Sáng 22/2 (mùng 7 tháng Giêng âm lịch), cả làng Trà Quế - Cẩm Hà với hơn 300 hộ sản xuất rau truyền thống cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước đã dâng lễ cầu mùa trong lễ hội cầu Bông đầu năm. Năm nay, nhiều người nước ngoài tham gia đoàn rước của các xóm với lễ vật rực rỡ sắc màu gồm gà, xôi và hoa quả.
Lễ vật cầu mùa bao giờ cũng có gà và xôi. Ảnh: Q.H
“Mấy năm trở lại đây, nhiều người nước ngoài đến định cư tại Trà Quế vì đây không chỉ là vùng sản xuất rau chuyên canh cung cấp cho thị trường rộng lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam mà còn là điểm du lịch sinh thái với nhiều sinh hoạt cộng đồng đặc sắc. Chỉ riêng tour du lịch “Một ngày làm nông dân Trà Quế” đã thu hút gần 30.000 lượt khách mỗi năm” - ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà, cho biết.
Một gia đình người nước ngoài háo hức với lễ hội mùa. Ảnh Q.H
Trước đó, sáng Mồng 6 Tết Mậu Tuất, hiệp thợ mộc - nề Kim Bồng từ mọi miền đất nước cũng đã tụ hội về đình Tiền hiền - thôn Trung Châu để bắt đầu ngày hội nghề, tri ân công đức các bậc tiền nhân, tổ nghề.
Lễ tế Tổ diễn ra từ 7h30’ mồng 6 tháng Giêng, nhằm ngày 21/2/2018. Sau khi các bô lão tế Âm Linh, cúng giỗ tổ và phát mộc đầu năm tại đình Tiền hiền, hàng chục cơ sở, hộ sản xuất nghề mộc, tàu thuyền, xây dựng,… tổ chức cúng giỗ tổ và phát mộc tại gia đình rồi tham gia phần hội tại Trung tâm làng nghề với nhiều hoạt động trình diễn nghề chạm trổ, dệt chiếu, đan thúng chai, đan rổ,...
Lễ giỗ Tổ diễn ra tại đình tiền hiền. Ảnh: Q.H
Hội chợ ẩm thực quê truyền thống với nhiều món ăn dân dã mang đậm bản sắc quê hương cũng thu hút đông đảo người dân và du khách với các món mỳ Quảng, cao lầu, bánh xèo, bánh bèo, ốc hút, bắp nấu và các trò chơi dân gian. Trong đó, món khoai lang nướng, khoai lang luộc đặc sản vùng quê nổi danh với câu ca: “Kim Bồng là Kim Bồng còi. Khoai lang mắm mạy mà coi như vàng”.
Trình diễn cưa Đợi. Ảnh: Q.H
“Qua tìm hiểu tôi mới biết làng Mộc Kim Bồng hình thành vào thế kỷ XVI, nơi có nhiều nghệ nhân tài hoa, góp công xây dựng những công trình kiến trúc tại phố cổ Hội An, kinh đô Huế,… Điều thú vị là hội làng ở đây rất dân dã, nhìn cái gì cũng thấy thân thương, gần gũi. Tôi ấn tượng với việc trình diễn loại cưa Đợi nhằm xẻ gỗ cỡ lớn mấy chục năm qua không còn sử dụng nữa” - chị Thái Kim, du khách đến từ Hà Tây, chia sẻ.