Người quay phim tại Hội nghị Paris

TP - Đạo diễn Trần Duy Nghĩa thuộc số rất ít những người làm nên những thước phim về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Sau đó, ông được cử sang quay phim tài liệu tại Hội nghị Paris tại Pháp.

> Người tài xế ở hội nghị Paris
> Chuyện của một phiên dịch

Ông là con của cố Chủ tịch Ủy ban hành chính TP Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng – người có tên một phố của Hà Nội hôm nay.

Tranh của Nguyễn Xuân Hoàng.

 Từ những hình ảnh về Điện Biên Phủ trên không…

Cuối tháng 12 năm ngoái, khi gọi điện cho đạo diễn (ĐD) Phạm Việt Tùng, tôi được biết ông đang ở Bảo tàng Chiến thắng B52 với một người bạn.

Tới nơi, tôi gặp ông cùng một người chầm chậm bước, xem các xác máy bay trong bảo tàng. Đạo diễn Việt Tùng giới thiệu bạn là đạo diễn Trần Duy Nghĩa, hiện đang định cư tại Pháp, mới về Việt Nam thăm quê hương.

“Cách đây 40 năm, Trần Duy Nghĩa là linh hồn của nhóm làm phim chúng tôi trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Ông là người đưa ý tưởng, phân bổ quay các hình ảnh để dựng thành phim”- ĐD Việt Tùng cho biết.

 Khi vào cuộc rồi thì không còn gì sợ nữa. Chúng tôi đều vì nhiệm vụ, đồng thời coi mình là một nhân chứng để bằng mọi cách ghi lại những hình ảnh lịch sử thời đó.

ĐD Việt Tùng trước nay được biết đến với những thước phim lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, mà điển hình nhất là việc quay được hình ảnh B-52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đêm 27-12-1972.

Ông cũng vừa được nhận giải thưởng Nhà nước trong năm vừa qua với bộ phim “Hà Nội-Điện Biên Phủ”. Nay thấy ông giới thiệu về bạn mình như vậy khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.

Đến khi nói chuyện với ĐD Trần Duy Nghĩa, được ông cho biết mình sang Pháp định cư đến nay đã hơn 30 năm, nên thấy nhiều người ít biết đến ông là phải.

Bên xác máy bay trong Bảo tàng Chiến thắng B-52, ĐD Trần Duy Nghĩa bồi hồi nhớ lại câu chuyện cách đây 40 năm.

Ông kể: “Tháng 12-1972, sau khi cố vấn Lê Đức Thọ từ Hội nghị Paris về nước, chúng tôi được quán triệt thể nào Đế quốc Mỹ cũng cho máy bay đánh phá Hà Nội. Khi đó chúng tôi thuộc tổ Thời sự chính trị của Đài Truyền hình Việt Nam, lực lượng quay phim chỉ có vẻn vẹn 12 người, lại phải trải đều khắp các trận tuyến ở Hà Nội và các thành phố khác”.

Khi đó, ông Nghĩa vừa là biên tập lẫn đạo diễn, có nhiệm vụ tập hợp những hình ảnh của trận chiến khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội để kết nối thành phim.

Ông đã cùng với các đồng nghiệp đến Quân chủng Phòng không-Không quân hỏi xem đâu là những điểm quan trọng để bố trí người tại đó để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất.

Thời đó phim có độ nhạy cao rất hiếm, mỗi người chỉ được cấp vài cuộn nên phải cố gắng ghi được hình ảnh chất lượng mà không tốn nhiều phim.

Người nào ở trận địa tên lửa phải làm sao ghi được hình ảnh tên lửa chuẩn bị bắn, trên sân bay phải quay được máy bay chiến đấu cất cánh… Một số người khác sẵn sàng trực ở điểm cao để ghi lại hình ảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi, mà nhà quay phim Việt Tùng sau đó quay được B-52 rơi là trong sự bố trí như vậy.

“Để dựng thành phim, khi quay phải cố làm sao có những hình ảnh toàn, trung, cận cảnh khác nhau để lúc về có thể chắp nối được và đạt tiêu chuẩn đúng như ý đồ của mình”- ĐD Trần Duy Nghĩa cho biết.

Bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, ban đêm tổ công tác luôn tăng cường trực chiến để săn máy bay Mỹ (vì chúng thường oanh tạc vào đêm), còn ban ngày ĐD Trần Duy Nghĩa và các đồng nghiệp đi các nơi để chọn quay những hình ảnh điển hình để đưa vào phim.

Không sợ bom đạn kẻ thù, nên những hình ảnh về xác B52 rơi, Bệnh viện Bạch Mai hoang tàn sau trận bom, cảnh những em thơ thiệt mạng vì bom địch, cảnh khu dân cư Khâm Thiên tan nát, cảnh bộ đội phòng không chiến đấu mưu trí hạ máy bay địch…được ghi lại một cách chân thực, sống động.

Khi được hỏi: “Ngày ấy phải xông pha dưới làn bom đạn kẻ thù, các ông có cảm thấy sợ?”- ĐD Trần Duy Nghĩa trả lời: “Cũng như người lính, thời điểm trước khi bước vào trận đánh là lúc thường hồi hộp nhất, sự sợ hãi cũng có vì đều là con người. Nhưng khi vào cuộc rồi thì không còn sợ nữa. Chúng tôi đều vì nhiệm vụ, đồng thời coi mình là một nhân chứng để bằng mọi cách ghi lại những hình ảnh lịch sử thời đó”.

…Đến những thước phim tại Hội nghị Paris

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, ĐD Trần Duy Nghĩa và ĐD Phạm Khắc (cố NSND Phạm Khắc-PV) được cử theo phái đoàn ta sang Hội nghị Paris khi cuộc đàm phán được nối lại.

ĐD Trần Duy Nghĩa (trái) cùng ĐD Việt Tùng tại Bảo tàng Chiến thắng B-52 .

Đạo diễn Phạm Khắc trước đó được điều từ miền Nam ra, là đảng viên, từng tham gia thực hiện những cảnh quay tại chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Còn ĐD Trần Duy Nghĩa được chọn, ngoài năng lực nghề nghiệp, còn do ông thông thạo tiếng Pháp.

ĐD Trần Duy Nghĩa kể: Phái đoàn Việt nam Dân chủ Cộng hòa đến Paris bằng máy bay của Hàng không Dân dụng Việt Nam phải qua nhiều chặng từ Hà Nội đến Moskva, sau đó mới tới Pháp.

Hôm đoàn đi có Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Duy Trinh. Khi đoàn xuống sân bay, có rất nhiều người Pháp và Việt kiều đã đứng đợi. Họ hô vang những khẩu hiệu ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hòa bình cho Việt Nam. Điều đó khiến mỗi thành viên của đoàn, trong đó có ĐD Trần Duy Nghĩa hết sức xúc động.

Nhưng ngày đầu tại Paris, đoàn Việt Nam nhận được sự giúp đỡ rất tích cực của Đảng Cộng sản Pháp. Đất nước ta khi đó còn nghèo, ngay nơi ở cũng được bạn bố trí giúp để mọi người có điều kiện tập trung toàn bộ vào công việc.

Với nhiệm vụ được giao, hai nhà ĐD đồng thời là quay phim Phạm Khắc và Trần Duy Nghĩa khi đó quán triệt nhiệm vụ nên đã quay những cảnh tái hiện được đầy đủ hình ảnh và vị thế của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Hôm diễn ra ký kết Hiệp định, người dân đứng chật hai bên đường gần khu vực Kléber (Paris), vẫy quốc kỳ Việt Nam và cờ của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

“Khi đó, tôi sử dụng một máy quay để quay phía ngoài, còn anh Phạm Khắc tác nghiệp phía trong để quay việc ký kết Hiệp định Paris.

Về sau, khi cùng ĐD Phạm Khắc làm phim về Hiệp định Paris, cả hai có dịp phỏng vấn thêm nhiều nhân vật người Việt và Pháp về cảm tưởng của họ trong quãng thời gian diễn ra diễn ra cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử nhân loại tại thời điểm đó”- ĐD Trần Duy Nghĩa cho biết.

Ngày nay, nhiều bộ phim về chiến dịch Điện Biên Phủ trên không hay Hiệp định Paris đều ít nhiều sử dụng những thước phim quý giá mà ĐD Trần Duy Nghĩa cùng các cộng sự đã bấm máy.

Những thước phim tư liệu ấy vẫn phản ánh tinh thần chiến đấu ngoan cường của lớp thế hệ cha anh trong sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc một thời lửa đạn.

“Từng được chứng kiến những cảnh đổ nát, chết chóc trong chiến tranh, nhiều lúc hồi tưởng lại những sự kiện mình có dịp trải qua tôi vẫn luôn xúc động. Năm 1974, khi sinh con, tôi đã đặt tên là Thanh Bình để kỷ niệm khoảnh khắc đáng nhớ trong đời tại Hội nghị Paris”- ĐD Trần Duy Nghĩa cho biết.

Sống tại Pháp, vẫn hoài niệm về quê hương

ĐD Trần Duy Nghĩa là con của bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính đầu tiên và lâu nhất của TP Hà Nội. Bố vợ Trần Duy Nghĩa cũng là một việt kiều yêu nước, từng cùng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện từ Pháp về Việt Nam theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1976, sau khi đất nước giải phóng, bố vợ Trần Duy Nghĩa cùng con gái trở lại Pháp định cư. Sau đó vài năm, Trần Duy Nghĩa cũng về Pháp để đoàn tụ gia đình cùng vợ.

“Trở lại Pháp, ban đầu tôi học công nghệ thông tin, nhưng sau khi tốt nghiệp thấy công việc này không phù hợp nên trở lại nghề đạo diễn, làm việc cho một số hãng làm phim tại Pháp. Ở đây, tuy điều kiện công nghệ có tốt hơn, nhưng tôi vẫn luôn coi những năm tháng tuổi trẻ làm phim tại Việt Nam là quãng thời gian thăng hoa, đáng nhớ nhất của cuộc đời mình”- ĐD Trần Duy Nghĩa chia sẻ.

Theo Báo giấy