Người thép và những cú đẩy cuộc đời

TP - Với kỷ lục 4 lần tham dự Paralympics (Olympic dành cho người khuyết tật), vận động viên đẩy tạ Châu Hoàng Tuyết Loan của Việt Nam là một trong số những con người mà sự đam mê và công phu trong tập luyện đã trở thành huyền thoại. Với một vận động viên bình thường, việc tham gia đấu trường thế giới về cử tạ đã là rất khó khăn, nói gì một vận động viên khuyết tật nằm ngoài biên chế của ngành thể thao như Tuyết Loan.
Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Thể thao thay đổi cuộc đời

Châu Hoàng Tuyết Loan sinh ra như mọi cô bé bình thường, kháu khỉnh và hoạt bát. Ở thời điểm 6 tháng tuổi, cô bé đã bị một cơn sốt khiến cô bị bại liệt và từ đó cuộc đời hoàn toàn rẽ sang một ngả khác.

Đôi khi, cô ước ao cơn sốt ác tính đó đã không xảy ra với mình. Nhưng rồi, mọi sự buồn chán, so sánh và mơ ước phải nhường chỗ cho thực tế. “Em mơ ước một cuộc sống như những người bình thường – cô tâm sự - Thấy người bình thường chơi tạ, em cũng theo chơi. Em không nghĩ mình sẽ thành vận động viên, mà chỉ thích được tham gia những môn thể thao như mọi người. Ai cũng nhìn em với đôi mắt rất là ngạc nhiên và tò mò, bởi vì giữa những người hoàn toàn bình thường chơi tạ lại lọt vào cô bé đi xe lăn. Em mê mà lăn xả vào chơi thôi”.

Mảnh đất Khánh Hòa nắng gió con người mạnh mẽ và cởi mở, mấy vận động viên khuyết tật của tỉnh mời Loan “tham gia tập với mọi người cho vui”. Cô kể: “Em tham gia đội cử tạ khuyết tật Khánh Hòa chừng hai tháng thôi, rồi được đem đi thi đấu giải ở Huế. Em đi mà chẳng bao giờ nghĩ mình được giải và em cũng chẳng có tí kinh nghiệm gì về thi đấu đỉnh cao. Nhưng thật là may mắn, ngay trong giải đầu tiên đó em đã đoạt huy chương vàng và thiết lập kỷ lục quốc gia! Kể từ đó, mọi người bắt đầu chú ý và mời em tham gia vào các cuộc thi đấu trong nước lẫn quốc tế”.

Loan thổ lộ rằng nếu không chơi thể thao, có lẽ cô sẽ cùng mẹ bán quán cà phê ở nhà và cuộc đời của cô bình lặng theo thời gian trôi đi. Những quãng nghỉ không thi đấu, cô về phụ mẹ bán cà phê. “Em nhớ cử tạ khủng khiếp. Em chỉ mong được gọi đi thi đấu”. Cô chợt nhận ra cuộc đời mình gắn với cử tạ, ở tuổi 43 và chưa có gia đình riêng, trải qua mọi đấu trường cử tạ danh giá nhất, cô vẫn chưa bao giờ nghĩ tới việc giải nghệ: “Em vẫn đặt cho mình những mục tiêu mới và những kỷ lục mới”.

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Luyện tập lặng lẽ

Những người bình thường tìm được cho mình sân chơi thể thao còn khó, nói gì những người khuyết tật. Thời điểm Tuyết Loan bắt đầu chơi thể thao, thậm chí những phòng tập dành cho người khuyết tật còn là một ước mơ xa vời. Cô phải xin tập vào buổi trưa, lúc mọi người ngủ nghỉ, để sau đó trả lại phòng tập cho người bình thường tập luyện.

Song, ám ảnh lớn nhất không phải là việc chầu chực chờ được vào tập mà việc đi lại trên xe lăn để đi tìm, đi xin vào các phòng tập. Những con đường gập ghềnh, những phòng tập không lối đi cho xe lăn… rất ít con đường và nhà thi đấu thiết kế cho người khuyết tật. Nếu không có một nghị lực và một đam mê, có lẽ cô đã từ bỏ việc tập luyện của mình. “Gia đình em với 5 anh em đều ủng hộ và động viên em đi tìm chỗ nào đó để mà tập cử tạ. Chính điều đó giúp em thêm nghị lực đi qua những quãng đường xa, những ngày mưa, ngày nắng để tập luyện”.

Tôi còn nhớ một lần đến thăm đội tuyển cử tạ khuyết tật Việt Nam tập luyện tại Nhà thi đấu Tân Bình (TPHCM), đội cử tạ gồm cả nam lẫn nữ, tập ngoài hành lang nhà thi đấu. Họ tập đến lúc trời tối mịt. Huấn luyện viên của đội nói: “Chúng tôi có phòng tập riêng, nhưng các em thích tập ngoài này cho thoáng mát”. Huấn luyện viên cũng bảo: “Cử tạ được sự thăm hỏi, động viên nhiều hơn từ những người đi bộ, đi tập thể dục trong nhà thi đấu”.

Các giải thi đấu cử tạ rất ít người xem, kể cả giải dành cho vận động viên bình thường, nói gì giải của người khuyết tật. Các vận động viên thường luyện tập và thi đấu trong sự vắng vẻ nao lòng. Tuyết Loan nói với tôi: “Chúng em cứ âm thầm tập luyện như thế này quanh năm, rồi đi thi đấu giải. Những lúc giải lao vui vẻ nhất là cả đội đánh xe lăn đi tìm một quán cà phê nói chuyện với nhau. Nhưng thường thì tập về mệt rồi, nghỉ ngơi, dành sức ngày mai tập tiếp. Cả đời bạn bè với quả tạ thôi nhà báo ạ”.

VĐV Tuyết Loan Việt Nam đang là nhà vô địch cử tạ của Đông Nam Á suốt hai thập kỷ qua.

Chiến đấu với ung thư

Một ngày, Tuyết Loan cảm thấy mỏi mệt bất thường, có đi xét nghiệm và phát hiện mình bị ung thư. Có lẽ, với một vận động viên chuyên nghiệp, thậm chí một người bình thường, đó sẽ là cú sốc đánh gục ý chí cũng như sự lạc quan. Với Tuyết Loan thì khác, cô đã quá quen với việc phải vượt qua những khó khăn không tưởng để tập luyện và thi đấu. Hàng ngày, cô nằm trên giường bệnh với ý chí làm sao chiến thắng căn bệnh chết người này?

Với “đối thủ” là căn bệnh ung thư, Tuyết Loan không còn cách nào khác là phải giành lấy chiến thắng: “Khi biết tin bị ung thư, em chẳng bi quan tí nào cả. Em chỉ nghĩ mình làm sao vượt qua được bệnh tật để mà tiếp tục thi đấu đây? Các bác sĩ, các bạn bè, huấn luyện viên của Khánh Hòa và của đội tuyển đều động viên em hãy cố gắng vượt qua và em đã làm được” – cô nhớ lại.

Câu chuyện một nữ vận động viên khuyết tật Việt Nam từng dự Paralympic năm 2004, 2008, năm 2010 bị ung thư, nhưng năm 2012 lại tiếp tục dự Paralympic đã được đài truyền hình Anh làm riêng phóng sự. Câu chuyện của cô được giới thể thao khuyết tật toàn thế giới biết đến. Châu Hoàng Tuyết Loan kể: “Dự kỳ Paralympic năm 2012 là kỷ niệm đáng nhớ nhất của em. Thoát khỏi cái chết và đương đầu với những vận động viên giỏi nhất thế giới trong sự cổ vũ của tất cả mọi người đó là niềm hạnh phúc của Loan”. Tại thời điểm năm 2012 mức tạ mà Tuyết Loan sở hữu thậm chí còn nằm ở vị trí thứ ba thế giới trên bảng xếp hạng Ủy ban Paralympic quốc tế công bố. Tuy nhiên, quá trình điều trị ung thư đã lấy đi nhiều sức lực và phong độ nên tại  Paralympic năm 2012 cô chỉ xếp hạng 5 thế giới.

Tất cả mọi người ít ai nghĩ rằng Paralympic năm 2016 Tuyết Loan của Việt Nam lại tiếp tục xuất hiện tranh tài với các đô cử toàn thế giới, song cô đã lập một kỷ lục rất khó có vận động viên nào của Việt Nam làm được đó là 4 lần liên tiếp thi đấu tại Paralympic. Trò chuyện bên lề sau giải đấu, Tuyết Loan nói với phóng viên: “Thực sự là em phải đối phó với bệnh tật, em rất tiếc về điều đó, nếu không, em sẽ có thể đạt được những thành tích cao hơn”.

Một năm sau đó, tại ASEAN Para Games 2017, Tuyết Loan đã chứng tỏ những lời nói của mình không chỉ là lời hứa suông, cô đã đạt mức tạ xuất sắc 103kg để giành HCV đồng thời phá chính kỷ lục Đông Nam Á do mình đang nắm giữ 3kg. Điều khó tin, đó là cô thiết lập kỷ lục mới của Đông Nam Á khi mình 42 tuổi. Dù để lỡ những cơ hội ở Paralympic nhưng Tuyết Loan vẫn là nữ hoàng cử tạ thống trị tại Đông Nam Á và cô cũng đã giành được huy chương bạc giải châu Á.

Ước mơ kế tiếp

Châu Hoàng Tuyết Loan hiện vẫn đang tập trung luyện tập tại đội tuyển cử tạ người khuyết tật Việt Nam chuẩn bị cho các giải thi đấu trong nước và quốc tế sắp tới. Rất nhiều nhà báo và vận động viên quốc tế ngạc nhiên với mức thù lao của vận động viên cử tạ khuyết tật Tuyết Loan 4 lần dự Paralympic,đó là “Tiền ăn ngày 200.000 đồng/ngày và tiền công 150.000 đồng/ngày, trừ 4 ngày Chủ nhật”. Tuyết Loan kể: “Em thi đấu từ năm 2002 đến giờ cho tỉnh Khánh Hòa, nhưng em không nằm trong biên chế của ngành thể thao Khánh Hòa nên không có lương, không bảo hiểm xã hội. Mỗi khi tập trung đội tuyển quốc gia, em được tỉnh hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng, nhưng khi không tập trung mà trở về nhà thì em không nhận được khoản tiền nào cả, những lúc đó, em phải sống nhờ vào tiền mẹ em cho”.

Thay vì vận động viên khuyết tật phải được hưởng chế độ và khen thưởng nhiều hơn vận động viên bình thường thì xem ra mọi việc lại không được như vậy: “Thường thì tiền thưởng dành cho vận động viên khuyết tậtchúng em chỉ bằng nửa so với vận động viên bình thường!” - Tuyết Loan chia sẻ. Cô nói: “Việc học hành làm huấn luyện viên với vận động viên khuyết tật chúng em càng khó khăn, do chúng em không có tiền và việc học nghề huấn luyện viên đối với người khuyết tật tại Việt Nam là rất hiếm hoi”.

Suốt đời phụng sự ngành thể thao mà không biên chế, không lương, chỉ tính tiền công theo từng ngày tập trung đội tuyển, nếu sau này giải nghệ, Tuyết Loan dự định sẽ phụ mẹ bán cà phê để mưu sinh. Nhưng tự đáy lòng mình, Tuyết Loan vẫn mong muốn góp sức mình phát triển ngành thể thao khuyết tật của đất nước với nỗi lòng đau đáu và một niềm đam mê cháy bỏng.

6/2018

“Chị Châu Hoàng Tuyết Loan là người đàn chị, là người rất hiểu thể thao khuyết tật, và chị cũng luôn giúp đỡ các vận động viên khác khi cần!”. 

Vận động viên khuyết tật Võ Thanh Tùng - huy chương bạc tại Paralympic 2016 - nhận xét.

Luôn giữ vị trí số 1 Đông Nam Á .

Hiện tại, Châu Hoàng Tuyết Loan đang tập trung cho các giải thi đấu trong năm 2018 và những năm tiếp theo với mong muốn đem thêm vinh quang về cho tổ quốc. Ở tuổi 43, cô vẫn là kỷ lục gia và một niềm hy vọng huy chương cho cử tạ nữ khuyết tật Việt Nam. Để theo đuổi sự nghiệp thi đấu, cô vẫn chưa lập gia đình riêng. Châu Hoàng Tuyết Loan nói: “Ước mơ của em là sẽ tạo dựng được một phòng tập cử tạ dành cho người khuyết tật tại Khánh Hòa để đào tạo nâng đỡ các bạn trẻ đam mê tiếp bước chinh phục các đỉnh cao đem vinh quang về cho đất nước. Nhưng với điều kiện kinh tế eo hẹp của vận động viên khuyết tật như em thì cần phải có sự hỗ trợ rất nhiều từ ngành thể thao và từ các mạnh thường quân”.

Từ năm 2005, Châu Hoàng Tuyết Loan đoạt HCV đầu tiên và phá kỷ lục môn cử tạ ở ASEAN Para Games đến nay, vận động viên Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 Đông Nam Á. Được gọi với biệt danh "Người đàn bà thép",  Tuyết Loan từng đoạt HCB Người khuyết tật châu Á các năm 2014, 2016, HCB giải vô địch thế giới người khuyết tật 2016 và hạng 4 Olympic dành cho người khuyết tật (năm 2008 tại Bắc Kinh).