Người nông dân nhân ái nhất Việt Nam

TP - Người đến vay hợp đồng miệng rồi cầm tiền về không phải trả lãi. Người cho vay lắm lúc phải đi vay ngân hàng, tất nhiên trả lãi, để về cho người khác vay không lãi. Ngân hàng đặc biệt này tồn tại ngót chục năm trời hỗ trợ hơn 600 hộ nông dân miền rẻo cao Ðakrông ở tỉnh Quảng Trị  làm ăn tấn tới… Ông chủ nhà băng chẳng giống ai này là đại gia chân đất Ðặng Quang Hữu.
Ðặng Quang Hữu (phải) - “ông chủ nhà băng nỏ giống ai”.

Từ hai bàn tay trắng…

Trong nếp nhà ấm cúng nép mình bên chân cầu Khe Van, ký ức từ những ngày đầu tiên ở miền đất khó ùa về trong câu chuyện của anh. Hơn 15 năm trước, chàng trai Đặng Quang Hữu (SN 1974) từ làng biển chang chang cát trắng Gia Đẳng, Triệu Lăng, Triệu Phong lên núi làm công nhân Lâm trường Hướng Hóa, rồi gặp cô gái người Vân Kiều Hồ Thị Hương (SN 1978) ở bản Khe Van, xã Hướng Hiệp với nghề thợ may. Cuộc tình lãng mạn của họ đẹp song chả tránh khỏi những lời dị nghị can ngăn. Song tình yêu chân thành giúp họ vượt qua tất cả để nên duyên vợ chồng.

Lập gia đình xong, hai bàn tay trắng bước ra dựng nghiệp, lại sinh sống ở nơi khó khăn, nên anh Hữu bàn với vợ muốn đủ ăn thì chỉ có trồng rừng phát triển kinh tế. Ngày ấy, đất đai mênh mông, ai có sức nào làm sức đó, chính quyền ủng hộ người dân khai hoang trồng rừng. Nhớ khi trồng 1 ha rừng đầu tiên, anh chị phải đi mượn tiền về mua cây giống. Cây vừa giâm xuống đất, anh nín thở chờ cây ra rễ, đâm chồi nẩy lộc. Sau hecta rừng đầu tiên thành công ấy, năm nào anh Hữu cũng trồng rừng, phát triển thêm diện tích nương rẫy cho đến 5 năm sau thì trong tay đã có 21 ha rừng keo.

Vốn cần cù tháo vát nhanh nhẹn nên không chỉ trồng rừng, anh Hữu còn có nương rẫy trồng sắn, làm vườn ươm cây giống lâm nghiệp, mở dịch vụ thu mua nông sản cho bà con nên mỗi năm anh thu lãi về gần 1 tỷ đồng. Nhìn thu nhập của gia đình mình, anh Hữu ngẫm ngợi, sao đất rừng còn nhiều mà bà con dân bản đói nghèo luôn đeo bám. Nhớ lại hồi ấy, anh Hữu bảo, nếu anh tiếp tục phát triển diện tích rừng lên 40-50 ha cũng được bởi đất trống còn nhiều, không ai cấm trồng rừng. Song anh không làm vậy mà muốn để dành phần đất lại giúp bà con trồng rừng để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Một góc rẻo cao Ðakrông mang dấu ấn của “đại gia chân đất” Ðặng Quang Hữu.

Tỷ phú để tiền trong nhà... người nghèo

Để dân bản trồng được rừng, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định mời bà con dân bản về nhà và động viên họ học tập mô hình trồng rừng của mình. Sau đó anh cho bà con mượn tiền mua gạo cơm để người đi trồng rừng có ăn, thuê máy cày đất, đào hố, rồi cho mượn luôn tiền mua giống cây. Anh Hồ Văn Vân, 40 tuổi, ở bản Xa Rúc, xã Hướng Hiệp bảo: “Hồi đó nhà mình nghèo lắm, đất đai nhiều mà chả biết làm ăn. Nhờ anh Hữu cho mượn tiền thuê máy cày được 1 ha đất rồi cho mượn thêm 3 ngàn cây giống để trồng rừng. Nhiều lần như vậy, mình trồng được 5 ha rừng và 1 ha sắn. Nhà mình bây giờ mỗi năm có thu nhập 300 triệu đồng!”.

“Anh Hữu không chỉ là niềm tự hào của xã Hướng Hiệp, của huyện rẻo cao Ðakrông này mà còn là hình tượng đẹp của người nông dân Quảng Trị chia ngọt sẻ bùi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng”. 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị Lê Phúc Thiện

Không thể nhớ hết những người mượn tiền để phát triển kinh tế, anh Hữu mang quyển sổ dày ghi chi chít tên tuổi hơn 600 người mượn tiền của anh. Có người thời gian mượn đã gần 10 năm, chưa trả hết. Tính trung bình mỗi năm anh cho bà con dân bản 3 xã Hướng Hiệp, Đakrông và Mò Ó mượn hơn 1,5 tỷ đồng để trồng rừng, trồng sắn song không thu đồng lãi nào.

Tôi ngạc nhiên, anh Hữu cười: “Nhờ có nguồn vốn vay theo Chương trình 30A (chương trình Hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững của Chính phủ) với lãi suất thấp 0,29%/năm nên tôi mới dám vay vốn nhiều rồi cho bà con trong huyện mượn để làm ăn, chứ nếu lãi như ngân hàng thương mại thì tôi cũng chịu”.

Để trồng được 1 ha rừng tràm người dân cần chi phí khoảng 20 triệu đồng để làm đất, mua giống, còn trồng sắn thì cần khoảng 15 triệu đồng/ha chủ yếu là để làm đất, bón phân. Tôi hỏi cho mượn tiền nhiều vậy, đến khi nào bà con trả nợ? Anh Hữu bảo, đến mùa thu hoạch sắn, thu hoạch rừng, có tiền bà con mang đến trả, chứ anh không đi đòi. Bà con rất tốt bụng, không ai chạy nợ của anh. Trả năm nay không hết thì họ khất được trả tiếp vào vụ sau. “Chấp nhận lời lãi ít lại để hỗ trợ bà con nhân dân thoát nghèo, làm giàu, đó mới là ước mơ lớn nhất của vợ chồng tôi. Nói nhà tôi có tiền mà lại chẳng có tiền bởi tiền của tôi nằm mãi trong dân. Người này mượn, người khác mượn rồi tiền để… trong rừng, chứ có ở trong nhà đâu!”, anh Hữu nói.

Rồi mỗi khi vào mùa thu hoạch nông sản, bà con không biết bán cho ai, họ lại tới nhờ anh Hữu đi bán giùm. Vậy là vợ chồng anh phải giúp bà con thu mua sản phẩm và trả tiền tươi bằng giá thị trường. Anh Hữu nói mình sống làm phúc hơn làm giàu nên không vội vàng gì. Tấm lòng vì cộng đồng của vợ chồng anh Hữu đã giúp hơn 600 hộ dân bản của 3 xã ấy thoát nghèo vĩnh viễn.

Đang chuyện trò thì có khách đến. Hồ Văn Nguyên ở bản Xa Vi, xã Mò Ó, năm trước mượn của anh Hữu 22 triệu đồng khai hoang đất trồng 4 ha sắn. Giờ sắn đã thu hoạch, có tiền song anh Nguyên muốn mượn lại khoản tiền ấy cùng với số vốn của gia đình mua chiếc máy cày, rộng đường làm ăn hơn. Anh Hữu gật đầu và khuyên anh Nguyên về cố gắng làm ăn tốt hơn để còn giúp đỡ trở lại cho dân bản. Anh Hữu bảo, bà con mượn tiền trồng sắn sau một vụ là thu hoạch, có tiền. Nhưng cho bà con mượn tiền trồng rừng thì sớm nhất sau 5 năm mới trả được. Song cho bà con mượn rồi thì đừng có tiếc. Khi họ biết trồng rừng, trồng sắn, bà con không thiếu ăn nữa, mình mới vui!

Khó để tính hết số tiền anh Hữu đã cho bà con mượn không lãi để phát triển kinh tế. Mỗi gia đình mượn ít thì vài triệu đồng, nhiều thì vài chục triệu đồng. Từ số tiền mượn của gia đình anh Hữu bà con dân bản đã trồng được hơn 1.000 ha rừng và 500 ha sắn. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đakrông Nguyễn Thị Hà tấm tắc: “Đặng Quang Hữu là tấm gương sáng của dân bản, bà con ai cũng học cách làm ăn kinh tế của anh ấy. Đây quả là một… ông chủ nhà băng nỏ giống ai!”.

Nhìn những cánh rừng bạt ngàn bắt mắt tươi tốt, người dân luôn biết ơn và họ nói với nhau rằng rừng ấy được anh Hữu tạo lập. Không những cho dân bản mượn tiền làm ăn, anh Hữu còn nhận một cháu bé có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi để cho cháu ăn học. Số là, năm 2009, bố mẹ cháu Hồ Thị Sữa (thôn Xa Vi, Hướng Hiệp) ly hôn bỏ cháu bơ vơ không nơi nương tựa, đứng trước nguy cơ bỏ học khi cháu chỉ mới đang lớp 4. Vợ chồng anh Hữu nhận Sữa làm con nuôi, thương yêu như con đẻ, nay Sữa đang học lớp 12 trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị.

Tại Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức cuối năm 2016, anh Đặng Quang Hữu là người duy nhất được vinh danh “Nông dân xuất sắc nhân ái nhất Việt Nam”. Anh cũng vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng Bằng khen nông dân có thành tích tốt trong lao động sản xuất.