Người mở cửa đón những cuộc đời lầm lỗi

TP - Hơn 20 năm nay Xí nghiệp khai thác đá Phú Cường ở đất mỏ Quảng Ninh là nẻo về hoàn lương cho những mảnh đời lầm lỗi. Từ những người từng một thời nghiện hút, nhiễm HIV, người từng cướp của, giết người đến kẻ từng nhận án dựa cột.

Chúng tôi đặt chân tới đất than Quảng Ninh vào một ngày trời hanh khô, gió biển tấp vào từng cơn rát mặt. Xí nghiệp Phú Cường nằm nép mình dưới chân dãy núi Sơn Thạch (thuộc tổ 75A, phường Cẩm Thạch, thị xã Cẩm Phả).

Phải lội qua mấy con mương đầy than bùn nhão nhoét chúng tôi mới đến được công trường. Giữa bãi đá bụi tung mù mịt, từng nhóm người vẫn cặm cụi làm việc, tiếng đục, khoan đá vang lên chát chúa, tiếng máy nghiền, máy xúc gầm rú liên hồi tạo nên khung cảnh nhộn nhịp khác thường.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh công trường, anh Từ Văn Lâm – Giám đốc Xí nghiệp Phú Cường, cho biết công trường này do cụ thân sinh anh gây dựng từ năm 1987, ban đầu công trường chỉ có 7, 8 người, đến giờ đã lên tới gần 100 nhân công, trong đó rất nhiều người là phạm nhân đã mãn hạn tù, người nghiện ma túy và cả người nhiễm HIV.

Người sáng lập ra Xí nghiệp Phú Cường là bố anh Lâm - ông Từ Khải Thoong, người dân tộc Sán Dìu. “Sinh thời bố tôi rất coi trọng hai chữ tâm đức, ông luôn quan niệm trong cuộc sống rằng làm phúc thì sẽ được hưởng lộc, gieo ác sẽ gặp xấu.

Khi ông nhận những người ra tù về làm việc, cả gia đình tôi vừa sợ, vừa lo không cải tạo được phạm nhân, thậm chí còn sợ xảy ra nguy hiểm, bạo lực.

Ông đã trấn an và phân tích với mọi người: Họ là những người lầm lỗi, nếu ai cũng xa lánh thì còn đường nào cho họ hoàn lương. Và rồi cả gia đình đồng ý cho bố tôi xây dựng Phú Cường” - Anh Lâm kể lại.

Hồi đó cùng với sự hỗ trợ của lãnh đạo Công an thị xã Cẩm Phả, ông Thoong đã quyết định thu nhận những người từng tù tội về, lập HTX khai thác đá Phú Cường.

Phó Trưởng Công an phường Cẩm Thạch Lê Thế Thưởng cho biết mỗi lần có đợt đặc xá hay có phạm nhân thụ xong án, Công an thị xã Cẩm Phả lại gọi điện báo cho ông Thoong, nhiều lần ông còn đứng ngay cổng trại giam Lán 14 ở tận Hòn Gai để thuyết phục phạm nhân về công trường mình làm việc.

Năm 2004, ông Thoong lâm bệnh qua đời, đám tang ông to chưa từng thấy, đoàn người đưa tiễn hơn phân nửa là công nhân của công trường khai thác đá, rồi những ngày sau hàng trăm lượt người trong huyện ngoài tỉnh cũng lần lượt tìm về thắp hương thăm viếng.

Những ánh mắt thương xót, những tiếng nấc nghẹn ngào cất lên với những gương mặt một thời lạnh lùng vô cảm. Tất thảy họ đều đội khăn tang đứng bên quan tài ông Thoong khóc than như vừa mất đi một người ruột thịt vậy.

Hạnh phúc lại trở về

Anh Từ Văn Lâm – GĐ Xí nghiệp khai thác đá Phú Cường (người đứng bên trái ảnh) cùng công nhân trên công trường đá.

Thời gian trôi qua, ở cái nơi ngổn ngang đá sỏi này, hàng chục người đã từ giã quá khứ, hoàn lương về với cuộc đời, cũng nơi đây tình yêu nảy mầm, kết trái…

Nhìn Vũ Quang Bình hạnh phúc bên vợ con, ít ai ngờ rằng mười mấy năm trước, thụ án 12 năm xong Bình còn sống thu mình mặc cảm, trên khuôn mặt lúc nào cũng lầm lừ, lạnh như đá. Bình nói “Chính tình thương của mọi người và công việc đã giúp tôi quên đi quá khứ lỗi lầm của mình để về lại với cuộc sống đời thường”.

Bốn năm trước anh công nhân tên Phương (quê Cẩm Phả) vừa mãn hạn tù, lang thang khắp nơi trong thị xã Cẩm Phả tìm việc nhưng đến đâu người ta cũng chối đây đẩy. Trong lúc tuyệt vọng thì ông Thoong đến đưa Phương về công trường làm việc, hiện giờ Phương đã lập gia đình và có công việc ổn định ở công trường đá.

Anh Lâm nhớ lại những lời giáo huấn của bố: “Trước khi ra đi, bố tôi trăng trối rằng, con nhớ phải thay bố chăm lo cho xí nghiệp, phải để công trường của mình luôn là nẻo về cho những người lầm lỗi”.

Tiếp nối đời cha, hai năm nay anh tiếp tục chèo chống HTX khai thác đá Phú Cường, bây giờ là Xí nghiệp khai thác đá Phú Cường.

Còn Nguyễn Văn Bình (quê Đông Triều) từng nghiện ma túy nặng, gia đình đưa đi khắp các trung tâm cai nghiện nhưng cứ về nhà là tái nghiện, năm 1999, ông Thoong đón anh về công trường, Bình đã đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu” ngay trên công trường đá này.

“Mỗi lần sắp lên cơn nghiện, để quên đi chỉ còn cách mang búa tạ ra nhằm những tảng đá mà đập, đập đến khi máu tướt cả tay mới cắt được cơn thèm thuốc”, Bình nhớ lại.

Giờ đây Bình đang là tổ trưởng tổ khai thác đá, thu nhập hơn 2 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài Bình ra, ở công trường này có gần 10 người đã cai nghiện thành công và tự nguyện ở lại công trường làm việc.

Ở đây nhiều đôi uyên ương đã tìm thấy hạnh phúc riêng của đời mình. Chính ông Thoong là người đứng ra mai mối và làm lễ cưới cho họ. Những đám cưới đạm bạc, cũng có nhà trai, nhà gái là những người bạn cùng công trường, trưởng hôn không ai khác ngoài ông Thoong và những cán bộ công an. Trong lễ cưới những nụ cười vui sướng chan vào cả những giọt nước mắt hạnh phúc.

Anh Lâm kể: “Ở công trường này đã có 5 đám cưới, đáng nhớ và đáng thương nhất là đám cưới cách đây 3 năm của đôi trai gái trẻ bị nhiễm HIV, cưới nhau chưa đầy một năm, chưa kịp hưởng trọn hạnh phúc thì cả hai đều mất vì bệnh quá nặng”.

Đám cưới lạ nhất là của ông Hoàn, một phạm nhân từng nhận án tử hình, quê tận mãi Hà Tĩnh. Đã 63 tuổi ít ai ngờ rằng ông đang hạnh phúc bên người vợ mới cưới kém mình gần 20 tuổi. Ông khoe: “Tưởng cuộc đời chấm hết nhưng không ngờ rằng chính ông Thoong và công trường đá này đã sinh ra tôi thêm một lần và cho tôi hạnh phúc”.

Hơn 20 năm được gây dựng, giờ đây thấp thoáng phía sau công trường đầy bụi bặm, dựa mình vào dãy núi Sơn Thạch là gần chục nóc nhà của công nhân.

Ban đầu chỉ là hai phòng trọ lụp xụp công nhân ghép lại ở với nhau, giờ đây xóm trọ đã có nhiều mái ấm dựng lên, suốt ngày rộn tiếng trẻ con bi bô cười nói. Dân vùng Cẩm Thạch gọi xóm trọ của họ bằng cái tên trìu mến  “xóm hoàn lương”.

Anh Lâm cho biết, công trường vẫn tiếp tục nhận phạm nhân mãn hạn tù vào làm, sắp tới sẽ đầu tư xây thêm dãy phòng cho công nhân. “Không quên lời bố tôi răn dạy, đã từ lâu tôi xem hạnh phúc của công nhân cũng chính là hạnh phúc của mình”- Anh tâm sự.