được gọi là Lee Jay Y) là người thừa kế của gia đình kinh doanh quyền lực nhất xứ sở kim chi. Thông qua mạng lưới sở hữu chéo cổ phần, gia đình ông đang kiểm soát Samsung với doanh thu hơn 230 tỷ USD và phạm vi hoạt động rộng khắp, từ điện tử đến dịch vụ tài chính, khách sạn, dược sinh học, thời trang… Nhưng quá trình chuyển giao quyền lực vừa bị gián đoạn. Ông Lee bị bắt hôm qua, khi đang bị công tố viên đặc biệt điều tra như một nghi phạm trong vụ bê bối chính trị dẫn đến việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất.

Những năm qua, nhà điều hành 48 tuổi đã chuẩn bị cho thời điểm tiếp quản Samsung từ cha mình, tức Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Vị chủ tịch 75 tuổi giàu nhất Hàn Quốc là người đã đưa Samsung từ hãng sản xuất thiết bị bắt chước trở thành tập đoàn điện tử toàn cầu. Năm 2014, ông bị đau tim và từ đó không tham gia điều hành các hoạt động hằng ngày của tập đoàn. Cho đến gần đây, con trai ông, Lee Jay Y., dường như trở thành người chắc chắn được kế thừa cha để trở thành chủ tịch. Từ khi làm việc cho Samsung Electrics thuộc tập đoàn, ông Jay Y đã trải qua nhiều vị trí trước khi trở thành phó chủ tịch như hiện nay. Từ khi ông tham gia ban điều hành 9 người phụ trách mảng điện thoại thông minh và thiết bị điện tử tiêu dùng vào tháng 10 năm ngoái, ông Lee theo đuổi một kế hoạch đầy tham vọng nhằm đưa tập đoàn tiến vào những lĩnh vực mới như phần mềm, công nghệ sinh học… “Bố ông ấy là trái tim trong quá trình xây dựng một cỗ máy công nghiệp đáng kinh ngạc. Trọng tâm của Jay Y là hiện đại hóa cấu trúc và văn hóa của tập đoàn trong khi vẫn bảo vệ di sản cốt lõi. Dù điều đó không dễ dàng với bất kỳ ai, nhưng chắc chắn ông ấy đã đặt cây cầu nối hai thế giới”, ông Shaun Cochran, giám đốc toàn cầu của hãng môi giới CLSA trụ sở tại Hong Kong, nhận xét.

Trước khi vấp phải những vấn đề pháp lý gần đây, Jay Y thúc đẩy nhiều thay đổi trong Samsung Electronics. Ba năm qua, Samsung thâu tóm hàng chục công ty quốc tế như LoopPay, Viv Labs và Harman International Industries nhằm tìm kiếm nguồn lực mới cho phát triển. Ông cũng là nhân vật chủ chốt trong quá trình điều hành Samsung Electronics cạnh tranh với đối thủ Apple. Gần đây, danh tiếng của ông Jay Y bị tổn hại sau vụ Galaxy Note 7 bị rút khỏi thị trường sau các sự cố cháy nổ, gây thiệt hại cho công ty hơn 6 tỷ USD. Jay Y cũng đối mặt mối đe dọa từ việc quỹ đầu tư Elliott Management (Mỹ) thúc giục Samsung đơn giản hóa cấu trúc sở hữu. Nhưng những thách thức đó không là gì so với vụ bê bối pháp lý hiện nay. Tháng 12 năm ngoái, Jay Y là một trong 9 lãnh đạo tập đoàn bị các nghị sĩ chất vấn công khai về vai trò trong vụ bê bối của bà Park. Các công tố viên nhằm vào ông Jay Y vì hàng chục triệu đô la Mỹ đã được Samsung chuyển cho người thân tín của bà Park. Ông Jay Y bị cáo buộc đưa hối lộ để quỹ lương hưu quốc gia của Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch sáp nhập hai công ty của Samsung nhằm giúp ông triển khai kế hoạch tiếp quản.

Nếu ông bị tống giam, “có khả năng xảy ra sự trì hoãn chuyển giao lãnh đạo đáng kể và đánh một đòn mạnh vào tính chính danh của ông ấy trong việc trở thành lãnh đạo tiếp theo của Samsung”, giáo sư Kim Sang-jo (ĐH Hansung) nhận định.

Tình thế kịch tính hiện nay còn gợi lại những rắc rối mà cha ông, tức Chủ tịch Lee, gặp phải với các công tố viên Hàn Quốc. Suốt nhiều năm, vị lãnh đạo của tập đoàn này bị cáo buộc trốn thuế, hối lộ một cựu tổng thống Hàn Quốc và chịu trách nhiệm về thiệt hại của các công ty con của Samsung. Tương lai của ông Jay Y nay trở nên không chắc chắn. Nếu ông bị kết tội và ngồi tù, Samsung sẽ phải cân nhắc một lãnh đạo thay thế đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Ông có thể bị thay thế, ít nhất là tạm thời, bằng một người thân tín, một ban giám đốc điều hành hoặc có thể là chị gái của ông. Tuy nhiên, lãnh đạo các chaebol ở Hàn Quốc thường sớm trở lại sau những cú vấp với pháp luật. Nếu bị tòa kết tội, ông Jay Y vẫn có cơ hội trở lại tập đoàn, thậm chí điều hành sau song sắt, giống như lãnh đạo Hyundai Motor hay tập đoàn SK. Chính bố của ông cũng đã hai lần thoát khỏi vòng lao lý nhờ được chính phủ ân xá.

Theo Theo Bloomberg